Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VAFI: Yêu cầu Sabeco nộp 2.495 tỷ vào Ngân sách nhà nước là trái luật

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến yêu cầu Sabeco nộp 2.495 tỷ vào ngân sách của Kiểm toán Nhà nước, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Tại văn bản này VAFI cho rằng cần làm rõ ai được quyền quyết định phân chia lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức hàng năm.

 Ảnh minh họa
Theo VAFI, tại điểm 2b Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2014, chỉ có Đại hội cổ đông mới có thẩm quyền quyết định mức cổ tức hàng năm của công ty cổ phần. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên của Sabeco ngày 18/4/2017 đã thông qua tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2016: Lợi nhuận chưa phân phối đầu năm 2016 là 2.831,8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của năm 2016 là 4.262,9 tỷ đồng; chia cổ tức cho năm 2016 là 3.847,6 tỷ đồng. 
Sau khi chia cổ tức và trích lập các quỹ thì xác định khoản lợi nhuận chưa phân phối cuối năm 2016 là 2.946,4 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối này đã được Đại hội cổ đông quyết định không chia, trong đó có vai trò quyết định của cổ đông nhà nước là Bộ Công Thương.

Theo lập luận của VAFI: "Khoản lợi nhuận chưa phân phối trên về bản chất không phải là khoản nợ của DN đối với toàn thể cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước, vì vậy việc Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Sabeco phải chuyển 2.495 tỷ đồng về ngân sách nhà nước là trái với Luật doanh nghiệp hiện hành".

VAFI dẫn Điểm 20 Điều 149 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về quyền hạn của hội đồng quản trị trong việc chi trả cổ tức "Kiến nghị mức cổ tức được trả; quyết định thời hạn và thủ tục trả cổ tức hoặc xử lý lỗ phát sinh trong quá trình kinh doanh", như vậy Hội đồng quản trị Sabeco hiện nay cũng không có thẩm quyền phân chia cổ tức từ khoản chưa phân phối là 2.900 tỷ mà phải trình cho Đại hội cổ đông năm 2017.

Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2014 cũng nêu rất rõ các nguyên tắc trả cổ tức, phương thức trả cổ tức, trong đó có nói rõ ngày chốt danh sách cổ đông để xác định danh sách cổ đông được hưởng cổ tức. Điều Luật này cũng khẳng định rằng khoản lợi nhuận chưa phân phối 2.900 tỷ không phải là khoản nợ của doanh nghiệp đối với toàn thể các cổ đông.

VAFI nhấn mạnh rằng khoản lợi nhuận chưa phân phối 2.900 tỷ đồng chỉ được thanh toán cho các cổ đông khi hội đủ các điều kiện: Được Đại hội cổ đông biểu quyết thông qua; Sau đó Hội đồng quản trị triển khai thực hiện nghị quyết đó, Hội đồng quản trị phải chốt ngày hưởng quyền lĩnh cổ tức và xác lập danh sách cổ đông tại ngày chốt quyền đó, chỉ có cổ đông trong danh sách chốt quyền thì mới được hưởng cổ tức.

Nếu Đại hội cổ đông tới đây của Sabeco biểu quyết thông qua việc phân chia 2.900 tỷ đồng thì cổ đông nhà nước chỉ được hưởng 36% của khoản phân chia này vì nhà nước đã bán bớt cổ phần của mình vào ngày 27/12/2017. Ngày chốt để xác lập danh sách cổ đông được hưởng cổ tức, khoản lợi nhuận chưa phân phối sẽ trở thành khoản nợ của doanh nghiệp đối với mọi cổ đông, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ cổ tức cho cổ đông.

Cũng theo VAFI, đại bộ phận các công ty cổ phần hiện nay nếu kinh doanh có lãi thì đều tồn tại khoản lợi nhuận chưa phân phối, chứ không phải cứ có lợi nhuận dư thừa là phải chia hết cho các cổ đông, kể cả trong tình huống doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, hay mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Khoản lợi nhuận này được dùng để nếu doanh nghiệp hoạt động không đúng như kế hoạch mong đợi, không đủ nguồn lợi nhuận sau thuế để trả cho cổ đông theo kế hoạch thì có thể lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối bù vào. Hoặc, hết năm tài chính mà doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ thì lấy nguồn lợi nhuận sau thuế bù vào, để tránh sự thay đổi từ các quỹ đã trích lập.

Được biết, sở dĩ VAFI có văn bản thể hiện quan điểm trên là do cũng như trước đây, VAFI đấu tranh quyết liệt đề Sabeco phải nhanh chóng niêm yết, sau đó mới thoái vốn, kết quả là nhà nước thu thêm được 3 tỷ USD so với phương án ban đầu, lần này VAFI lên tiếng không phải vì tổ chức cá nhân nào.