Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vai trò của chuyển đổi số đối với phát triển đô thị bền vững

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trong quá trình đô thị hóa, việc ứng dụng công nghệ số có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Đây chính là nội dung chính được các chuyên gia, nhà quản lý bàn luận tại phiên hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tiến trình phát triển đô thị bền vững” do Ban Kinh tế T.Ư và Bộ Xây dựng tổ chức chiều nay (16/6) tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Thành Phong cho biết, trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị những năm qua, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội đã được quan tâm đầu tư, tăng quy mô, cải thiện chất lượng phục vụ. Nhiều công trình đường cao tốc, quốc lộ, tuyến vành đai tại đô thị lớn, cảng hàng không, cảng biển quan trọng, quy mô lớn được xây dựng, nâng cấp đã góp phần làm tăng khả năng kết nối vùng, miền trong cả nước và giao thương quốc tế.

Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo.
Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, đến nay, hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu; chưa hình thành được hệ thống hạ tầng khung thống nhất, liên kết vùng và bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có dấu hiệu quá tải tại đô thị lớn. Tỉ lệ đất dành cho giao thông ở mức thấp; các tuyến đường sắt đô thị chậm tiến độ, chưa đưa vào sử dụng; hệ thống vận tải công cộng vận hành hiệu quả thấp (chỉ đạt khoảng 16 - 20% so với quy định Luật Giao thông đường bộ).

Nhiều nơi, người dân đô thị còn thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô hạn, xâm nhập mặn; hệ thống thoát, xử lý nước thải đô thị mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu; tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại đô thị chỉ đạt khoảng 13%, phần lớn các nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động dưới công suất 50% thiết kế; tình trạng ngập úng đô thị thường xuyên xảy ra, kể cả đối với đô thị miền núi.

Xử lý chất thải rắn đa số vẫn bằng phương pháp chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Hạ tầng chiếu sáng đô thị tại đô thị trung bình - nhỏ chất lượng chưa cao. Tỷ lệ cây xanh chỉ bằng 1/5 trung bình thế giới, thấp hơn nhiều so với nước phát triển. Chưa hình thành được hệ thống hạ tầng khung thống nhất, đồng bộ liên kết vùng. Hệ thống công trình hạ tầng xã hội như: y tế, giáo dục, văn hóa, công viên cây xanh, sân chơi cho người dân còn thiếu, chỉ tiêu thấp hơn so với quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, Nghị quyết 06-NQ/TW đã đề ra mục tiêu “kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung, hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng, phát triển đồng bộ, hiện đại”, đồng thời có riêng một nhóm nhiệm vụ về “phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Trong đó, nội dung quan trọng là tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật diện rộng, hạ tầng số.

Các chuyên gia và nhà quản lý tập trung thảo luận về vai trò của chuyển đổi số trong quá trình phát triển đô thị bền vững, thông minh.
Các chuyên gia và nhà quản lý tập trung thảo luận về vai trò của chuyển đổi số trong quá trình phát triển đô thị bền vững, thông minh.

Nghị quyết 06-NQ/TW nhấn mạnh nhiệm vụ “đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh”. Nghiên cứu và thực tiễn cho thấy, để phát triển và hình thành những đô thị thông minh, trước hết, phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó, cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý đô thị” - Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã tập trung thảo luận chuyên sâu xoay quanh những vấn đề về kinh nghiệm trong triển khai chuyển đổi số của địa phương gắn với yêu cầu xây dựng và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, có tính tiên phong, dẫn dắt hoạt động đổi mới sáng tạo; hạ tầng số cho đô thị tương lai; giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự đô thị; xây dựng xã hội carbon thấp, thông minh;

Định hướng xây dựng dự án phát triển đô thị bền vững, thông minh, đáng sống; phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; thu hút nguồn lực đầu tư phát triển đô thị; những vấn đề cần quan tâm khi áp dụng công nghệ, nền tảng số trong xây dựng dự án phát triển đô thị bền vững...