Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vai trò của Mỹ trong việc giảm nhiệt Vùng Vịnh

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyên bố chung sau cuộc họp ngày 30/7 của Ngoại trưởng 4 nước Ả rập bao gồm Ả rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập khẳng định sẵn sàng đối thoại với Qatar để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao, nếu Doha sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu mà nhóm này đưa ra.

 Ngoại trưởng 4 nước Arab tại cuộc họp về vấn đề Qatar ở Cairo, Ai Cập ngày 5/7.

Phát biểu sau khi cuộc họp kết thúc, Ngoại trưởng Bahrain, ông Sheik Khalid bin Ahmed al-Khalifa tuyên bố”Bốn nước đã sẵn sàng đối thoại với Qatar với điều kiện là nước này phải tỏ rõ thiện chí trong việc ngừng các hoạt động tài trợ và hỗ trợ cho chủ nghĩa khủng bố, đồng thời thực thi 13 yêu cầu để đảm bảo hoà bình và ổn định ở khu vực và trên thế giới ”.  Đây rõ ràng là một động thái không mới của các quốc gia Vùng Vịnh, cho thấy quan điểm cứng rắn không nhượng bộ của các nước này đối với Qatar. Về chiều ngược lại, chính quyền Doha vẫn luôn giữ nguyên quan điểm bác bỏ bản yêu cầu 13 điểm và cho rằng đây là những động thái mang động cơ chính trị nhằm xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ.

Nhìn chung, vướng mắc chính trong căng thẳng giữa 2 bên vẫn xoay quanh vấn đề mối quan hệ của Qatar với một số tổ chức Hồi giáo bị các nước Vùng Vịnh liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố, và sự hậu thuẫn của Qatar đối với Iran, quốc gia được cho là đối trọng trong khu vực của Ả rập Saudi, quốc gia đứng đầu trong chiến dịch cô lập Qatar. Đây là những mâu thuẫn khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều, khi hai bên không có những nhượng bộ manh tính thực chất.

Tất cả đều hiểu rõ căng thẳng đối đầu trong khu vực về lâu dài sẽ không mang lại lợi ích cho các bên liên quan, qua đó ngầm hiểu sự việc sẽ không bị đẩy đi quá giới hạn. Việc 4 nước Ả rập thể hiện thái độ thiện chí đối thoại là một tín hiệu tích cực, điều cần làm là tìm ra một chất xúc tác để giúp 2 bên “xuống thang”. Trong thời điểm này, rõ ràng Mỹ là nhân tố chủ chốt có thể phần nào làm giảm nhiệt căng thẳng, bởi Washington vẫn luôn giữ vị thế ảnh hưởng chính trị và kinh tế quan trọng đối với cả Qatar và Ả Rập Saudi. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có thể gây áp lực đến mức nào để buộc các bên đi đến một tiếng nói chung, hay vẫn chần chừ chờ các bên tự tìm giải pháp nhằm “dĩ hoà vi quý”?