Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vai trò hợp tác xã chưa rõ trong hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm ổn định, rất cần xây dựng được mối liên kết bền chặt giữa người sản xuất với doanh nghiệp, trong đó, các hợp tác xã (HTX) đóng vai trò rất quan trọng là đại diện cho xã viên. Tuy nhiên, hiện nay, vai trò của các HTX trong tiêu thụ nông sản còn rất mờ nhạt.

Nông dân vẫn... tự bơi

Xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm có diện tích đất sản xuất 250ha. Trong đó, diện tích đất bãi ven sông được quy hoạch thành vùng trồng cây ăn quả như chuối tiêu hồng, cam, nhãn, đu đủ, ổi. Năm 2012, vùng đất bãi xã Cổ Bi được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất quả an toàn. Tuy nhiên, tình hình sản xuất của người nông dân gặp không ít khó khăn, nhất là tiêu thụ sản phẩm do khâu đóng gói, bao bì còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Ông Đỗ Văn Thưởng - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ tổng hợp Cổ Bi cho biết, sản phẩm thu hoạch được chủ yếu là bán buôn hoặc người dân thuê xe vận chuyển đi các vùng xa để bán và bán lẻ tại các chợ nên giá cả thường không ổn định.

 
Sơ chế rau an toàn tại HTX Duyên Hà, huyện Thanh Trì.	 Ảnh Thắng Văn
Sơ chế rau an toàn tại HTX Duyên Hà, huyện Thanh Trì. Ảnh Thắng Văn
Với quy mô lớn hơn và nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, song HTX Cổ Đông, thị xã Sơn Tây cũng đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, HTX có 320 xã viên với 550 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp lớn cùng hàng trăm trang trại chăn nuôi bán công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường hàng chục ngàn tấn thực phẩm các loại. Theo ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Cổ Đông, HTX đã và đang liên doanh, liên kết với 5 doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, song số lượng tiêu thụ sản phẩm còn khiêm tốn. Mô hình liên kết những năm qua của HTX chỉ là hợp đồng chăn nuôi gia công và cung cấp đầu vào, đầu ra với sự thỏa thuận theo thị trường. Do vậy, liên kết chưa được chia sẻ bình đẳng, giá cả lên xuống thất thường, dẫn đến chăn nuôi chưa đạt hiệu quả.

Ngày 25/10/2013 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Đến nay, sau gần một năm ra đời, việc liên kết tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều hạn chế, hầu hết nông dân vẫn phải... tự bơi. Vai trò của các HTX tham gia tiêu thụ sản phẩm cũng rất mờ nhạt, năng lực tổ chức, quản lý đáp ứng yêu cầu đại diện cho nông dân, thậm chí, nhiều nơi có biểu hiện trở thành một khâu trung gian mới nên người dân thiếu tin tưởng, không đồng thuận ủng hộ.

Phát huy vai trò cầu nối

Có thể nói, vai trò của tổ chức kinh tế tập thể là rất cần thiết trong xây dựng mối liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tiêu thụ sản phẩm tốt sẽ kích thích nông dân tham gia sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, làm tốt dịch vụ này cũng sẽ mang lại lợi nhuận cho chính HTX. Đơn cử, tại HTX Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, từ khi liên kết với Công ty TNHH MTV Công nông nghiệp Hà Nội để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, hoạt động của HTX được nâng lên một bước, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn do ưu thế sản phẩm chất lượng cao, giá thành hạ. HTX từ chỗ chuẩn bị giải thể đến nay đã tích lũy vốn được hơn 600 triệu đồng, thu nhập của xã viên đạt 2,5 triệu đồng/tháng.

Để khắc phục tình trạng liên kết vốn còn lỏng lẻo, cần phải xây dựng hợp đồng sản xuất giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân. Trong đó, nếu để người nông dân tự đứng ra ký kết thì hiệu quả không cao. Do đó, cần phải nâng cao vai trò của các HTX trong hình thành liên kết theo chuỗi giá trị nông sản. Ông Lê Văn Minh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nông nghiệp Hà Nội cho biết, qua quá trình tham gia chuỗi sản xuất, các HTX nông nghiệp từ chỗ đơn thuần là nơi làm công tác bảo vệ, bán phân bón, giống trở thành HTX sản xuất nông nghiệp thật sự làm cầu nối đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, dẫn vốn và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Theo Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp muốn được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm phải có hợp đồng liên kết với nông dân hoặc tổ chức đại diện của nông dân như HTX. Điều đó càng cho thấy, vai trò của HTX trong vấn đề hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, nhất là trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay.