VAMC phải có đủ quyền năng của chủ nợ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ chỗ hệ thống ngân hàng (NH) tồn tại nhiều rủi ro, một số NH có nguy cơ mất khả năng thanh khoản, đến nay, NHNN đang trong quá trình quyết liệt xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống NH.

VAMC phải có đủ quyền năng của chủ nợ - Ảnh 1Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần lưu ý đến việc đề xuất tăng tiềm lực tài chính, quyền năng cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), và đi liền với đó là tạo lập thị trường mua bán nợ xấu...

Thưa ông, kết quả kinh doanh quý II/2015 vừa được các NH niêm yết công bố cho thấy, so với quý đầu năm, lợi nhuận đạt được đã giảm mạnh vì chi phí dự phòng rủi ro lớn, vậy có phải do nợ xấu đã tăng lên nên phải tăng dự phòng rủi ro?

- Từ trước đến nay, có khá nhiều NH không khai báo và che giấu những khoản nợ xấu nên khi được yêu cầu khai báo trung thực thì nổi lên những khoản nợ xấu và bắt buộc phải trích lập dự phòng cho những khoản nợ đó. Những khoản dự phòng này được trích ra từ lợi nhuận NH đạt được nên lợi nhuận giảm là điều dễ nhận thấy. Nguyên nhân khiến nợ xấu phát sinh thêm gần đây còn do một số NH hoạt động yếu kém, bị sáp nhập tạo ra nợ xấu lớn. Chưa kể thời gian qua xảy ra một số đại án lớn, những khoản nợ này trước đây chưa bị xếp vào nợ xấu, nay xử lý án nên bị đưa vào danh sách nợ xấu.

Mặc dù đã sớm trích lập dự phòng và nỗ lực xử lý, song nợ xấu vẫn phát sinh, đặc biệt là nợ nhóm 5 (nhóm nợ có khả năng mất vốn) của các NH vẫn tăng, khiến khoản trích lập dự phòng tăng vọt. Vì sao vậy, thưa ông?

- Đến nay, nợ xấu của nhiều NH vẫn khó kéo giảm. Nguyên nhân còn do trước đây NH vung tay cho vay bất động sản, việc phát mại tài sản thu hồi nợ rất khó khăn khi thị trường địa ốc chưa sôi động trở lại. Cái khó là tài sản đảm bảo bằng bất động sản trước đây được định giá cho vay rất cao, giờ thị trường nhà đất giảm thì phải định giá và xử lý món nợ này như thế nào.

Tất nhiên, nợ xấu tăng còn có nhiều nguyên nhân từ khó khăn kinh tế vĩ mô, sức trả nợ của nhiều DN còn yếu... Với việc triển khai Thông tư 02/2015/TT - NHNN, Thông tư 09/TT - NHNN (triển khai từ quý II/2015) về hệ số an toàn, rủi ro..., nợ xấu toàn ngành được giữ nguyên nhóm nợ nhưng các NH phải đáp ứng được những điều kiện vô cùng chặt chẽ. Cụ thể, để được giữ nguyên nhóm nợ, phải là những khoản nợ mà việc cấp tín dụng không vi phạm các quy định của pháp luật, phù hợp với mục đích của dự án vay vốn trong hợp đồng tín dụng; khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, có phương án trả nợ mới khả thi, phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện một lần... Các điều kiện quy định tại Thông tư 09 được nhiều tổ chức tín dụng đánh giá là quá chặt chẽ, không còn "cửa hẹp để lách” hay che giấu nợ, trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, nợ đối với DN không dễ kiểm soát. Vì thế, các nhóm nợ cũng có sự chuyển biến rất nhanh từ nhóm 2 - 3 xuống nhóm 4 - 5 chỉ trong gang tấc.

Nợ xấu tăng cao đồng nghĩa trích lập dự phòng lớn, lợi nhuận sụt giảm, kéo theo đó là những hệ quả gì mà NH phải đối mặt?

- Lợi nhuận NH giảm, trước mắt là các cổ đông không có cổ tức, ngoài ra còn có nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tất nhiên, nếu trích lập dự phòng quá nhiều, lợi nhuận sẽ giảm dần. Cho đến một lúc nào đó, các NH thua lỗ, hệ số an toàn vốn (CAR) xuống rất thấp sẽ ảnh hưởng vốn chủ sở hữu. Nếu một NH có vốn điều lệ hoặc giá trị thực xuống dưới 3.000 tỷ đồng, trong trường hợp đó có thể sẽ bị NHNN xử lý. NH xem như phá sản trên giấy tờ. Và do không thể phá sản trên thực tế vì sự an toàn hệ thống, các NH buộc phải tăng vốn nếu không chịu hợp nhất hay sáp nhập. Như vậy là vấn đề quan trọng nhất đối với NH là làm sao kiểm soát được nợ xấu. Với mục tiêu kiểm soát nợ xấu về 3% trước ngày 30/9, NHNN đã áp chỉ tiêu mỗi NH phải bán lại cho VAMC số nợ xấu tối thiểu cụ thể.

Như vậy NH có giảm được gánh nặng nợ xấu, tránh được rủi ro hay không, thưa ông?

- Hiện nay, các NH đang chạy đua bán nợ xấu cho VAMC. Chẳng hạn nợ xấu bị ở trong nhóm 5, NH phải trích 100% cho khoản nợ xấu đó. Nhưng nếu bán cho VAMC nợ xấu với một lượng trái phiếu đặc biệt tương đương, mỗi năm NH chỉ phải trích lập 20% cho VAMC thôi nên giảm được chi phí dự phòng rủi ro. Nợ xấu đó VAMC mua tạm nhưng có lợi cho NH thương mại (NHTM) thay vì phải trích lập dự phòng rủi ro 100% (nợ nhóm 5) hoặc 50% ở nhóm 4. Nếu bán qua VAMC cho 10 năm thì trích lập 10%, 5 năm thì 20%.

Thực tế, nợ xấu có thể được bán hết cho VAMC, trách nhiệm đó vẫn thuộc về NH nhưng có lợi cho NH thay vì trích lập 100% thì chỉ trích lập một khoản cho VAMC, có lợi cho sổ sách.

Như ông nói thì việc bán lại nợ xấu cho VAMC chỉ là vấn đề sổ sách (khoanh lại chuyển qua VAMC) và chỉ là giải quyết tình thế, NH vẫn phải tự trả (mỗi năm trích lập 10 - 20%) mà nếu NH không có lợi nhuận để trích lập thì sẽ vẫn rủi ro, làm sao bán được nợ xấu ra thị trường và bớt gánh nặng cho NH? Khi nào được hoàn nhập dự phòng rủi ro?

- Trong thời gian bán cho VAMC, NH có thể thanh lý tài sản đảm bảo thu nợ nếu số tiền thu hồi nợ đủ lớn có thể hoàn nhập lại khoản dự phòng trước đó mình đã chi trả. Ví dụ: NH có 100 tỷ đồng bán cho VAMC, trong năm đầu phải trả cho VAMC 20%, tức 20 tỷ đồng. Và số nợ giá trị trái phiếu đặc biệt còn lại là 80 tỷ đồng nhưng trong năm thứ 2, NH bán được tài sản đảm bảo, lấy được 120 tỷ đồng thì 120 tỷ đồng đó không những có thể hoàn nhập được 20 tỷ đồng đã trích lập rồi. Ngoài ra có thể trả nốt 80 tỷ đồng cho VAMC, phần còn lại 20 tỷ đồng là thu nhập bất thường. Phần thu nhập này có thể được sử dụng để làm nhiều chuyện khác, chẳng hạn như tăng vốn hay chia cổ tức…

Theo tôi, để giải quyết nợ xấu, về phía NHNN tiếp tục tăng cường thanh tra giám sát đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là lưu ý đến việc đề xuất tăng tiềm lực tài chính, quyền năng cho VAMC. Cái chính là VAMC phải thực chủ quyền thanh lý tài sản đảm bảo. Hiện tại, mặc dù trên giấy tờ tất cả phần nợ bán cho VAMC thì tất cả tài sản đảm bảo chuyển nhượng cho VAMC, nhưng khi ra tòa, VAMC không thể khởi kiện khách hàng. Trước nay, VAMC vẫn mua nợ xấu và trả cho các NH trái phiếu đặc biệt, đây thực chất là hình thức “mua nợ chịu”. Song muốn trả “tiền tươi thóc thật” cho các khoản nợ đã mua thì VAMC phải có đủ “lực” nguồn vốn tự có. Và VAMC phải có chức năng huy động vốn, vay tiền từ bên ngoài qua hình thức trực tiếp hoặc phát hành trái phiếu… để có đủ tiền mua bán nợ với các NHTM chứ không phải dựa vào NHNN.

Vậy, ông có đề xuất gì để VAMC sẽ thực sự trở lại đúng với vai trò hoạt động của mình là bộ máy xử lý nợ xấu?

- Sau 7 tháng năm 2015, VAMC mới bán được 10% trong tổng số nợ xấu đã mua. Con số này chứng tỏ VAMC còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến các quy định pháp lý, thủ tục…

Do đó, tôi kiến nghị, thứ nhất phải trao cho VAMC tất cả quyền của một chủ nợ. Thứ hai, VAMC phải mua nợ xấu không theo hình thức trái phiếu đặc biệt nữa mà theo hình thức trái phiếu phổ thông, và mua bán nợ không phải như bây giờ là mua bán theo sổ sách mà phải mua bán theo giá thị trường, phải có sự đàm phán giữa NH với VAMC. Thứ ba, VAMC phải có đủ tiền để trả cho NHTM chứ không phải là trái phiếu đặc biệt, mà trái phiếu đặc biệt này phải chạy đến NH T.Ư chiết khấu. Điều này đòi hỏi VAMC phải có tiềm lực. Nghị định của Chính phủ cho phép VAMC tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng là không thấm vào đâu. Muốn mua thêm những khoản nợ với giá trị lớn hơn, tới vài chục ngàn tỷ đồng, VAMC phải được bổ sung thêm vốn, hoặc huy động nguồn vốn từ bên ngoài để có tiền trả cho các NH đã bán nợ.

Và cuối cùng, đối với việc xử lý số tài sản mua từ các NHTM, để có thị trường nợ thật sự có tính thanh khoản thì quy định pháp luật về giải quyết tài sản đảm bảo, thanh lý tài sản thế chấp phải rất thông thoáng để người chủ nợ trước kia là NHTM sau đó chuyển sang VAMC, rồi trong tương lai có thể chuyển sang nhà đầu tư nước ngoài hay cho tổ chức nào đó phải được pháp luật bảo vệ. Luật pháp phải thay đổi, thậm chí là có thể ban hành đạo luật riêng cho việc giải quyết nợ quốc gia thì lúc đó nhà đầu tư mới mặn mà mua nợ.

Ngoài ra, để giải quyết nợ xấu, không chỉ đòi hỏi vai trò của NH mà các bộ, ngành khác cũng phải chung tay, như hỗ trợ DN, tháo gỡ khó khăn, tạo đầu ra cho sản phẩm. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng là yếu tố quan trọng tạo động lực DN phát triển. Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế phải diễn ra đồng bộ. Một nền kinh tế cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp hệ thống NH phát triển ổn định bền vững hơn.

Xin cảm ơn ông!
Theo số liệu NHNN công bố, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tính đến ngày 30/6/2015 đã lên tới trên 4,283 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 7,86% so với cuối năm 2014. Trong khi đó, số liệu nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng chiếm 3,72% tổng dư nợ (khoảng 160.000 tỷ đồng). Xét báo cáo tài chính của từng NH về cơ cấu nợ, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tiếp tục tăng lần lượt 51% và 22%, còn nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) có dấu hiệu suy giảm 14% so với cuối năm 2014. Trong số đó, 13 NH (BIDV, VCB, VietinBank, STB, VIB, VPBank, SHB, Techcombank, ACB, MB, NCB, PGBank, EIB) đang có 23.850 tỷ đồng nợ xấu có khả năng mất vốn, chiếm đến 50,6% tổng số nợ xấu.

Valid: True