Kinhtedothi - Dù khoảng cách giữa giáo dục nội thành và ngoại thành đã và đang được rút ngắn, dù những người làm giáo dục ở ngoại thành rất nỗ lực chuẩn bị cho năm học mới, song phải khẳng định: Các huyện ngoại thành của Hà Nội vẫn còn rất nhiều khó khăn, cần sự đầu tư lớn về kinh phí để có thể đáp ứng được cơ sở vật chất (CSVC) đối với chương trình đào tạo.
Mơ ước một ngôi trường mới
Trường Mầm non Hữu Bằng, xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất từ lâu đã “nổi tiếng” trong giáo dục Hà Nội - nổi tiếng vì tình trạng thiếu thốn CSVC, học sinh (HS) của trường vẫn phải học tại các phòng học nhờ, tạm. Trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng Phạm Thị Hường cho biết, năm nay, trường vẫn đón 600 HS vào năm học mới. Các lớp học đã được quét vôi, cải tạo, tu sửa chuẩn bị cho năm học mới. Tuy nhiên, “Năm học này, trường vẫn không có gì mới so với năm trước. Trước mắt thì các phòng học vẫn tạm sử dụng được, chúng tôi chỉ có thể cho tu sửa, dọn dẹp sạch sẽ để đón HS” - bà Hường chia sẻ.
Được biết, trường Mầm non Hữu Bằng được xây tạm trên đất chùa. Tại các điểm học nhờ, học tạm của trường, mỗi điểm chỉ có một khu vệ sinh chung cho cả giáo viên và HS. Ở khu di tích lịch sử văn hóa đình, chùa, khu nhà A có hơn chục phòng học đều là nhà cấp bốn. Hàng trăm HS cùng các cán bộ, giáo viên nhà trường sử dụng chung một nhà vệ sinh. Tại khu nhà B có 3 lớp 5 tuổi dùng chung một nhà vệ sinh nhỏ hẹp, trần nhà cũ ọp ẹp. Khi trời mưa, nước từ mái nhà dột xuống sàn, các cô giáo phải loay hoay dịch chuyển bàn ghế để các cháu không bị ướt. Sau “sự cố” HS đi đại tiện vào túi nilon bị truyền thông phản ánh năm 2011, đến năm 2012, dự án xây dựng trường Mầm non trung tâm xã Hữu Bằng (do UBND huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư) đã được phê duyệt với tổng mức dự toán 45,6 tỷ đồng, diện tích sử dụng 10.238m2, với quy mô 20 phòng học, nhà bếp và các hạng mục phụ trợ... Tháng 7/2012, dự án được UBND TP cấp vốn 13,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi khi nào trường được tiếp cận ngôi trường mới thì bà Hường cho biết phải hỏi UBND xã và UBND huyện. Các cô giáo và HS trong trường chỉ biết mong ước một ngày nào đó sẽ có một ngôi trường đúng nghĩa để dạy và học.
Trường Mầm non Hữu Bằng là một ví dụ cụ thể và thực tế cho tình trạng thiếu CSVC khi năm học mới đang đến gần. Và đây không phải trường hợp duy nhất ở vùng ngoại thành, HS vẫn còn phải học trong điều kiện CSVC thiếu thốn, điều kiện vệ sinh, sinh hoạt còn nhiều điều phải bàn.
Nỗ lực xóa phòng học tạm
Tuy nhiên, nỗ lực vì HS của các trường địa phương và nỗ lực rút ngắn khoảng cách về giáo dục giữa nội và ngoại thành vẫn được thể hiện rõ khi năm học mới đến gần. Nghèo như trường Mầm non Hữu Bằng, thì trong điều kiện có hạn của mình, nhà trường vẫn “giật gấu vá vai” để tu sửa và chỉnh trang lớp học đón HS, đảm bảo nhu cầu gửi con của người dân trên địa bàn. Ngoài ra, như bà Đỗ Thị Kim Lý – Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) cho biết, CSVC của trường tạm ổn, có 4 phòng học bị xuống cấp, trường đang tiến hành sửa chữa. Năm nay, trường có 679 HS cho 17 nhóm lớp, trong đó có 4 nhóm lớp nhà trẻ, còn lại là mẫu giáo. Tuy không có phòng học tạm nhưng diện tích phòng vệ sinh bình quân trên đầu trẻ vẫn chưa đạt được theo chuẩn quy định. Trường có 10 phòng học, 9 nhà vệ sinh, các nhà vệ sinh đều ở ngoài, không khép kín.
Còn tại huyện Ba Vì, ông Lê Ngọc Tôn - Trưởng phòng GD&ĐT cho hay, vẫn còn phòng học tạm, phòng học cấp 4. Do khó khăn về kinh phí nên huyện sẽ từng bước xóa phòng học tạm, phòng học cấp 4. “Kế hoạch của UBND huyện đối với những phòng học này không phải là cải tạo hay sửa chữa mà nâng cấp luôn để đạt chuẩn. Năm 2015, dự kiến phấn đấu thêm 4 trường đạt chuẩn, nhưng do khó khăn về kinh phí nên mục tiêu này khó về đích. Nếu phấn đấu thì chỉ được 2 - 3 trường nữa đạt chuẩn” – ông Tôn cho biết. Được biết, giai đoạn trước năm 2009, Ba Vì có 18 trường đạt chuẩn, sau 2009 là 11 trường trong tổng số 108 trường trên địa bàn huyện.
Năm học mới sắp đến. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về CSVC, nhưng đến thời điểm này, các trường ngoại thành Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc sửa chữa, dọn dẹp vệ sinh để đón HS. Những khó khăn trong kinh phí đầu tư được lãnh đạo các huyện cho biết sẽ từng bước khắc phục trong thời gian tới.
![]() Giờ học của các cháu trường Mầm non Tân Hội, huyện Đan Phượng. Ảnh: Quỳnh Linh
|