Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn chỉ là điều ước

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm miên man của buổi tựu trường”. Mỗi lần đọc lại những dòng cảm xúc trong truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh – tác phẩm gắn bó với bao thế hệ học trò, hẳn ít ai có thể quên cái xao xuyến, bâng khuâng khi gặp lại thầy giáo, cô giáo và bạn bè thân thương sau những tháng nghỉ hè, để rồi cùng phấn chấn bước vào một năm học mới tràn đầy hứng khởi.

 Gần 2 triệu học sinh trên địa bàn TP Hà Nội khai giảng năm học mới trong ngày 5/9. Ảnh: Thái San.
Thế nhưng, với các em học sinh hôm nay, cảm giác thiêng liêng của ngày khai trường dường như bị nhạt nhòa. Các em đã học trước ngày khai giảng cả tháng trời; tập dượt khai giảng trước cả tuần lễ. Đôi khi, ngày khai giảng lại trở thành nỗi ám ảnh, sợ hãi khi các em phải đội nắng, đội mưa xếp hàng vẫy cờ… chờ lãnh đạo.
Dù năm nay lễ khai giảng sẽ được tổ chức ngắn gọn, đơn giản, nhưng vẫn thiếu đi cái hồi hộp nôn nao đợi đến ngày khai trường của lũ học trò ngày ấy. Và các em hôm nay cũng không có sự hân hoan phấn chấn sau những tiếng trống báo hiệu cho một năm học mới. Có chăng thì cũng vội tiêu tan vì áp lực của chuỗi ngày dài học chính, học thêm cùng cả “núi” bài tập đang đợi chờ phía trước. Mùa hè như ngắn lại và ngày khai trường không còn ý nghĩa như xưa nữa.
Và sau tiếng trống khai trường, hàng loạt nỗi lo cũ lại hiện hữu trong tâm trí của nhiều bậc phụ huynh. Đó là những nỗi lo về trường lớp, cơ sở vật chất, chất lượng dạy học khi nhiều trường sỹ số học sinh lên đến 60 - 70 em mỗi lớp. Không đủ phòng học, có trường còn phải tăng ca học cả ngày thứ Bảy. Và còn đó những tâm tư, trăn trở của phụ huynh về sự lãng phí không cần thiết trong trường học.
Dễ thấy nhất là việc sách giáo khoa năm nào cũng phải mua mới, chị em trong nhà không thể cho nhau sách để học. Học sinh miền núi, vùng sâu không có sách sách giáo khoa, trong khi hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng vứt đi khi học sinh đều phải mua sách mới mỗi năm học. Dù ngành giáo dục đã mạnh tay với lạm thu, nhưng vẫn còn những trường tìm mọi cách lách luật núp bóng “tự nguyện”. Rồi cả việc dạy thêm, học thêm tràn lan, những cải cách đổi mới nửa vời khiến nhiều người bất an vì ngành giáo dục vẫn mãi loay hoay chưa tìm ra mô hình chuẩn phù hợp với nước nhà. Ngay cả việc nhận xét, chấm điểm học sinh tiểu học theo Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT là chủ đề gây nhiều tranh cãi suốt 2 năm qua vẫn chưa dừng lại.
Ở Nhật Bản có một câu chuyện mà nhiều thế hệ học trò Việt Nam "nằm lòng", đó là những ước mơ của "Totochan, cô bé ngồi bên cửa sổ" (tác giả Testuko) về một môi trường học đường “không phải học quá nhiều, nhiều ngày hội thể thao, làm bếp dã ngoại, cắm trại và đi tham quan” đến nay vẫn còn rất thời sự. Và, nó vẫn là mơ ước của nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh Việt Nam. Nếu không đổi mới giáo dục, những ước mơ giản dị ấy vẫn chỉ mãi là một ước mơ khi học sinh đang gồng mình trước áp lực học hành và thi cử.