Khiếu nại về đất đai tiếp tục tăng
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: So với năm 2018, số đơn thư các loại tiếp nhận giảm 7%; đơn khiếu nại giảm 5,5%, đơn tố cáo giảm 11,3%. Các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 27.130 vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 85,4%. Qua giải quyết KN, TC đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 205,5 tỷ đồng, 24,1ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.889 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 597 người (đã xử lý 388 người), chuyển cơ quan điều tra 20 vụ, 26 đối tượng.
Tuy nhiên, số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại là 67,7% (tăng 5,9%) so với năm 2018, trong đó tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, khiếu nại, tranh chấp đất đai có nguồn gốc là đất do nông, lâm trường quản lý, liên quan đến sử dụng đất an ninh, quốc phòng, việc chuyển đổi mô hình chợ truyền thống, khiếu kiện, tranh chấp tại các dự án bất động sản, thu phí tại các trạm BOT... Nội dung chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái trong quản lý, thực thi công vụ, bao che cho cấp dưới...
Phân tích về nguyên nhân, theo Thanh tra Chính phủ, đến nay một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Như quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thu hồi đất của dân để giao cho DN đầu tư, thực hiện các dự án có mục đích thương mại do có sự chênh lệch địa tô, nên mặc dù vụ việc đã được giải quyết theo pháp luật nhưng công dân không nhất trí, tiếp tục KN, TC kéo dài với thái độ gay gắt, bức xúc...
Trước thực tế này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ tổ chức đánh giá lại các khiếu kiện về đất đai, tìm rõ nguyên nhân để có cách xử lý hiệu quả; kết nối dữ liệu về tình hình giải quyết KN, TC để các cơ quan đều nắm rõ, tạo thuận lợi cho việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Vẫn còn ngại tiếp dân
Một vấn đề nữa cũng được đặc biệt nhấn mạnh là hoạt động tiếp dân đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo hơn. Thậm chí Chính phủ thành lập Tổ chuyên trách đi giải quyết các vấn đề phức tạp của từng địa phương... Tuy nhiên tại cơ sở, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu quyết tâm trong việc tiếp công dân, đối thoại với dân, xem xét, giải quyết KN, TC, dẫn đến bức xúc kéo dài. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, theo quy định, người đứng đầu các ngành, địa phương có trách nhiệm tiếp công dân, tăng cường đối thoại, tiếp dân tại ngay nơi xảy ra vụ việc, giải quyết kịp thời KN, TC, kiến nghị ngay khi mới phát sinh. Tuy vậy, vẫn còn địa phương, đơn vị (nhất là ở cấp cơ sở) chưa thực hiện tốt việc này hoặc ngại tiếp công dân, nhất là các vụ việc phức tạp, khiếu nại đông người... dẫn đến KN, TC vượt cấp.
Thẩm tra vấn đề này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần chỉ rõ người đứng đầu ngành, cấp nào không trực tiếp thực hiện quy định tiếp công dân, ủy quyền cho cấp phó thực hiện công việc này, để có biện pháp xử lý nghiêm, nhằm tạo nền nếp, hạn chế việc KN, TC vượt cấp, bức xúc, kéo dài.
Nhấn mạnh “nhiều vụ việc nghiêm trọng không xảy ra nếu quan tâm hòa giải ở cơ sở”, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cũng đề nghị quan tâm hơn, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tiếp công dân, nhất là ở cấp xã. Đồng thời, việc phân loại các đơn thư cũng cần được thực hiện hiệu quả hơn, tránh tình trạng nhiều đơn thư của người dân là đơn KN, TC nhưng bị phân sang loại kiến nghị phản ánh nên không có thời hạn giải quyết, hoặc quy trình giải quyết sẽ khác đi; người dân không được giải quyết khiếu nại sẽ khiếu nại vượt cấp.