Vận hành nhà công vụ: Lỗ hổng từ quản lý

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều khi Bộ Xây dựng công khai danh tính của một số cán bộ, lãnh đạo hàm Thứ trưởng và tương đương chậm trễ bàn giao nhà công vụ sau khi nghỉ hưu. Thực tế, công tác vận hành, sử dụng nhà công vụ trong thời gian qua đó có những lỗ hổng, cần sớm sửa đổi, chấn chỉnh.

Lỏng lẻo trong quản lý
Vụ việc Bộ Xây dựng gửi công văn đến 12 vị cán bộ, lãnh đạo hàm Thứ trưởng và tương đương về việc yêu cầu trả lại nhà công vụ cho Nhà nước sau nghỉ hưu đã lâu, gây xôn xao dư luận những ngày gần đây. Và đặc biệt hơn, đây không phải lần đầu tiên Bộ này gửi văn bản “đòi nhà”.
Câu chuyện về ý thức, trách nhiệm và danh dự của cán bộ, công chức lại được đưa ra bàn luận. Nhiều ý kiến cho rằng, với những cán bộ cố tình “chây ì” không chịu trả nhà thì nên công khai danh tính. Bởi khi đánh vào “danh dự” của người cán bộ, mọi việc sẽ được giải quyết. Nhưng thực tế, sự việc lại không đơn giản như bề nổi của nó. Việc quy trách nhiệm ai là người có lỗi trong việc này khó mà phân định, khi những quy định về việc quản lý, sử dụng nhà công vụ vẫn còn lỗ hổng.
 Cần phải minh bạch hóa trong các điều khoản hợp đồng thuê nhà công vụ. Ảnh: Giang Huy
Luật sư Đỗ Pháp – Trưởng văn phòng Luật sư Đỗ Pháp cho biết, từ lâu nay, Nhà nước chậm thay đổi chủ trương, chính sách về nhà công vụ mới dẫn đến việc công bố thu hồi nhà công vụ của một loạt cán bộ cao cấp như vừa qua. Về vấn đề này, đánh giá khách quan thì một phần do lỗi của cán bộ, công chức được giao nhà. Nhưng một phần cũng do lỗi từ cơ quan quản lý, thực thi pháp luật.
Luật sư Đỗ Pháp lý giải, phía cơ quan quản lý Nhà nước đã không thực hiện đầy đủ những hướng dẫn theo quy định và không thực hiện đầy đủ các thỏa thuận giữa các bên, những điều khoản quy định cho người ở nhà công vụ không rõ ràng. Đối với người được giao nhà công cụ cũng không nắm chắc những quan hệ pháp lý phát sinh khi chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Mập mờ thông tin về việc hóa giá nhà công vụ, trong khi luật đã quy định là không được phép.
Đã có rất nhiều văn bản luật hướng dẫn về quản lý, sử dụng nhà công vụ, như: Luật Nhà ở 2005, Luật Nhà ở 2014, Thông tư 01/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng và nhiều quyết định, nghị định kèm theo thông tư hướng dẫn thực hiện. Trong đó có quy định rõ "trong vòng 90 ngày cán bộ được thuê nhà ở công vụ phải trả lại nhà khi không còn nhu cầu sử dụng, không còn tiêu chuẩn cho thuê hoặc là khi đã chuyển công tác đi nơi khác...".
Nhưng trong quá trình thực hiện, đơn vị quản lý chỉ giao nhà mà không có hợp đồng thuê nhà với các điều khoản cụ thể, như thời hạn thuê, giá thuê... “Văn bản hướng dẫn thực hiện không thống nhất, người thực thi lại có ý “nể nang”. Vấn đề này đã được nói đến từ lâu, song vẫn chưa có sự thay đổi. Từ việc không rõ ràng trong thực hiện, dẫn đến việc người được giao nhà ở khi về hưu chần chừ trong việc bàn giao lại. Nếu áp dụng đúng những quy định của pháp luật sẽ không dẫn đến tình trạng như thế” – luật sư Đỗ Pháp cho hay.
Minh bạch thỏa thuận
Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho biết, những cán bộ hàm Bộ trưởng, Thứ trưởng hoặc tương đương nếu thuê nhà ở công vụ sẽ trích ra khoảng 20% tiền lương để trả tiền thuê, chưa kể những chi phí dịch vụ. “Tuy nhiên, nhà ở công vụ cũng cần phải có các chi phí khác như quản lý, vận hành, bảo trì... Căn cứ vào nội dung này, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ điều chỉnh giá thuê cho phù hợp với từng thời kỳ” – ông Nam cho biết.
Ở khía cạnh khác, luật sư Nguyễn Hồng Thơm – Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, việc xây dựng hệ thống nhà công vụ là cần thiết, các nước phát triển đều thực hiện mô hình này. Nhưng ở Việt Nam, chính sách đối với nhà công vụ lại khác biệt so với quốc tế, trong khi kinh tế còn nhiều khó khăn thì Nhà nước gần như bao cấp toàn bộ đối với những người được ở nhà công vụ.
Ngoài việc được bao cấp về giá thuê, nhà công vụ còn được Nhà nước trang bị nội thất cơ bản đầy đủ, gồm có bàn ghế, tivi, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, tủ bếp, máy hút mùi, giường, đệm, máy giặt, bình nóng lạnh... Trong khi đó, ở nhiều nước họ thực hiện chính sách cho thuê hoàn toàn và tính theo giá thuê của thị trường. Tiền thuê sẽ được Chính phủ hỗ trợ qua lương hàng tháng.
“Cần phải hiểu rằng, nhà công vụ là chính sách của Nhà nước dành riêng cho những cán bộ, công chức có nhu cầu nhưng đang làm việc để phục vụ đất nước. Gần như toàn bộ chi phí vận hành, bảo dưỡng nhà công vụ là lấy từ ngân sách, nghĩa rằng lấy từ tiền thuế. Vì vậy sau khi hết thời gian công tác hoặc nghỉ hưu, người được giao nhà phải có trách nhiệm trả lại. Giá thuê nhà công vụ cũng phải bình đẳng như thuê nhà ở khác và phải có điều khoản, hợp đồng rõ ràng” – ông Thơm nói.
Đồng quan điểm trên, luật sư Đỗ Pháp cho rằng, khi giao nhà ở công vụ cho cán bộ không nên chỉ có riêng quyết định giao nhà, mà cần phải lập thành hợp đồng với những điều khoản minh bạch, quy định quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan.
“Quy định đã có, thông tư và các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện cũng đã có, cứ theo hành lang đó để thực hiện. Còn đối với những trường hợp sử dụng nhà công vụ không đúng mục đích vì bất cứ lý do gì cũng cần phải kiên quyết thu hồi” – luật sư Đỗ Pháp nhấn mạnh.

Theo Bộ Xây dựng, nhà chung cư thương mại CT1 - CT2, khu đô thị Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội có khoảng 342 căn hộ, trong đó có 76 căn hộ công vụ của Chính phủ hiện do Bộ Xây dựng đang quản lý, bố trí cho cán bộ lãnh đạo của các cơ quan T.Ư thuê.


"Luật Nhà ở 2014 nêu rõ, sau 3 tháng kể từ khi không thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ hoặc khi không còn nhu cầu thuê, nếu đối tượng đang thuê không trả lại, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể dùng các biện pháp cưỡng chế thu hồi. Bộ Xây dựng được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý thì phải có trách nhiệm thu hồi tài sản Nhà nước khi các cá nhân hết hạn được giao sử dụng." - KTS Nguyễn Văn Thanh – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần