Đó là khẳng định của các khách mời tại tọa đàm với chủ đề "Văn hóa doanh nghiệp và kết nối giao thương" với hình thức trực tuyến ngày 23/8. Chương trình do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.
Với bối cảnh hội nhập kinh tế, văn hóa thế giới sâu rộng như hiện nay, mục đích của Tọa đàm giúp các doanh nghiệp của Việt Nam có ý thức tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp, từ đó lan tỏa những nét hay, phong cách kinh doanh, phong cách giao tiếp và văn hóa phục vụ… để doanh nghiệp chiếm được lòng tin của thị trường, điểm tựa để phát triển bền vững.
Các chuyên gia, diễn giả đều nhìn nhận, văn hóa doanh nghiệp là một khái niệm khá quen thuộc trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập sâu rộng toàn cầu, vấn đề văn hóa doanh nghiệp không chỉ quan trọng với nội tại doanh nghiệp, thị trường trong nước mà còn thể hiện văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Văn hóa doanh nghiệp rất khó để định nghĩa tốt hay xấu mà chỉ có văn hóa phù hợp hay không phù hợp. Doanh nghiệp chú trọng xây dựng văn hóa của mình bài bản sẽ tạo ra động lực cho nhân viên, gắn kết các thành viên lại với nhau từ đó thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, thu hút nhân tài.
“Việt Nam trong giai đoạn vừa vượt qua đại dịch Covid-19, tất cả các mặt của đời sống đều bị ảnh hưởng nặng nề. Đây cũng là thời điểm các mặt yếu và mạnh của các doanh nghiệp thể hiện rõ ràng nhất” - PGS.TS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.
Khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn nhất thì những giá trị văn hóa sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam định hướng hoạt động cho các doanh nghiệp vượt qua thăng trầm.
Theo PGS.TS Dương Thị Liễu - Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, đối với doanh nghiệp có 3 điều quan trọng nhất là tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi. Đó chính là hạt nhân của văn hóa doanh nghiệp.
Theo Giám đốc kinh doanh Công ty CP MISA tại TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Lệ, để xây dựng văn hóa tại doanh nghiệp, các doanh nhân cần phải bám vào 5 câu hỏi: Làm sao tạo được niềm tin cho khách hàng và cho Cán bộ nhân viên? Làm sao tạo được sự đoàn kết, gắn bó trong đội ngũ? Làm sao tạo những thói quen tốt, hành động tốt cho cán bộ nhân viên? Làm sao nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc? Làm sao duy trì và lan tỏa văn hóa để doanh nghiệp phát triển bền vững?.
Do đó, văn hóa doanh nghiệp là một hệ thống các giải pháp chiến lược để đổi mới và phát triển, nhờ đó năng suất lao động được cải thiện giúp doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu và thích ứng với mọi khó khăn, thử thách.