Văn hóa Hà Nội tỏa sáng tại thành phố Minsk, Belarus
Kinhtedothi - Chương trình nghệ thuật "Hà Nội - Đẹp mãi ngàn năm" do Nhà hát Chèo Hà Nội thực hiện trong khuôn khổ Ngày văn hóa Hà Nội tại Minsk, Belarus năm 2025 gây ấn tượng mạnh với khán giả.
Theo thông tin từ Nhà hát Chèo Hà Nội, chương trình nghệ thuật "Hà Nội - Đẹp mãi ngàn năm" gồm các tiết mục ca múa nhạc mang đậm nét văn hóa truyền thống của Hà Nội như ca trù, xẩm, chèo, dân ca, chầu văn, độc tấu đàn bầu, đàn nhị, giới thiệu trang phục may bởi lụa làng nghề truyền thống Vạn Phúc... với sự thể hiện của các nghệ sĩ: NSND Thu Huyền, NSND Thanh Loan, NSƯT Quốc Phòng, Việt Thắng, Phương Mây và các nghệ sĩ trẻ tài năng như Tuấn Hưng, Đức Phương, Yến Nga, Thuý Nga, Quang Trưởng...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chụp ảnh lưu niệm cùng các nghệ sĩ. Ảnh: Nhà hát Chèo Hà Nội
Các ca khúc ca ngợi vẻ đẹp hiện đại của Thủ đô cùng với các ca khúc, bản nhạc Belarus được biểu diễn bởi giọng ca NSƯT Thanh Tâm và tiếng đàn bầu điêu luyện của NSND Hoàng Anh Tú.
Đó là ca khúc “Hà Nội linh thiêng hào hoa” kết hợp cùng ca trù – một loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tiết mục mục “Xẩm Hà Thành” với phần phối khí đầy sáng tạo, một sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại. Rồi một Hà Nội náo nức, thanh bình và yêu thương của ngày hôm nay cũng được thể hiện qua ca khúc “Hà Nội 12 mùa hoa” sáng tác Giáng Son.
Bên cạnh đó, nghệ thuật hát chèo và chầu văn nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ cũng đã được trình diễn giữa lòng TP Minsk. Với tựa đề “Khúc hát giao duyên”, những nghệ sĩ của sân khấu chèo huyền thoại đã mang đến một không gian lễ hội của những làng quê Bắc Bộ sau những vụ mùa bội thu và cùng thưởng thức miếng trầu têm cánh phượng hay màn múa hát chầu văn "Đẹp mãi Thăng Long"…

Chương trình nghệ thuật "Hà Nội - Đẹp mãi ngàn năm" gây ấn tượng với khán giả. Ảnh: Nhà hát Chèo Hà Nội
Trong chương trình cũng có một phần dành để giới thiệu văn hóa và cảnh sắc đa dạng của đất nước, con người Việt Nam.
Chương trình nghệ thuật "Hà Nội - Đẹp mãi ngàn năm" diễn ra tại Nhà hát Minskiy Gorodskoy Dvorets Kul'tury thành công rực rỡ, đã để lại những ấn tượng vô cùng tốt đẹp với lãnh đạo, đại biểu, khán giả TP Minsk và kiều bào ta tại Belarus.
Được biết, ngoài chương trình nghệ thuật “Hà Nội – Đẹp mãi ngàn năm”, trong khuôn khổ sự kiện Ngày Văn hóa Hà Nội tại Minsk 2025 còn có không gian trưng bày đậm chất Hà Nội với chủ đề “Hà Nội - Thủ đô di sản và sáng tạo”. Triển lãm giới thiệu đến người xem các giá trị đặc sắc của Thủ đô Hà Nội với tư cách vừa là một Thủ đô di sản, vừa là một thành phố sáng tạo. Những giá trị đó được thể hiện qua 96 bức ảnh chia thành 6 chủ đề cụ thể.
Di sản kiến trúc: 4 nhóm ảnh về Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các đền chùa nổi tiếng và các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu.
Di sản nghệ thuật: 4 nhóm ảnh về 82 bia Tiến sĩ Thăng Long, tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, tượng La Hán chùa Tây Phương và tượng Thánh Trấn Vũ, 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Giới thiệu nét văn hóa truyền thống của Hà Nội tới khán giả và kiều bào tại TP Minsk, Belarus. Ảnh: Nhà hát Chèo Hà Nội
Di sản khảo cổ: 4 nhóm ảnh về hiện vật khai quật tại Hoàng thành Thăng Long, Trống đồng Cổ Loa, chuông Thanh Mai và long đình gốm Bát Tràng.
Di sản phi vật thể: 4 nhóm ảnh về hội Gióng, các lễ hội truyền thống khác, nghề thủ công và các loại hình biểu diễn truyền thống.
Thủ đô thanh lịch: 4 nhóm ảnh về toàn cảnh Hà Nội hiện đại, thành phố sông hồ, cầu qua sông Hồng và sinh hoạt đời thường của người Hà Nội.
Thành phố sáng tạo: 4 nhóm ảnh về các hoạt động sáng tạo tại phố bích họa Phùng Hưng, tháp nước Hàng Đậu, nhà máy xe lửa Gia Lâm và Đại học Đông Dương.

Bước tiến của văn hóa Hà Nội
KTDT - Từ thuở là kinh thành Thăng Long đến nay, Thủ đô Hà Nội luôn là trung tâm văn hóa của đất nước.

Bài 3: Đưa văn hóa Hà Nội hội nhập, vươn xa
Kinhtedothi - Tiếp nối mạch nguồn từ các nhiệm kỳ trước, Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định, Hà Nội đặt mục tiêu hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn cho văn hóa Hà Nội
Kinhtedothi - Hà Nội là trái tim của cả nước, là trung tâm văn hóa chính trị, kinh tế, bộ mặt của quốc gia, nơi đầu mối giao lưu với toàn thế giới nên văn hóa càng cần phải được đặt lên vị trí hàng đầu trong đời sống Thủ đô.