Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hóa ứng xử trên xe buýt: Vui ít, buồn nhiều

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe buýt Hà Nội đã và đang góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế phương tiện cá nhân làm giảm ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, gần đây trên xe buýt vẫn còn nhiều hiện tượng, hành vi thiếu văn hóa. Do vậy, người dân Hà Nội mong muốn xây dựng văn hóa xe buýt để mỗi lần bước lên xe buýt không còn phải lo lắng.
Bạn đồng hành của người dân Thủ đô
Ai đã từng một lần ngồi trên xe buýt hẳn đều đã được nghe nhà xe nhắc nhở: “Hãy cùng chúng tôi xây dựng văn hóa xe buýt” và “Hãy nhường ghế cho người cao tuổi, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ có thai”. Những năm qua, xe buýt không chỉ là người bạn đồng hành của nhiều người dân Thủ đô mà còn là nét văn hóa riêng của một đô thị đang phát triển.
8 năm nay, bà Hoàng Minh Tân (khu tập thể Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên sử dụng xe buýt để đi làm vào buổi sáng và thăm con cháu vào dịp cuối tuần. Hàng ngày, cứ 6 giờ sáng, bà Tâm lại ra khỏi nhà để đón chuyến xe buýt 23 để đến Cửa Nam.
 Trạm trung chuyển xe buýt Long Biên vào giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Hùng
Lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển hàng ngày, bà Tân cho biết: “Trước đây, tôi vẫn thường xuyên đi xe đạp để đến cửa hàng của con, phụ giúp công việc bán hàng. Tuy nhiên, từ khi biết có tuyến xe buýt 23, tôi chuyển hẳn sang sử dụng phương tiện công cộng. Người già đi xe buýt vừa đảm bảo an toàn, lại tránh được mưa gió. Chiều về xe có đông người quá, học sinh hay sinh viên họ cũng nhường chỗ cho”.
Còn bạn Nguyễn Hà Linh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay: “Em đi xe buýt đã 2 năm. Mặc dù, xe 26 và 32 lúc nào cũng đông sinh viên đi học vào buổi sáng nhưng do chi phí để đi lại một tháng hợp lý nên em và nhiều bạn cùng lớp vẫn thường xuyên chọn xe buýt để đi lại. Xe cũng nhiều chuyến nên việc chờ đợi không quá lâu, chỉ cần chịu khó đứng một chút là được”.
Thế nhưng, việc số lượng xe buýt tăng cao, người dân sử dụng phương tiện xe buýt nhiều không đồng nghĩa với việc ai cũng tự ý thức được văn hóa ứng xử trên xe buýt. “Trên xe buýt vẫn còn xảy ra tình trạng một số người vô tư nói chuyện điện thoại oang oang, không nhường chỗ cho người lớn tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai.
Ngoài ra, phía nhà xe, bên cạnh những tài xế và phụ xe rất nhiệt tình và tốt bụng vẫn còn những cảnh lái xe buýt phóng nhanh vượt ẩu, không để ý đến việc dừng, trả khách dẫn đến hành khách chưa xuống xe đã đóng cửa. Phụ xe đôi lúc cũng có những lời nói khó nghe, thậm chí lớn tiếng với khách. Những hành vi ứng xử nêu trên đã và đang làm ảnh hưởng tới nét đẹp văn hóa ứng xử nơi công cộng, khiến một số người rất ngại khi đi lại bằng xe buýt” - bà Lê Diệu Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay.
Văn hóa ứng xử có như không
Bước lên bất kỳ xe buýt nào, người dân đều dễ dàng nhìn thấy bảng niêm yết: “Trách nhiệm của lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách trên xe buýt”. Bảng nào cũng ghi rõ 5 điều như: Lái xe, phụ xe phải có thái độ văn minh, lịch sử; từ chối hành khách có hành vi gây mất trật tự an ninh, an toàn trên xe… Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, nhiều lái xe, phụ xe vẫn có tác phong, hành vi ứng xử lệch lạc.
 Nhiều bạn trẻ không biết nhường ghế cho người già khi đi xe buýt.
Ngày 15/8, trên chuyến xe buýt 38 Nam Thăng Long - Mai Động, phục xe liên tục sử dụng điện thoại trong lúc làm việc. Thời điểm dừng xe, khi có người cao tuổi bước lên, phụ xe chỉ quan tâm đến việc thu vé, kiểm tra vé của hành khách. Khi lái xe nhấn ga di chuyển, người đàn ông cao tuổi chấp chới ngã và phải vịn tay vào người bên cạnh mới ngồi được vào chiếc ghế ngay trước mặt. Lúc đó, thay vì đỡ hành khách, phụ xe chỉ đứng nhìn.
18 giờ cùng ngày, trên một chuyến xe buýt từ đầu bến, phụ xe N.T.H sau khi thu vé của những hành khách dùng vé ngày đã ngồi chễm chệ trên ghế đầu. Khi hành khách đã ngồi kín các ghế, thay vì nhường chỗ để phục vụ như thông thường, phụ xe này lại hất hàm, yêu cầu hành khách khác nhường chỗ. Bên cạnh đó, xe buýt này dù hoạt động vào giờ cao điểm, khách lên xuống xe liên tục nhưng lại chỉ mở duy nhất một cửa xuống khiến việc đi lại khó khăn, người dân phải chen nhau.
Bên cạnh đó, theo khảo sát của phóng viên, trên hầu hết các tuyến xe buýt, để thư giãn trong suốt hành trình di chuyển, lái xe nào cũng bật nhạc với âm thanh lớn. Khách hàng phải căng tai để nghe lịch trình chuyến đi, loa tuyên truyền “Hãy cùng chúng tôi xây dựng văn hóa xe buýt” được đọc 1 - 2 lần, chưa chắc đã kịp đến tai hành khách chứ chưa nói đến việc ngấm vào đầu, góp phần thay đổi nhận thức.
Mặc dù hành động nhường ghế cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người khuyết tật những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, không ít người vẫn cố tình làm ngơ, trong đó có cả một bộ phận bạn trẻ, học sinh, sinh viên.
Lại Quang Thùy (sinh viên năm 4 Đại học Kinh tế quốc dân) cho hay: “Nhớ lần trước đi xe khi thấy có một cụ bà chuẩn bị bước lên xe, em vội đứng lên để nhường ghế nhưng có một bạn nam đứng cạnh ngồi luôn vào chỗ đó. Bà cụ đi đến cạnh ghế nhưng bạn đó cũng vẫn không chịu đứng dậy cho đến khi phụ xe yêu cầu nhường ghế. Điều đáng buồn là việc này ngày càng trở nên phổ biến và được xem là chuyện thường; “biến” trải nghiệm, sử dụng xe buýt trở nên khác biệt trong mắt nhiều người.
Cá biệt, gần đây trên xe buýt có một số hiện tượng phản cảm, hành vi gây mất an ninh trật tự. Đơn cử, ngày 18/5, chị Thoa cùng 3 người con đi xe buýt 101A từ chùa Hương đến bến xe Mỹ Đình, khi đến khu vực xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai) bị một người đạn ông trung niên có hành vi sàm sỡ.
Ngay sau đó, chị Thoa được một người trên xe buýt giúp đỡ, lôi người đàn ông có hành vi biến thái xuống xe, đưa đến trụ sở công an huyện Thanh Oai để lấy lời khai. Qua xác minh, cơ quan chức năng khẳng định, người đàn ông này có hành vi không đúng đắn và đã ra quyết định xử phạt theo quy định pháp luật. Hay vụ việc, Ngày 21/6, xe buýt mang BKS 30Z - 59... chạy tuyến 01 từ bến xe Gia Lâm đi bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội), khi lưu thông đến khu vực phường Hàng Mã, phụ xe cùng tài xế và hành khách phát hiện một nam thanh niên đi gần lại nữ sinh đang ngồi, rồi có hành vi biến thái. Mọi người đã giữ người này lại và bàn giao cho công an phường Hàng Mã. Danh tính kẻ biến thái được xác định là H. (sinh năm 1981, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Nhiều người có lý khi kêu ca về văn hóa ứng xử của phụ xe, lái xe buýt nhưng thực tế cũng phải nhìn lại, ngay chính hành khách cũng cần phải điều chỉnh mình. Do vậy, nét đẹp, sự thân thiện trên mỗi chuyến xe chỉ có được khi cả hai phía nhà xe, hành khách cùng tôn trọng và chủ động xây dựng.

Nên có camera giám sát

"Những hành vi phản cảm trên xe buýt thời gian qua rõ ràng là không thể chấp nhận được, tạo ra một trạng thái bất ổn cho những người sử dụng phương tiện công cộng. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi trong cộng đồng, trên các phương tiện công cộng. Về phía các đơn vị có trách nhiệm tổ chức vận chuyển hành khách, họ phải có phương thức thích hợp. Chúng ta đang trong thời đại công nghệ nên có thêm hình thức camera giám sát.

Bên cạnh đó, chúng ta cần có thái độ, trách nhiệm, ý chí tham gia nhập cuộc để chặn đứng hành vi ứng xử thiếu văn hóa của lái xe, phục xe và người hành khách. Tôi nghĩ hàng loạt giải pháp như vậy sẽ xây dựng được một khôn gian văn hóa an toàn, lịch sử, văn minh trên hệ thống vận tải công cộng." - PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học)


Nâng cao hạ tầng để giảm tâm lý khó chịu

"Hạ tầng cơ sở cho xe buýt còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc văn hóa trên xe buýt còn nhiều điểm đáng ngại. Nhiều tuyến đường còn chật hẹp, tiến độ thi công các công trình giao thông chậm dẫn đến thường xuyên ùn tắc; thêm vào đó là áp lực về thời gian, tâm lý mệt mỏi khi phải chờ đợi… khiến cả người phục vụ và hành khách khó kiềm chế cảm xúc, dẫn đến những hành vi chưa đẹp. Do đó, để nâng cao văn hóa ứng xử trên xe buýt, ngoài sự thay đổi từ mỗi cá nhân, Nhà nước cũng cần phải đáp ứng kết cấu hạ tầng cơ sở cho phù hợp, cung cấp đủ số lượng phương tiện." - TS Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng CECODES


Văn minh xe buýt ở các nước đã hơn nước ta một bậc

"Tôi cũng đã từng sống 3 năm tại Đức và rất hài lòng với phương tiện đi lại công cộng ở xứ người. Xe buýt của Việt Nam được đóng phần gầm xe quá cao, gây bất tiện cho người già, trẻ con và phụ nữ có thai khi lên xe hoặc xuống xe. Ở Đức xe buýt có sàn xe thấp, khi dừng tại trạm, tài xế sử dụng thiết bị điều chỉnh cho thân xe thấp xuống để hành khách lên xe dễ dàng.

Xe buýt có 2 cửa, một cửa phía trước để hành khách chưa mua vé lên mua trực tiếp từ bác tài và cửa 2 cánh giữa xe dành cho hành khách đã mua vé trước lên cũng như dành cho những người tàn tật đi bằng xe lăn hoặc phụ nữ có con nhỏ dùng xe đẩy.

Trong tương lai không xa, hy vọng ngành vận tải công cộng nên nhập về những loại xe này để phục vụ người dân Hà Nội." - Chị Nguyễn Hồng Lan (Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội)

Minh An ghi