Văn học dẫn lối cho đạo đức học trò

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm sao dạy Văn để trò không chỉ hiểu, nhớ nhân vật mà còn biết ứng xử, thích nghi với những tình huống thực trong đời sống? Về vấn đề này, cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên dạy Ngữ văn, trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) thẳng thắn cho biết:

Với những trăn trở trên, là người giáo viên trực tiếp đứng lớp hàng ngày, tôi thường tìm cách liên hệ, so sánh để tích hợp, kết nối bài giảng với thực tế đời sống trong các giờ dạy của mình. Nhưng như thế cũng chưa đủ. Đã có một số nhà nghiên cứu định nghĩa về năng lực và năng lực Ngữ văn với lý lẽ chi tiết, song tôi muốn nói giản dị rằng, năng lực Ngữ văn thể hiện ở 2 mảng chính: Một là năng lực tiếp thu và bày tỏ cảm nhận văn học; hai là môn Ngữ văn giúp biết lắng nghe, biết nói, biết ứng xử, hiểu được những cảnh đời, thích nghi với những tình huống trong đời sống. Như vậy năng lực Ngữ văn là năng lực để người học sống trong văn và sống trong đời.

Ví dụ, thương nhân vật Mị trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" không phải chỉ nhớ về nhân vật để đi thi, mà làm sao để trò hiểu sâu hơn nỗi đau của con người bị dập vùi, bị tước cả khát khao yêu thương. Từ đó, học trò có quan điểm và hành động tích cực bênh vực, giúp đỡ những ai kém may mắn, chịu thiệt thòi trong đời sống… Để làm được điều này, theo tôi, khâu ra đề không chỉ yêu cầu ca ngợi hoặc khen tác giả một chiều. Cũng có khi đề cần yêu cầu nhìn ra điểm chưa tích cực, hay sự hạn chế của một trào lưu văn học hoặc hạn chế của một tác giả cụ thể. Bởi trong cuộc sống, đâu phải chỉ có ngợi ca mà còn có phê phán, đâu chỉ có hài lòng mà còn có buồn lo. Ngoài ra, theo tôi cần đổi mới chương trình và phương pháp dạy và học phù hợp.

Dạy Văn để dạy người. Nếu nói học chữ là học làm người thì dường như học sinh được học nhiều nhất từ môn Văn. Vấn đề làm sao người dạy có thể đem đến cho học sinh bài học một cách nhẹ nhàng, sâu sắc. Vì bồi dưỡng năng lực Ngữ văn là nhằm giúp học sinh có thể từ các bài đã học trong chương trình mà hiểu được các tác phẩm văn học, các vấn đề chưa được học, vấn đề cuộc sống chưa gặp. Giáo viên chỉ cầm tay trò một đoạn, sau buông nhẹ và hướng bước cho trò đi. Vì ngày mai rất dài, rất xa là đường đi trò tự đi trong cuộc đời. Theo tôi, Văn học sẽ soi sáng, dẫn lối cho tâm hồn và đạo đức của mỗi học sinh, nhưng nó cũng có thể tắt ngấm, trong đó, lỗi một phần là do giáo viên.