Văn khấn Tết Đoan Ngọ và mâm cúng theo truyền thống người Việt

Kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, theo phong tục người Việt thường làm mâm cơm để dâng lên tổ tiên và cầu mong một mùa làm ăn mới thuận hòa, may mắn. Dưới đây là bài văn khấn cúng Tết Đoan Ngọ theo phong tục để tham khảo khi gia chủ dâng lễ cúng gia tiên...

Người dân làm lễ thắp hương Tết Đoan Ngọ để tạ ơn trời đất, tổ tiên và mừng mùa vụ. Ảnh: Internet.

Ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ còn được gọi là tết Đoan Dương. Đoan Ngọ là bắt đầu giữa trưa Đoan là mở đầu, Ngọ lừ giữa trưa. Còn Dương là mặt trời, là khí dương, Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam còn gọi là "ngày giết sâu bọ" vì người ta tin rằng khi ăn món đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ; giun sán trong người sẽ bị chết hết.
Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này. Sau Tết Nguyên đán, có lẽ "Tết diệt sâu bọ" là cái Tết sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân... vì vậy con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố thu xếp để về.
Vào thời điểm này, trái cây, hoa lá bắt đầu đơm hoa kết trái mong một mùa bội thu, vì vậy, hoa quả là thứ đồ cúng không thể thiếu. Ngoài ra, còn có những món ăn khác tùy theo tập quán của từng địa phương.
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, mọi nhà chuẩn bị vật phẩm cúng tổ tiên. Người ta quan niệm rằng, đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái và cúng tổ tiên để mong một mùa bội thu.
Sau lễ cúng là các tục lệ giết sâu bọ. Cả nhà quây quần ăn những thứ quả chua, rượu nếp, bánh tro... để diệt trừ sâu bọ, xua đuổi hết bệnh tật.
Mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ
Theo phong tục, mâm lễ cúng gia tiên truyền thống ngày Tết Đoan Ngọ gồm:
- Hương, hoa, vàng mã
- Nước
- Rượu nếp
- Các loại hoa quả: Mận, hồng xiêm, dưa hấu, vải, chuối
- Có điều kiện thêm Bánh tro (bánh gio) và chè hạt sen thì càng đầy đặn.
Tùy theo quan niệm của từng vùng mà lựa chọn các món sản vật dâng cúng ông bà, tổ tiên ngày Tết Đoan Ngọ khác nhau.
Cúng Tết Đoan ngọ vào lúc giờ Ngọ (từ 11 giờ đến 13 giờ). Ảnh: Internet.

Cúng Tết Đoan Ngọ vào lúc nào là tốt nhất?
Theo các chuyên gia phong thủy, cúng Tết Đoan Ngọ vào thời gian chính ngọ ngày mùng 5 tháng 5 (âm lịch) là đúng nhất. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ tới 13 giờ.
Cúng Tết Đoan ngọ vào lúc giờ Ngọ (từ 11 giờ đến 13 giờ).
Xin giới thiệu bài văn khấn gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ
Muốn cúng tổ tiên thì phải khấn thần ngoại trước, thần nội sau theo nghi thức dưới đây:
Nam mô A Di Đà Phật!
Kính lạy:
- Hoàng Thiên, Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo Quân cùng chư vị Tôn Thần.
- Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển Tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ Khảo, Tổ Tỷ)
Tín chủ (chúng) con là:...... Ngụ tại:......
Hôm nay là ngày Tết Đoan Ngọ, mùng 5 tháng 5 năm Tân Sửu 2021
Gặp tiết ngày Tết Đoan Ngọ năm Tân Sửu 2021, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị Tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, mỗi niệm không quên. Do đó, chúng con sắm sanh lễ vật, sửa sang hương đăng, trần thiết trà quả dâng lên trước án. Chúng con kính mời:
Ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương.
Ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa.
Ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần.
Cúi xin giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ..., cúi xin thương xót con cháu giáng về linh sàng, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh, Tiền chủ, Hậu chủ ở trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con thân cung khang khái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo.