Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn lo khoản… “tự nguyện”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mức học phí mới năm học 2012 - 2013 tại Hà Nội về cơ bản sẽ giảm so với trước. Đây là tin vui đối với những bậc phụ huynh có con trong độ tuổi đến trường.Tuy nhiên, nỗi lo về lạm thu chưa phải hết.

Nhìn từ thực tế

 
Quy định mức học phí ở các bậc học mầm non, THCS, THPT, bổ túc, học nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân của thành phố là 40.000 đồng/tháng với khu vực thành thị và 20.000 đồng/tháng với khu vực nông thôn. Con số ấy không quá lớn để phải phàn nàn, nhưng không ít phụ huynh vẫn lo lắng với các khoản thu ngoài, vẫn được gọi là "tự nguyện".

Chị Phạm Thị Hảo, có con học trường THCS Đống Đa cho biết: "Mức phí học phụ còn cao gấp nhiều lần học chính, mỗi tháng nộp 30.000 đồng học chính khoá, nhưng tôi phải nộp thêm gấp nhiều lần số đó để con bổ trợ kiến thức. Nhà trường nói ai có nhu cầu thì học, không bắt buộc, nhưng có phụ huynh nào để con tự học ở nhà đâu".

Cũng có con học lớp 4 trường Tiểu học Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), chị Phan Thu Nga băn khoăn: "Tôi rất vui khi TP Hà Nội quan tâm đến giáo dục, đã tạo điều kiện tốt nhất cho việc học hành của các cháu, nhưng chưa giảm học phí phụ huynh đã phải đóng rất nhiều khoản rồi. Nay học phí giảm, không biết các khoản thu sẽ ra sao". Tương tự, một phụ huynh có con học trường Mầm non Thành Công A chia sẻ, lớp nhà trẻ của con chị thông báo tiền học 700.000 đồng/tháng, bán trú 250.000 đồng/tháng, tiền ăn 400.000 đồng/tháng. Tổng cộng cháu phải đóng 1.350.000 đồng/tháng.

Không ít người lo ngại, khi mức thu học phí thấp, các trường sẽ "vẽ" ra nhiều khoản thu. Về vấn đề này, lãnh đạo một trường tiểu học trên địa bàn quận Đống Đa cho rằng: Khi đã làm quyết liệt, các trường sẽ không dám lạm thu. Tuy nhiên, có thể có trường do quá khó khăn vẫn tìm cách "lách luật" để thu thêm. Ví dụ một lớp chỉ được lắp 3 bóng đèn, 3 quạt trần (thực tế lớp cần đến 5 bóng đèn mới đủ sáng, 5 quạt mới đủ mát, rồi mua thêm loa đài…) trong khi kinh phí rót về cho trường chỉ có hạn. Do vậy, vẫn có những khoản đóng góp "tự nguyện" của phụ huynh để trang trải.

Cần minh bạch  về tài chính

 
Việc chạy trường, chạy lớp cũng khiến người ta nghĩ tới cả những phát sinh khi học phí giảm. Ây là khi giảm học phí nhiều phụ huynh sẽ muốn cho con vào các khối trường công lập. Tâm lý này sẽ tạo ra cuộc chạy đua vào trường công và cũng nảy sinh các khoản thu không "chính danh". Ví như ngoài học phí, lâu nay vẫn nghe nói đến việc thu các khoản như: ăn trưa, nước uống, bán trú… Thế nên, không chỉ người trong ngành giáo dục, mà nhiều phụ huynh cho rằng cần quy định khung cho các khoản thu này.

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh phân tích: "Việc Hà Nội đưa ra mức học phí cao nhất 40.000 đồng/tháng vẫn khiến tôi băn khoăn, với mức học phí như thế liệu có thực sự khả thi trong quản lý. Dù tăng hay giảm, học phí nên được xây dựng theo hướng ngoài khoản đó ra, người học không phải đóng thêm một khoản nào khác. Hiện các khoản thu của các trường rất tù mù nên người dân mất lòng tin, vì vậy cần minh bạch về tài chính".

Ghi nhận những ưu việt từ Nghị quyết về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục công lập mang lại. Tuy nhiên, người ta vẫn mong đợi một chính sách dài hơi để phụ huynh không còn phải thường xuyên "tự nguyện" nộp các khoản theo thỏa thuận vào mỗi năm học mới.