95 năm ngày thành lập đảng

Văn minh mùa lễ hội

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Hà Nội cùng với các địa phương trên cả nước đang trong mùa lễ hội rộn ràng đầu năm với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc. Kế thừa kết quả từ những năm trước, mùa lễ hội năm nay đang được các địa phương tổ chức chu đáo, trang trọng, song vẫn bảo đảm an toàn, văn minh.

Điểm hẹn văn hóa đầu năm mới

Đến thời điểm này, nhiều lễ hội lớn của Hà Nội như Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), Lễ hội Gò Đống Đa (quận Đống Đa), Lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), Lễ hội đền Cổ Loa (huyện Đông Anh)… đều đã diễn ra, mang đến những không gian văn hóa đặc sắc đầu Xuân năm mới cho người dân Thủ đô và du khách thập phương. Nhìn chung, các lễ hội đều được tổ chức trang trọng, tiết kiệm, song vẫn bảo đảm vui tươi và có nhiều điểm mới mẻ, gây ấn tượng với du khách gần xa.

Rước lộc hoa tre tại Lễ hội Gióng đền Sóc 2025. Ảnh: Trọng Tùng
Rước lộc hoa tre tại Lễ hội Gióng đền Sóc 2025. Ảnh: Trọng Tùng

Đơn cử như Lễ hội Gióng đền Sóc tiếp tục được huyện Sóc Sơn tổ chức bài bản, đúng theo hồ sơ phê duyệt di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của UNESCO. Năm nay, lễ hội có nhiều đổi mới, từ đêm 30 Tết Nguyên đán, phần hội đã diễn ra, thu hút hàng vạn lượt du khách. Theo dự kiến của Ban Tổ chức, Lễ hội Gióng đền Sóc 2025 thu hút khoảng 1 triệu lượt du khách đến tham quan, lễ bái.

Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch – di tích đền Sóc Đào Anh Tú - Phó Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Gióng đền Sóc năm 2025 cho biết, trong những mùa lễ hội gần đây, việc tán lộc giò hoa tre đã được địa phương thay đổi, vừa bảo đảm các nghi lễ truyền thống, vừa an toàn, văn minh trong lễ hội. Việc thay đổi này được đông đảo người dân và du khách thập phương đồng tình, ủng hộ.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức còn có phương án bảo đảm an ninh, an toàn, trông giữ xe cho người dân và du khách; bố trí lực lượng thường xuyên ứng trực và siết chặt quản lý các hoạt động dịch vụ kinh doanh buôn bán tại lễ hội; nghiêm cấm việc nâng giá bán sản phẩm, buôn bán hàng giả, hàng nhái, ấn phẩm mê tín dị đoan...

Ngày 8/2, Lễ hội đền Sái Xuân Ất Tỵ 2025, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh cũng rộn ràng vào lễ chính với sự tham gia của hàng nghìn người dân và du khách. Đây là lễ hội độc đáo gắn với truyền thuyết An Dương Vương đắp lũy xây thành Cổ Loa với tục rước “vua, chúa giả” độc đáo. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, điểm mới của lễ hội năm nay là gắn với thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 với tầm nhìn mới, tư duy mới, tạo ra những giá trị mới.

Lễ hội đền Sái Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: Ngọc Tú
Lễ hội đền Sái Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: Ngọc Tú

Theo lãnh đạo huyện Đông Anh, hòa mình trong các lễ hội truyền thống là dịp để mỗi người dân địa phương thấy có trách nhiệm với lịch sử, với quê hương bằng những hành động thiết thực, có ý nghĩa như bảo vệ các di tích, các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tích cực trồng cây xanh, hưởng ứng phong trào thi đua 3 sạch, đẩy mạnh chuyển đổi số…

Một lễ hội đáng chú ý khác là Lễ hội làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì), diễn ra từ mùng 9 - 12 tháng Giêng hàng năm. Đây là lễ hội gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của cộng đồng cư dân cũng như đời sống sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian nên phần lễ và hội rất hấp dẫn. Lễ hội là sự phản ánh ước nguyện về một cuộc sống “người yên vật thịnh” mà biểu trưng là toàn thể Nhân dân trong thôn Triều Khúc tưng bừng tham gia vào quá trình rước và thực hiện các nghi thức của lễ hội.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, ngay từ trước Tết Nguyên đán, huyện đã xây dựng kế hoạch, các phương án và đã thống kê các lễ hội sẽ tổ chức trong năm 2025, họp giao ban chỉ đạo tất cả các xã, thị trấn để quán triệt tinh thần chung của TP, Sở VH&TT về quy tắc ứng xử, văn minh trong lễ hội. Huyện cũng thành lập 3 đoàn kiểm tra lễ hội, công tác thờ tự tại các di tích lịch sử văn hóa để chấn chỉnh ngay nếu có xảy ra vấn đề…

Ứng xử văn minh tại lễ hội

Thời gian qua, các đoàn kiểm tra của Sở VH&TT Hà Nội đã đi kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại nhiều địa phương. Qua kiểm tra, đoàn ghi nhận công tác quản lý và tổ chức lễ hội của các địa phương cơ bản đi vào nền nếp, tập trung vào các yếu tố văn minh, tôn vinh truyền thống. Nhiều lễ hội đã có điểm mới trong công tác tổ chức, góp phần tôn vinh di tích và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống, tạo không khí vui tươi, cảm xúc phấn chấn cho người dân, du khách.

Điệu múa "con đĩ đánh bồng" tại Lễ hội làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì. Ảnh: Ngọc Tú
Điệu múa "con đĩ đánh bồng" tại Lễ hội làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì. Ảnh: Ngọc Tú

Tuy vậy, trong công tác tổ chức một số lễ hội vẫn còn những điều băn khoăn. Đó là tình trạng đốt vàng mã dù có giảm nhưng vẫn còn ở nhiều di tích; ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường ở một số lễ hội chưa cao; việc rải tiền lẻ trên khắp các ban thờ trong đình, đền, chùa chưa được loại bỏ dứt điểm… Đáng nói tại một số lễ hội còn xảy ra mất an ninh trật tự. Đơn cử như vụ hai thanh niên mâu thuẫn, xô xát dẫn đến bị thương tại Lễ hội chùa Đậu (huyện Thường Tín) xảy ra hôm 6/2.

Phó Giám đốc Sở VH&TTT Hà Nội Phạm Xuân Tài đề nghị các địa phương tiếp tục cố gắng bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp truyền thống trong lễ hội. Bên cạnh đó lưu ý việc tổ chức lễ hội cần chú trọng tôn vinh, phát huy giá trị di tích và bản sắc văn hóa truyền thống, có những biện pháp kiểm soát văn hóa ứng xử, văn minh của người tham gia lễ hội, khi vào di tích. Đối với quy trình thực hiện các nghi lễ cần đảm bảo an toàn, đúng nghi lễ truyền thống; các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa – thể thao diễn ra vui tươi, lành mạnh, không có cờ bạc trá hình.

Lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội cũng đề nghị các địa phương, Ban Tổ chức lễ hội kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hàng quán, đảm bảo hàng hóa rõ nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường…

Đoàn công tác của Sở VH&TT Hà Nội kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại huyện Thanh Trì. Ảnh: Huyền Nhâm
Đoàn công tác của Sở VH&TT Hà Nội kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại huyện Thanh Trì. Ảnh: Huyền Nhâm

Mới đây, Bộ VHTT&DL cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, TP về việc bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân năm 2025. Trong đó yêu cầu Ban Tổ chức lễ hội tại các địa phương thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP; Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ngày 3/8/2023 của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ban hành "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống" nhằm tổ chức lễ hội bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm.

Bộ VHTT&DL lưu ý, không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của Nhân dân, xã hội và Nhà nước. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, Nhân dân và khách du lịch, đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về tổ chức và tham dự lễ hội; vận động Nhân dân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ.

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) Ninh Thị Thu Hương, bên cạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong quản lý, tổ chức lễ hội để phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đóng góp tích cực vào đời sống xã hội.