Vấn nạn còi xe

Thanh Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên mọi cung đường từ thành thị tới nông thôn, đâu đâu cũng chát chúa, inh tai bởi tiếng còi xe. Đặc biệt ở Hà Nội, người ta còn ví tiếng còi xe là “vấn nạn” trên đường phố mỗi khi tham gia giao thông.

Đã có những cái giật mình, loạng choạng, thậm chí tử vong chỉ bởi những tiếng còi xe chát chúa bất ngờ.
Nhức tai với “còi độc”

Câu chuyện về người phụ nữ đón con, trên đường về bị giật mình bởi tiếng còi xe, loạng choạng và ngã giữa ngã tư đường khiến em bé tử vong vẫn ám ảnh trong tâm trí nhiều người. Cái chết thương tâm của em bé, một phần do bà mẹ thiếu thận trọng khi tham gia giao thông, nhưng lỗi một phần cũng bởi tiếng còi xe quá lớn.

Nhiều tài xế bấm còi mọi lúc mọi nơi, bất kể khi dừng, gây khó chịu cho người xung quanh. Ảnh: Quỳnh Anh

Ở Hà Nội giờ đây, nhiều nam thanh nữ tú còn đua nhau dùng còi chế sai với thiết kế của xe, để tạo ấn tượng. Chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn, dân chơi xế độ dễ dàng trang bị cho xe mình một chiếc "còi ma" với công suất cực lớn. Mỗi lần bấm, đủ thứ tiếng kêu quái dị vang lên ầm ĩ. Thậm chí, đi đường, nhiều lần tôi còn bắt gặp những âm thanh lạ như tiếng còi xe công vụ, cứu thương... bấm liên hồi dọc cung đường khiến ai nấy đều ngoái nhìn. Đặc biệt thường vào các tối, trên nhiều con phố Thủ đô lại xuất hiện nhiều thanh niên tụ tập chạy theo nhóm để khoe xe đẹp, "còi độc" vô cùng phản cảm. Việc sử dụng còi xe máy với âm thanh khủng, quái... đang trở thành nỗi lo thường trực của nhiều người đi đường, nhất là phụ nữ và người lớn tuổi.

Bao giờ hết tiếng còi xe?

Tiếng còi xe dường như đã trở thành là một hẳn nhiên ở đô thị. Nó quen tai đến nỗi có quá nhiều người chưa từng dám đặt câu hỏi: “Bao giờ TP này mới hết tiếng còi xe?”. Ở Huế, trung tuần tháng 9 vừa qua, TP này phát động một chiến dịch gần như… không tưởng: “Thành phố không tiếng còi xe”. Được biết, khi chiến dịch phát động, đã có hơn 10.000 logo "Huế không tiếng còi xe" đã được dán lên các phương tiện giao thông với sự tham gia vào cuộc của hơn 200 đơn vị trên địa bàn.

Đã nhiều người bày tỏ quan điểm phản đối việc bóp còi xe khi tham gia giao thông. Và, hiện nay, việc bóp còi không phải để báo cho xe phía trước biết có xe phía sau đang đi, mà bóp còi là để đòi người ta phải tránh đường. Ô tô lớn bấm còi, ô tô nhỏ bấm còi, xe máy cũng thích bấm còi. Đèn đỏ bấm còi, muốn giành đường bấm còi, thậm chí ô tô leo hẳn lên vỉa hè cũng bấm còi để xe máy nhường. Dù vội vã đến đâu, những tiếng còi xe ầm ĩ xin đường vì sự ích kỷ ấy đều là hành động không đẹp, góp phần ô nhiễm tiếng ồn cho đô thị.

Nếu ai đã có dịp đi các nước châu Âu thì sẽ thấy họ rất ít dùng còi. Chúng chỉ được dùng trong những trường hợp khẩn cấp hoặc nhắc nhở người cùng tham gia giao thông về sự mất an toàn cận kề, hãn hữu lắm họ mới bấm còi. Chẳng nói đâu xa xôi, ngay giáp Việt Nam, đất nước Lào cũng ít khi thấy tiếng còi xe. Thậm chí, nhiều người Lào còn cho rằng: “Cứ thấy tiếng còi xe biết ngay là người Việt Nam”.

Quay trở lại câu chuyện ở Huế, vì sao TP này phát động chiến dịch “Thành phố không tiếng còi xe”? Là bởi họ hướng đến một TP cố đô thanh lịch, tao nhã, nơi mà người dân có ý thức tốt khi tham gia giao thông, nhường nhịn, không chen lấn… Dù còn nhiều tranh luận quanh vấn đề này, như việc ngừng cung cấp dịch vụ… còi cho các loại xe là không tưởng. Việc xử phạt vi phạm cũng khó khả thi. Chỉ còn trông đợi vào ý thức của mỗi người tham gia giao thông mà thôi.

Hà Nội có làm được vậy không, có nên phát động chiến dịch hay không, và nếu phát động liệu có khả thi? Rất khó, nếu mỗi người không chịu học cách tham gia giao thông có văn hóa, đặt mình vào bối cảnh giao thông chung, tiết chế sự ích kỷ của chính mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần