Nâng cao vai trò của vận tải công cộng để khuyến khích người dân dần từ bỏ phương tiện cá nhân là hướng đi tất yếu để đẩy lùi ùn tắc giao thông.
Bản chất vận tải công cộng (VTCC) là mang đến lợi ích cho người dân, song lại mâu thuẫn với những thói quen cố hữu, dễ dàng trở thành tâm điểm để công kích và đặc biệt không thể đòi hỏi VTCC phải sinh lời. Bởi vậy, hình ảnh của VTCC vẫn đang méo mó trong mắt không ít người. Có ý kiến cho rằng xe buýt BRT chiếm một làn đường riêng gây lãng phí, đường sắt đô thị lỗ vốn là không mang lại hiệu quả, xe buýt thường trợ giá vẫn vắng khách… Những định kiến đó chính là áp lực lớn nhất VTCC phải đương đầu trong bối cảnh chuyển giao giữa thói quen sử dụng xe cá nhân với nền nếp giao thông văn minh, hiện đại.
Một trong những nguyên nhân chính hình thành nên định kiến đó do VTCC chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân, đặc biệt với mạng lưới xe buýt, xe BRT vẫn chẳng có điểm nhấn nào đặc biệt ngoài giá vé rẻ. Thời gian di chuyển của những chuyến xe buýt quá dài, giữa các lượt chuyến vẫn còn khoảng trống khiến hành khách phải chờ đợi quá lâu; chất lượng phục vụ nhiều tuyến chưa cao… Muốn VTCC thực sự hấp dẫn, thay thế được xe cá nhân, Hà Nội phải tập trung đầu tư mạnh mẽ và toàn diện cho mạng lưới này.
Nguồn lực đầu tư cho VTCC không chỉ là tiền, đó còn là chính sách ưu tiên, sự bảo vệ và cả chiến lược phát triển bền vững. Ví dụ như với xe buýt, kể cả xe BRT, điều kiện quan trọng nhất để hút khách là phải chạy nhanh. Nhưng “ngụp lặn” giữa “đại dương” xe cộ của Hà Nội, giành giật từng mét đường, chắc chắn không một loại xe buýt nào không trở thành “rùa bò”.
Thất bại của xe buýt BRT là điển hình của sự đầu tư nửa vời khi dành cho nó một làn đường riêng nhưng bỏ mặc để các loại phương tiện chen lấn. Chưa một ngày nào xe buýt BRT được vận hành đúng nghĩa, đúng phương án thì làm sao có thể đòi hỏi nó hoàn thành sứ mệnh?
Đường sắt đô thị lại gặp những trắc trở riêng. Cả Thủ đô mới chỉ có một tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã đi vào vận hành, nhiều tuyến khác vướng mắc hàng thập kỷ. Giờ là lúc TP phải có những quyết sách mạnh mẽ, triệt để, bảo vệ và từng bước nâng cao vị thế của VTCC, đưa cả mạng lưới thoát ra khỏi tình trạng sa lầy bởi sự đầu tư nửa vời đã kéo dài nhiều thập kỷ qua.
Phải cho VTCC nguồn lực đầu tư cần thiết, dành không gian riêng, sự ưu tiên tối đa để phát huy lợi thế, hữu dụng hơn hẳn xe cá nhân, đủ sức chiếm lĩnh vị trí bền vững trong hệ thống giao thông đô thị. Chỉ sự quan tâm đồng bộ và toàn diện cho mạng lưới VTCC kết hợp cùng việc nâng cao ý thức của người tham gia giao thông mới có thể hy vọng bộ mặt đô thị trong lĩnh vực này có những chuyển biến tích cực mang tính chất nền tảng.