Vẫn còn chia cắt
Kể từ ngày 14/10, Bộ GTVT đã có quyết định cho phép 5 loại hình vận tải hoạt động lại, trong đó có vận tải đường bộ; đi kèm là hướng dẫn cụ thể đối với từng loại hình. Tuy nhiên, thực tế khác xa mong đợi. Sau hai tuần tái khởi động, vận tải đường bộ chưa có chút khởi sắc nào, xe vắng khách, bến vắng người, DN thì e dè, bất an.Đơn cử tại Hà Nội, các bến xe khách liên tỉnh rơi vào cảnh chợ chiều tới nỗi phải cắt nghỉ luân phiên nhân viên để tiết kiệm chi phí. Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn cho hay, hầu hết xe hoạt động tại các bến: Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình chỉ đạt từ 10 - 20% sản lượng khách. Trong khi đó, nhiều người dân ở các tỉnh xa muốn về Hà Nội đi làm nhưng không tìm được xe, hoặc phải sử dụng loại hình đi chung xe hợp đồng với giá cao ngất ngưởng.
Bàn về nghịch lý này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng: “Đây là hậu quả của tình trạng giao thông vận tải bị chia cắt, không nhất quán giữa các địa phương. Bên cạnh đó còn do tâm lý e ngại, chưa nắm rõ các quy định trong lưu thông của người dân sau khi nới lỏng giãn cách”.Một DN hoạt động trên tuyến Yên Nghĩa - Lai Châu (xin giấu tên) cho hay, đơn vị đã nhận được rất nhiều cuộc gọi đặt chỗ của hành khách nhưng buộc phải từ chối do cung đường xuống Hà Nội phải đi qua Phú Thọ, mà tỉnh này đang siết chặt kiểm soát nên sợ không qua nổi.Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng, vận tải đường bộ phục hồi chậm là do bốn nguyên nhân chính. Thứ nhất là nhu cầu của người dân chưa cao, do lo sợ giãn cách xã hội tiếp hoặc chưa tìm được việc làm, chưa đi học trở lại. Thứ hai là trong bối cảnh mới rục rịch được hoạt động, khách chưa nhiều mà chi phí xăng dầu lại tăng mạnh, khiến DN e dè, sợ lỗ. Thứ ba là sau một thời gian ngừng hoạt động, nhiều DN đã lâm vào cảnh kiệt quệ, không còn vốn đầu tư cho xe chạy nữa. Thứ tư là các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của Bộ GTVT chưa sâu sát, chưa mang lại hiệu quả thiết thực.Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng Khúc Hữu Thanh Hải chia sẻ: “Trong bối cảnh này đơn vị cũng không biết phải làm thế nào. Xe chạy thì không có khách, chi phí xăng dầu tăng từ 60 - 70%”. Ngoài ra vị đại diện Công ty Đất Cảng còn cho biết, thời gian nghỉ do dịch bệnh Covid-19, nhiều lao động đã chuyển sang làm công việc khác, thiếu hụt nhân sự chuyên nghiệp trên các tuyến xe cũng là một vấn đề “đau đầu” của DN.Ông Bùi Danh Liên còn cho rằng, bộ máy của Bộ GTVT khá cồng kềnh, nhiều tầng cấp, ví dụ như Bộ có một Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ thuộc Bộ lại có một Vụ Vận tải. Dẫn đến việc đưa ra chính sách không kịp thời, chồng chéo, chưa mang đến hiệu quả hỗ trợ thiết thực cho DN và người dân dù Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ ràng, quyết liệt.Cần liều thuốc tổng hợpNhiều chuyên gia cho rằng, Bộ GTVT và các địa phương, ban ngành liên quan đều đã có biện pháp hỗ trợ cho vận tải đường bộ nhưng còn chưa nhất quán, nhịp nhàng, dẫn đến hiệu quả rất thấp. Ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh: “Nếu xe không chạy được, không có khách thì mọi giải pháp đều chẳng thấm vào đâu. Phải có thu, DN mới vượt qua được khó khăn và hồi phục”.Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo trực tiếp nhằm tăng cường hiệu quả các giải pháp khôi phục hoạt động vận tải trong tình hình mới. Bên cạnh sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT cũng phải thể hiện vai trò rõ nét hơn, các địa phương phải cùng phối hợp nhịp nhàng, không cát cứ, không chia cách.Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long chia sẻ: “Sở đã tham mưu cho UBND TP ban hành hàng loạt biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN”. Cụ thể, trên cơ sở đề xuất của các đơn vị vận tải, kiến nghị TP đề xuất với Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ các khoản vay của các DN vận tải trên địa bàn Hà Nội. Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ. Cho phép các DN vận tải lùi thời hạn lắp đặt camera trên phương tiện; hỗ trợ giảm giá dịch vụ xe ra vào bến và các khoản chi phí khác. Riêng với loại hình xe buýt, cho phép điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu; hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021 đối với các dự án đầu tư, thay mới phương tiện.Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc giãn nợ, tiếp cận khoản vay mới cũng là một điều kiện vô cùng quan trọng để các DN tái khởi động kinh doanh. Chính phủ và Bộ GTVT cần hết sức hỗ trợ DN trong việc “thuyết phục” các ngân hàng bơm tiền đầu tư nhằm cứu vãn DN, đồng thời cũng là cứu vãn những khoản nợ “xấu” bất khả kháng do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.Bên cạnh đó, các địa phương càng nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, học tập, du lịch… thì vận tải đường bộ càng nhanh chóng tự đứng vững sau đại dịch. Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định: “Không có liều thuốc nào quan trọng, hiệu quả bằng doanh thu. Có khách, có thu mới khôi phục được vận tải”.Ông Bùi Danh Liên cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành xem xét việc bình ổn giá xăng dầu, cho phép bỏ quy định mức giá chung, để các DN tự đưa ra giá cạnh tranh của mình và khách hàng được quyền lựa chọn. Giảm được chi phí nhiên liệu, vận tải sẽ giảm được gánh nặng rất lớn trên hành trình trở lại đường đua kinh tế. Mặt khác, Bộ GTVT phải quan tâm hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong các giải pháp hỗ trợ cho vận tải đường bộ, đặc biệt trong thời điểm vô cùng khó khăn này.
"Những tỉnh có dịch, dù chưa cho vận tải hành khách hoạt động lại cũng phải cho các tuyến quá cảnh đi qua, không thể chốt cứng. Cần phải nhìn nhận rõ vị trí, vai trò của mình trong toàn mạng lưới, không chặn đứng đà hồi phục của vận tải hành khách." - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên |