Sáng 11/3, tại Hà Nội, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trực tuyến đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải đường bộ tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải tập trung vào 3 vấn đề chính là văn bản, nghị định, quy định không phù hợp với thực tiễn, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp và điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, các sở ngành địa phương nơi lỏng, nơi chặt, thiếu sự thống nhất.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ.
|
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội nêu lên bất cập giữa Luật Hợp tác xã và quy định quản lý doanh nghiệp vận tải. Việc yêu cầu chủ nhiệm hợp tác xã vận tải phải mua bảo hiểm cho lái phụ xe là không hợp lý khi chủ nhiệm hợp tác xã không là người trực tiếp sử dụng lao động. Quy định bắt buộc các hợp tác xã vận tải phải có bãi đỗ xe cũng không phù hợp khi hợp tác xã vận tải có thể ở Hà Nội nhưng các thành viên hợp tác xã có thể ở Nghệ An, Thái Bình…
Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 17.000 xe, vận chuyển 20 triệu hành khách mỗi năm, thu hút hơn 30.000 lao động. Vì vậy, ông Bình kiến nghị Bộ GTVT xem xét taxi là phương tiện vận tải công cộng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần có lộ trình tăng giảm giá xăng dầu để giảm bớt chi phí điều chỉnh giá cước cho các hãng taxi.
Ông Đỗ Quốc Bình cũng đề nghị: “Tết vừa qua, hàng ngàn xe taxi trong cả nước bị cắt đột ngột theo Nghị định 86 và Thông tư 63. Trong thông tư đó, Bộ GTVT quy định các xe taxi chỉ có niên hạn là 8 năm (Tức tính từ thời điểm sản xuất, không kể thời điểm bắt đầu đưa vào sử dụng). Vì niên hạn không rõ ràng nên dẫn tới việc hàng ngàn xe taxi đột nhiên bị dừng. Điều này gây bức xúc lớn cho các doanh nghiệp taxi”.
Đại diện các doanh nghiệp taxi TP Hồ Chí Minh kiến nghị về hoạt động không phép của hệ thống Uber đang tiếp tay cho xe dù, không phép hoạt động, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng với các hãng taxi hoạt động có phép.
Liên quan tới kiểm soát tải trọng xe, các doanh nghiệp đều đồng tình với chủ trương kiểm soát tải trọng xe của Bộ GTVT, nhưng đề nghị cần có sự thống nhất giữa các địa phương. Mức phạt mới xe quá khổ quá tải cần thống nhất, không thể cùng là vi phạm chở quá khổ quá tải mà mức phạt đối với tổ chức lại gấp đôi mức phạt đối với cá nhân.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, các vấn đề được nêu lên như: việc quản lý phương tiện, hài hòa giữa các quy định quản lý doanh nghiệp vận tải và Luật Hợp tác xã, đẩy mạnh tổ chức kết hợp các phương thức vận tải… sẽ được các cơ quan chức năng xem xét bổ sung cho phù hợp với thực tế. Các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội vận tải đường bộ đã được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và cơ quan chuyên môn trả lời, và sẽ được tổng hợp thành văn bản để thông báo rộng rãi.