70 năm giải phóng Thủ đô

Vận tải hành khách dịp Tết sẽ kém sôi động

Quý Nguyễn - Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã cận Tết Nguyên đán Tân Sửu nhưng vé máy bay vẫn còn dư nhiều, vé tàu hỏa lần đầu tiên ế ẩm, vận tải đường bộ đang khá im ắng. Những dấu hiệu bất thường này dự báo thị trường vận tải hành khách dịp Tết sẽ kém sôi động.

Vé máy bay thấp kỷ lục
Còn chưa đầy một tháng nữa là đến kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Như mọi năm, đây là thời điểm các đơn vị dịch vụ vận tải hành khách bắt đầu vào guồng. Tuy nhiên, năm nay sẽ có một ngoại lệ đặc biệt khi tính đến thời điểm hiện tại, nhu cầu mua vé đi lại dịp Tết vẫn tương đối thấp.

Theo phương án nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì năm nay người lao động sẽ được nghỉ liên tục trong 7 ngày, từ ngày 10 - 16/2/2021 (tức từ 29 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu). Theo quy luật vận tải hành khách trong nhiều năm qua, cao điểm trước Tết sẽ là chiều từ Nam ra Bắc và cao điểm sau Tết là chiều ngược lại. Tương tự, đầu tháng Chạp cũng là thời điểm người dân ồ ạt đặt mua vé đề về quê cũng đi du lịch dịp Tết cổ truyền. Tuy nhiên, năm nay điều đó có vẻ khác biệt. Một trong những thị trường được dự báo sẽ căng thẳng nhất là vé máy bay Tết năm nay lại tương đối “hạ nhiệt”.
 Giá vé máy bay dịp Tết Nguyên đán năm nay ở mức rất thấp. Ảnh: Hòa Thắng
Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trên nhiều kênh bán vé trực tuyến của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways hay Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines Group) hiện vẫn còn khá nhiều vé dịp Tết, trong đó có cả vé máy bay giá rẻ. Điều đáng chú ý, ngay cả những ngày được coi là cao điểm (từ 9/2 - 11/2 dịp trước Tết và từ 15/2 - 18/2 dịp sau Tết) vẫn còn khá nhiều vé máy bay. Đây là điều hiếm xảy ra trong nhiều năm trở lại đây. Đơn cử như Vietjet Air, giá vé cho chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh trong ngày 10/2 (tức 29 tháng Chạp) được bán với giá chỉ khoảng hơn 500 ngàn đồng/vé. Chiều ra vào ngày 16/2 (tức mùng 5 tháng Giêng) của chặng này cũng chỉ có giá 900 ngàn đồng/vé.
Tương tự, Bamboo Airways cũng rao bán giá vé cho chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh rất ưu đãi với chỉ 1,8 triệu đồng/cặp vé khứ hồi trong 2 ngày cao điểm như trên. Riêng với Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO), tập đoàn này cho biết đã quyết định cung ứng gần 12.000 chuyến bay trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, với tổng số ghế hãng cung ứng trong dịp này lên hơn 2,4 triệu chỗ. Trong đó, vé máy bay cho chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh trong ngày cao điểm trước Tết (ngày 10/2) được Vietnam Airlines chào bán chỉ khoảng 600 - 700 ngàn đồng/vé (đã bao gồm thuế phí). Còn ở chiều ra vào ngày 16/2, giá vé của Vietnam Airlines tương đối cao, là 1,25 triệu đồng/vé nhưng bù lại, vé của Pacific Airlines (hãng hàng không giá rẻ thuộc Vietnam Airlines Group) chỉ khoảng 800 ngàn đồng/vé.

Đối với các đường bay nội địa khác, dù giá vé có cao hơn chút so với chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (và ngược lại) nhưng nhìn chung giá vé máy bay Tết năm nay vẫn “mềm” hơn khá nhiều so với những năm trước.

Đường sắt lần đầu ế vé

Tương tự như hàng không, đường sắt còn dư rất nhiều vé tàu vào dịp Tết. Thậm chí, tình trạng dư thừa vé Tết ở ngành đường sắt còn nghiêm trọng hơn nhiều. Thống kê từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho thấy, tính đến ngày 7/1/2021, đơn vị này còn khoảng 23.500 chỗ trên các tàu Tết (đi vào các ngày từ 2 - 11/2) chưa bán vé.
Số chỗ ngồi này tập trung ở các chuyến tàu đi từ ga Sài Gòn, Biên Hòa đến các ga từ Nha Trang trở ra tới Hà Nội. Trong khi đó, vào thời điểm sau Tết (từ 12 - 26/2), VNR cũng còn tới 51.000 chỗ ngồi chưa được bán vé trên các tàu xuất phát từ ga Hà Nội vào ga Nha Trang, Biên Hòa và Sài Gòn.

Có thể thấy, chưa năm nào vé tàu Tết Nguyên đán lại ế ẩm như năm nay dù ngành đường sắt đã thực hiện không ít chương trình khuyến mại, giảm giá. Đặc biệt, năm nay là lần đầu tiên ngành đường sắt thực hiện chương trình giảm 50% giá vé tàu trong tháng 1/2021. Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội tung ra chương trình khuyến mại giảm 50% giá vé tàu trong tháng 1/2021 trên các tàu Thống Nhất SE1/SE2, SE5/SE6 có cự ly vận chuyển từ 500 km trở lên và tàu Hà Nội - Hải Phòng có ga đi là Hà Nội, Long Biên, ga đến là Hải Phòng hoặc ngược lại. Thời gian thực hiện từ 31/12/2020 đến hết 24/1/2021.
Còn Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng triển khai chương trình “6.000 vé giảm giá 50%” cho hành khách đi từ ngày 4 - 29/1/2021. Thời gian bán vé đến hết ngày 27/1/2021. Tuy nhiên, những chương trình khuyến mại, giảm giá sâu như trên vẫn không giúp thị trường vé tàu Tết năm nay bớt phần ảm đạm.

Sôi động nhất có lẽ là đường bộ khi các bến xe tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều dự báo lượng khách trong những ngày cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu sẽ tăng đột biến so với ngày thường. Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ các năm trước, dự báo lượng khách qua các bến xe sẽ giảm. Tại khu vực phía Nam, lãnh đạo Công ty CP Bến xe Miền Đông cho biết, đã bắt đầu mở bán vé xe Tết Nguyên đán từ ngày 12/1. Giá vé dự kiến tăng từ 40 - 60% so với ngày thường, tùy chặng và thời điểm. Đơn cử như các tuyến từ Quảng Ngãi trở ra đến tỉnh Thừa Thiên - Huế và tuyến thuộc tỉnh Phú Yên, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai đi trong các ngày từ 28 - 31/1 (tức từ ngày 16 - 19 tháng Chạp, năm Canh Tý) sẽ điều chỉnh giá cước tăng không quá 40%; từ ngày 20 tháng Chạp đến hết mùng 3 Tết tăng không quá 60%. Hay các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận đi trong các ngày từ 1 - 5/2 (tức từ ngày 20 - 23 tháng Chạp năm Canh Tý) sẽ điều chỉnh giá cước tăng không quá 40%, từ ngày 24 đến Mùng 4 Tết tăng không quá 60%... Mặc dù giá vé tăng nhưng lãnh đạo Công ty CP Bến xe Miền Đông vẫn thừa nhận, theo dự báo thì lượng hành khách đi lại trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tại các bến xe khách sẽ giảm khoảng 10% so với cùng kỳ các năm trước.

Lượng khách tại các bến xe Hà Nội sẽ tăng từ 130% so với ngày thường

Công ty CP Bến xe Hà Nội vừa xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu, với mục tiêu phục vụ tốt nhu cầu đi lại của Nhân dân, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Theo đánh giá của Công ty CP Bến xe Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, đợt cao điểm sẽ diễn ra trong khoảng ngày 2 - 21/2/2021. Trong đó, dự kiến lượng khách qua bến trong thời gian cao điểm sẽ tăng khoảng 130 - 150% so với ngày thường.

Với tình hình hoạt động hiện tại, số lượng xe về cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy nhiên, đối với một số tuyến như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Sơn La, Lào Cai… sẽ có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào từng thời điểm, nhưng lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày. Dự kiến lượng xe dự phòng tăng cường cho cả đợt là 2.200 xe. Ngoài ra, các tuyến buýt kế cận với tần suất cao cũng làm giảm tải lượng hành khánh liên tỉnh đi các tuyến đường ngắn.

Trong thời gian trước Tết, lượng khách tập trung đông chủ yếu ở các tuyến đường ngắn. Sau thời gian nghỉ Tết, lượng khách lại tăng mạnh trên các tuyến đường dài như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Gia Lai, Buôn Mê Thuột… tập trung tại Bến xe Giáp Bát. Lãnh đạo Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết đã đề nghị các bến xe trực thuộc phối hợp cùng các đơn vị vận tải bố trí phương tiện đảm bảo số lượng phương tiện để vận hành theo biểu đồ hoạt động đã đăng ký và tăng cường giải tỏa khách khi có yêu cầu phát sinh. Các bến xe đôn đốc các đơn vị vận tải chuẩn bị phương tiện để vận chuyển hành khách.
Đặc biệt, Công ty cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên tất cả bến xe theo yêu cầu và hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Các bến xe phải phối hợp với trung tâm y tế dự phòng địa phương trực thường xuyên để kịp thời xử lý các sự cố xảy ra; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phòng chống dịch, yêu cầu các DN vận tải và hành khách trên bến thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch.

Dẫu dự kiến lượng khách qua các bến của TP Hà Nội trong thời gian cao điểm sẽ tăng khoảng 130 - 150% so với ngày thường nhưng sẽ ở mức thấp hơn những năm trước. Như vậy, không chỉ đường sắt, hàng không mà ngay cả vận tải hành khách đường bộ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu cũng “giảm nhiệt”, hứa hẹn những chuyến đi thoải mái và thông thoáng hơn so với mọi năm.

"Khi sân bay Nội Bài chỉ khai thác một đường băng, trung bình chỉ đáp ứng 25 - 26 chuyến/giờ nhưng đưa đường băng 1B vào khai thác sẽ nâng được tần suất lên 32 - 33 chuyến/giờ. Với sân bay Tân Sơn Nhất, khi còn một đường băng thì điều phối khai thác 30 - 32 chuyến/giờ nhưng khai thác cả đường băng 25R sẽ nâng lên được 44 chuyến/giờ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 2 sân bay hồi phục được năng lực khai thác trong đợt cao điểm vận tải Tết." - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng


"Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan, lực lượng liên quan xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, ùn tắc giao thông, như: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; chạy quá tốc độ quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, không chấp hành các quy định phòng dịch... trong những ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu trên các tuyến giao thông cửa ngõ, các tuyến kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm." - Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện