70 năm giải phóng Thủ đô

Vận tải hành khách hậu giãn cách: Trăm dâu đổ đầu doanh nghiệp

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa hết khó khăn vì phải dừng hoạt động một thời gian dài để phòng, chống Covid-19, các doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ tiếp tục đối mặt với một loạt thách thức mới. Có thể nói, chưa bao giờ họ lại rơi vào tình cảnh lao đao như hiện nay.

Hoạt động vận tải khách liên tỉnh rơi vào tình trạng ế ẩm chưa từng thấy. (Ảnh: Lê Anh).
Vận tải khách đường bộ đã chính thức hoạt động trở lại được hơn tháng. Thế nhưng từng đó thời gian cũng đủ cho các doanh nghiệp (DN) vận tải “thấm đòn” để hiểu rằng, chặng đường phía trước sẽ còn vô vàn khó khăn, thách thức. Đó thực sự là một cuộc chiến sinh tồn.
Chuyện buồn của lái xe
Một chiều cuối tuần, tôi vô tình gặp lại người bạn cũ. Đó là Đỗ Trần Huy (SN 1987, làm lái xe tuyến Hà Nội - Nghệ An). Cách đây hơn chục năm, sau khi tốt nghiệp đại học, Huy về quê ở Nghệ An để làm phụ xe cho người thân, vốn là chủ một hãng xe khách liên tỉnh. Sau vài năm học lái, từ phụ xe Huy được đôn lên làm lái phụ rồi sau đó là lái chính, con đường sự nghiệp được đánh giá là bền vững với mức thu nhập cao và ổn định. Vài năm trước, thi thoảng anh bạn lại ra Hà Nội chơi và rủ bạn bè.
Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Huy lặn một hơi không thấy sủi tăm. Vài lần nói chuyện qua điện thoại, anh bạn kêu ca dữ lắm. Lần gặp mặt tình cờ này, Huy trông gầy hẳn, dáng vẻ cũng bụi bặm hơn. Huy bảo mới xin nghỉ lái xe khách để ra Hà Nội tìm việc khác.
“Giờ xe chạy chẳng có khách, chuyến nào cũng lỗ nên phải cắt bớt chuyến, giảm tài xế. Chở hàng cũng không bù lại được. Càng chạy sẽ càng lỗ thôi” - Huy nói với giọng buồn rầu.
Dù Huy không thuộc diện cắt giảm nhân sự của nhà xe do làm lâu năm và có mối quan hệ họ hàng, song vì tình hình kinh doanh của nhà xe thua lỗ, lương thưởng đều cắt giảm hết nên bạn tôi quyết định tạm nghỉ để tìm công việc mới tốt hơn, cũng là để giảm gánh nặng tiền lương cho nhà xe.
“Tạm thời tôi ra Hà Nội tìm việc gì đó làm. Nếu tiếp tục làm lái xe thì tốt, vì đó là chuyên môn của mình, còn không sẽ kiếm việc khác cũng được. Sau này nhà xe mà hoạt động tốt tôi sẽ xin về làm lại. Anh chủ nói lúc nào cũng chào đón tôi” - Đỗ Trần Huy tâm sự.
Câu chuyện của Trần Lê Huy cũng là chuyện buồn chung của rất nhiều lái - phụ xe làm việc cho các DN vận tải hành khách đường bộ trong thời gian qua. Có thể nói, chưa bao giờ các DN vận tải khách đường bộ lại phải đối mặt với nhiều khó khăn như lúc này.
Dịch bệnh khiến họ phải dừng hoạt động suốt một thời gian dài khiến doanh thu gần như về “mo” trong khi các chi phí trả lương nhân viên, bến bãi, bảo dưỡng phương tiện... vẫn cứ đều đều. Dàn xe của họ phải “đắp chiếu” song hàng tháng tiền vẫn đều đặn “đội nón ra đi” trước sự bất lực. Việc được hoạt động trở lại về lý thuyết sẽ là cứu cánh cho các DN vận tải khách nhưng trên thực tế điều này không những không giúp nhiều được mà còn mang đến áp lực khác.
Việc giá xăng dầu tăng phi mã càng khiến các DN vận tải lao đao. (Ảnh: Phượng Hoa).
Ế ẩm chưa từng thấy
“Giờ được phép chạy lại thì chúng tôi không thể không chạy dù biết rõ càng chạy sẽ càng lỗ. Không chạy sợ mất lốt, mất khách quen nhưng càng chạy càng lo. Chưa bao giờ vận tải khách đường bộ lại ế ẩm như hiện nay” - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ninh Quỳnh Nguyễn Duy Ninh (chủ sở hữu nhà xe Ninh Quỳnh) tâm sự.
Ông Nguyễn Duy Ninh khẳng định, với tình trạng vắng khách trong thời gian qua, ngay cả khi xăng dầu chưa tăng giá, các nhà xe đã phải chịu lỗ bởi giá vé bán ra không thể bù lại chi phí mà DN phải bỏ như lương lái xe, lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản, chi phí hoạt động doanh nghiệp, phí đường bộ... Với việc giá xăng dầu tăng phi mã trong thời gian qua, chắc chắn nhiều DN vận tải sẽ không thể cầm cự được.
Quan sát các bến xe lớn tại Hà Nội những ngày vừa qua có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng vắng vẻ, đìu hiu xuất hiện ở mọi nơi. Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho biết, dù vận tải khách liên tỉnh đã được hoạt động trở lại được khoảng một tháng nay nhưng các xe hoạt động tại bến vẫn rất vắng khách.
Thống kê sơ bộ, hiện lượng xe vào bến chỉ đạt khoảng 10%, tương đương với 100 phương tiện và 500 khách/ngày. Thậm chí vẫn có nhiều nhà xe dù đăng ký hoạt động song chưa hoạt động lại hoặc hoạt động cầm chừng vì không có khách.
Tương tự, tại Bến xe Nước Ngầm, lãnh đạo bến xe này cho hay, hiện trong sân chỉ có khoảng gần 30 xe khách hoạt động thay vì hơn 200 xe như trước. Dù đã giảm phí bến bãi để hỗ trợ phần nào nhưng những nhà xe hoạt động rất ít khách và đã có nhà xe xin tạm thời bỏ lốt.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc giá xăng dầu tăng đã tác động tiêu cực đối với hoạt động vận tải hành khách đường bộ vốn đã rất lao đao như hiện nay bởi chi phí xăng, dầu luôn chiếm tới 35 - 40% chi phí hoạt động của các DN vận tải.
"Hiện số lượng đầu xe vận tải hoạt động trở lại chỉ chiếm 15 - 20% vì lượng khách giảm sút, chủ yếu sử dụng xe cá nhân. Xe không đủ khách, giá xăng dầu tăng thì khó chồng khó, càng chạy càng lỗ nặng" - ông Bùi Danh Liên khẳng định.
Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, giảm giá xăng dầu sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để cứu thị trường vận tải khách đường bộ vào lúc này. Để giảm được giá xăng dầu, Nhà nước có thể tính tới sử dụng 2 công cụ là là Quỹ Bình ổn xăng, dầu và thuế. Nếu sử dụng 2 chính sách này hợp lý sẽ giảm được tỉ lệ tăng của giá xăng dầu.