Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vận tải hành khách phục hồi chậm

Ngọc Hải/Giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 ngày hoạt động trở lại, tất cả loại hình, vận tải hành khách (VTHK) tại Hà Nội vẫn hồi phục rất chậm. Cả cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp lẫn người dân còn khá e dè; nhu cầu đi lại chủ yếu tập trung vào VTHK công cộng trong nội bộ TP.

Trăm xe chở “gió”
Từ ngày 14/10, Hà Nội đã cho phép VTHK cả công cộng và liên tỉnh hoạt động lại từng phần, với tần suất hạn chế, 50% đối với xe buýt, từ 10 - 20% đối với xe khách liên tỉnh.
Ghi nhận thực tế cho thấy, VTHK liên tỉnh vẫn ảm đạm, hàng trăm chuyến xe xuất bến chỉ đạt 5 - 10% công suất. Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn cho biết, từ ngày 14 - 23/10, cả 3 bến xe gồm Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát có 492 lượt xe xuất bến, nhưng chỉ đón được có 1.630 hành khách.
Đến sáng ngày 24/10, tại Bến xe Giáp Bát đã có 4 tuyến: Lạng Sơn, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình vận hành lại với hơn 100 lượt xe nhưng nhiều nhất chỉ có 10 hành khách lên một chuyến xe đi Nam Định. Nhiều bến xe phải cho nhân viên nghỉ luân phiên, tắt điện một số khu vực bán vé… để tiết kiệm chi phí.
  Bến xe Nước Ngầm đã có 3 tuyến: Vinh, Hà Tĩnh, Lạng Sơn hoạt động trở lại
Tại Bến xe Nước Ngầm, có 3 tuyến: Vinh, Hà Tĩnh, Lạng Sơn đã hoạt động lại được vài hôm nhưng chủ yếu vẫn phải trông mong vào cước gửi hàng, còn hành khách chưa đạt đến 20% sản lượng trước thời gian giãn cách xã hội. Đại diện một số nhà xe tại đây cho biết, người dân đi lại vẫn chưa nhiều do lo ngại dịch bệnh còn phức tạp hoặc sợ Hà Nội lại tiếp tục giãn cách xã hội.
Bến xe Yên Nghĩa mới có các tuyến đi Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên, Hoà Bình rục rịch chạy thăm dò. Đại diện một nhà xe hoạt động trên tuyến Yên Nghĩa - Lai Châu (xin giấu tên) cho biết, hành khách đã có nhu cầu đi lại, nhưng do cung đường qua tỉnh Phú Thọ kiểm soát chặt nên nhà xe vẫn chưa dám chạy.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã đề xuất UBND TP, đồng thời phối hợp với các địa phương đối lưu tổ chức lại VTHK liên tỉnh; yêu cầu các đơn vị bến xe, doanh nghiệp VTHK đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch. Trên các xe đều phải có mã QR để hành khách khai báo y tế, danh sách khách phải được lưu lại, báo cáo hoạt động về sở hàng ngày. Nhân viên lái phụ xe đều phải có đầy đủ xác nhận đã tiêm vaccine, đeo khẩu trang tuyệt đối cả trong bến và trên xe.
Cùng chung cảnh ngộ với VTHK liên tỉnh là xe taxi. Anh Nguyễn Văn Anh – lái xe hãng Group Taxi cho biết, doanh thu 10 ngày qua chỉ đạt 300.000 - 400.000 đồng/ngày, trừ hết chi phí còn lại khoảng 100.000 đồng. “5 năm làm nghề taxi, chưa khi nào chúng tôi rơi vào cảnh ngộ khó khăn cùng cực như hiện nay. Mặt khác chúng tôi cũng chưa nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ phía Công ty cũng như địa phương, cuộc sống gia đình đang phải cầm cự từng ngày”.
Xe buýt dần đông khách hơn
Khởi sắc hơn một chút là các tuyến xe buýt. Theo kế hoạch tái khởi động VTHK do Bộ GTVT ban hành và Sở GTVT Hà Nội đề xuất lên UBND TP, hiện xe buýt chỉ được chạy 50% tần suất và đón 50% lượng khách theo công suất thiết kế.
  Sảnh bán vé tại Bến xe Nước Ngầm vắng lặng
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, trong các giờ cao điểm, trên nhiều tuyến, không ít xe phải từ chối khách vì đã chở đủ người theo quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Kể cả giờ thấp điểm, một số tuyến buýt trên các trục đường chính như: Nguyễn Trãi - Trần Phú; Cầu Giấy - Hồ Tùng Mậu - Nhổn… cũng vẫn có hành khách phải chờ 2 - 3 lượt xe mới được lên.
Đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, cùng với sự hoạt động trở lại của các tuyến buýt trên địa bàn TP, các điểm bán vé của đơn vị đã mở từ ngày 15/10 để phục vụ Nhân dân. Đường dây tổng đài của Transerco liên tục tiếp nhận rất nhiều ý kiến của hành khách, mong muốn các tuyến buýt sẽ tăng thêm tần suất và thời gian phục vụ hơn nữa để người dân mọi nơi thuận tiện hơn khi đi lại.
Lượng khách đi xe buýt tăng dần

Ông Nguyễn Văn Lâm (Ninh Sở, Thường Tín) đang làm bảo vệ cho một công trường xây dựng trên địa bàn quận Hoàng Mai cho biết, hàng ngày ông sử dụng xe buýt, sáng đi, tối về. “Những ngày trước không có xe buýt, tôi phải dùng xe máy đi lại vừa mệt mỏi, vừa không an toàn. Hiện đã có xe buýt để đi nhưng tôi cũng như nhiều hành khách khác, đặc biệt là người già đi khám chữa bệnh, có lúc cũng phải chờ đợi 2, 3 chuyến mới được lên do xe chỉ đón nửa số khách” - ông Nguyễn Văn Lâm chia sẻ.
Taxi nối đuôi nằm ''im lìm'' tại Bến xe Giáp Bát
Nhiều chuyên gia cho rằng, VTHK tại Hà Nội cũng như trên cả nước sẽ còn “hiu hắt” một thời gian nữa; tới khi nào các cơ quan, nhà máy, trường học, cơ sở kinh doanh hoạt động lại bình thường mới có thể khởi sắc. Tuy nhiên hiện vẫn còn một số địa phương chưa thống nhất về cách kiểm soát, quản lý, tổ chức VTHK, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến đà phục hồi của ngành vận tải cũng như cả nền kinh tế.
"Hà Nội nên cân nhắc nới lỏng hơn nữa với xe buýt để tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, đặc biệt là từ các vùng nông thôn, ngoại thành vào trung tâm TP để làm việc, khám chữa bệnh..." - Chuyên gia giao thông, thạc sỹ Đỗ Cao Phan