Vận tải hành khách sắp chạm đáy: Hàng không cần tự cứu mình

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, thông tin về việc Tập đoàn Qantas Group đang tính đến việc rút khỏi liên danh Jetstar Pacific khiến dư luận xôn xao. Dù chưa phải thông tin chính thức, song ít nhiều cho thấy sức chịu đựng của các hãng hàng không Việt Nam sắp đến ngưỡng sau một thời gian dài căng sức chống chọi với ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 Vận chuyển hàng hóa đang trở thành cứu cánh của các hãng hàng không. Ảnh: Lê Thanh

Tàu bay... nằm đất
Các hãng hàng không Việt Nam đang phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, tính từ 1/4 đến nay, lượng hành khách vận chuyển hàng không chỉ bằng 1 - 2% so với thời điểm trước khi có dịch. Hiện các hãng chỉ khai thác một số chuyến bay để vận chuyển khách từ Việt Nam đi quốc tế, các chuyến bay chở hàng hóa và 3 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh với tần suất tối thiểu. Theo thống kê sơ bộ, hiện có gần 200 tàu bay chở khách đang nằm đất và “đắp chiếu”. Trong số này, Vietnam Airlines có nhiều nhất với 106 chiếc; tiếp theo là Vietjet Air 80 chiếc. Bamboo Airways có 22 chiếc và Jetstar Pacific gần 20 chiếc. Đó là chưa kể đội thủy phi cơ của hàng không Hải Âu cũng trong tình trạng tương tự.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không nhận định: “Tàu bay nằm đất đồng nghĩa với việc sẽ không thể vận chuyển hành khách, không có doanh thu. Đó là tín hiệu “chết” của ngành hàng không”. Theo chuyên gia này, việc tàu bay nằm đất còn khiến phát sinh hàng loạt loại chi phí mặt đất, đây sẽ là những gánh nặng vô cùng lớn cho các hãng. “Hiện nay, có rất nhiều loại phí dịch vụ hàng không đang được áp dụng. Trong bối cảnh tàu bay không thể hoạt động chở khách mà lại phải chịu thêm các loại phí dịch vụ hàng không nữa, các hãng hàng không đã khó sẽ càng thêm khó” – ông Nguyễn Thiện Tống nói.
Các hãng phải tự vận động trước
Trước tình hình khó khăn từ đại dịch, Cục Hàng không Việt Nam buộc phải lên tiếng “kêu cứu”. Một trong những giải pháp hỗ trợ khẩn cấp được đề cập tới là được miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/1 - 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn. Hoặc chí ít giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay nếu trong trường hợp ngân sách Nhà nước gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Cục Hàng không đề xuất áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ 1/3 - 31/8/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Về phía Bộ GTVT, trong văn bản mới nhất báo cáo Chính phủ ngày 10/4, Bộ đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách áp dụng chung cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực hàng không. Trong đó, đề xuất một số chính sách áp dụng chung cho hãng hàng không Việt Nam giống như đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam. Đáng chú ý, Bộ GTVT đề xuất cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1/3 - 31/12/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
 Tàu bay nằm đất là tín hiệu “chết” của ngành hàng không. Ảnh: Hữu Việt

Có thể thấy, các cơ quan quản lý Nhà nước đều bày tỏ sự quan tâm tới các hãng hàng không. Những đề xuất về mặt chính sách như trên tương đối sát sườn với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây mới chỉ là những sự hỗ trợ mang tính chất đường dài và chưa thể được áp dụng ngay cũng như có hiệu quả ngay với ngành hàng không. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là các hãng phải tự vận động để cứu lấy mình.
Một trong những giải pháp tự cứu lấy mình đáng chú ý nhất của các hãng hàng không trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tàn phá dữ dội trong thời gian qua chính là cú “bắt tay” giữa Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Vietnam Airlines vào đầu tháng 4/2020 này. Theo thỏa thuận ký kết giữa đôi bên, Vietnam Post sẽ thực hiện chuyển phát nhanh hàng hóa, bưu gửi trên máy bay A321 từ thứ Ba đến thứ Bảy hàng tuần. Hàng hóa được phép chất xếp trên các khoang hầm hàng và trên khoang hành khách (để nguyên không tháo ghế) của máy bay. Hai chuyến bay chuyên chở hàng hóa đầu tiên của Vietnam Post được thực hiện vào 23 giờ ngày 3/4 từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh và từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội vào 6 giờ ngày 5/4. Với việc “bắt tay” hợp tác với Vietnam Airlines, Vietnam Post đã trở thành DN chuyển phát trong nước đầu tiên triển khai thuê riêng một máy bay phục vụ cho dịch vụ chuyển phát nhanh bưu điện (EMS Việt Nam) giữa hai đầu đất nước.
Sau thành công bước đầu trong việc hợp tác với Vietnam Post, Vietnam Airlines đang thực hiện những bước đi cụ thể nhằm chuyển hướng tăng cường vận chuyển hàng hóa để thay thế cho vận chuyển hành khách trong thời gian tới. Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, trong tháng 4/2020, hãng sẽ tăng cường vận chuyển hàng hóa để đảm bảo giao thương trong nước và quốc tế, với doanh thu từ mảng hàng hóa dự kiến đạt 250 - 300 tỷ đồng trong tháng 4. Vietnam Airlines dự kiến khai thác khoảng 150 chuyến bay chuyên chở hàng hóa giữa Hà Nội – TP Hồ Chí Minh và từ Nha Trang, Cần Thơ đi Hà Nội. Đặc biệt, Vietnam Airlines khai thác hơn 130 chuyến bay chuyên chở hàng hóa trên đường bay quốc tế. Đó là các đường bay đi Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong), đi Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore), đi châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Nga) và Australia.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính đánh giá cao giải pháp tăng cường vận tải hàng hóa thay cho vận tải hành khách mà các hãng hàng không đang thực hiện, bởi đây mới là giải pháp thiết thực và có hiệu quả tức thì. Theo chuyên gia này, điều các hãng hàng không cần nhất bây giờ là... được bay, chứ không phải nằm đất để hàng ngày phải bỏ ra cả đống tiền trả cho các phí dịch vụ hàng không. Do đó, các hãng bay buộc phải có sự vận chuyển linh hoạt. “Nếu không thể vận chuyển hành khách, hãy tăng cường vận chuyển hàng hóa. Lâu nay chúng ta chỉ hạn chế các chuyến bay chở khách để tránh lây nhiễm Covid-19, còn các chuyến bay vận chuyển hàng hóa vẫn được tạo điều kiện để hoạt động. Sự linh động của các hãng hàng không mà đi đầu là Vietnam Airlines rất đáng khích lệ” – ông Ngô Trí Long nói.
Để một chính sách hỗ trợ được đi vào cuộc sống cần một quãng thời gian tương đối và qua nhiều cơ quan, đơn vị thẩm định, nghiên cứu. Hơn nữa, những giải pháp được đưa ra chủ yếu mang tính chất dài hơi, sẽ không thể tác động ngay lập tức vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hãng hàng không được.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, PGS.TS Ngô Trí Long

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần