Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vẫn thiếu hành lang pháp lý trong phòng chống rừa tiền

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ông Nguyễn Văn Ngọc - Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện mới có một vụ án đang xem xét về tội phạm rửa tiền. Những hạn chế về hành lang pháp lý đã khiến kết quả của công tác phòng chống rửa tiền tại Việt Nam vẫn rất khiêm tốn...

Xin ông cho biết về công tác phòng chống rửa tiền ở Việt Nam hiện nay?

- Hiện, chưa có đánh giá chính thức của cơ quan thẩm quyền về tình hình tội phạm rửa tiền ở Việt Nam. Kết quả của công tác này vẫn rất khiêm tốn. Lý do là, năm 2009, Quốc hội mới thông qua việc sửa đổi Điều 251 của Bộ luật Hình sự năm 1999 trong đó có nói rõ hơn về tội phạm rửa tiền. Luật sửa đổi bổ sung này có hiệu lực 1/1/2010. Tuy nhiên, khi đã cấu thành tội danh cũng chưa có thể xem xét để điều tra truy tố xét xử tội này, vì nó còn khá mới mẻ ở Việt Nam và thiếu chế tài xử lý. Với những khó khăn đó, phải đợi đến cuối năm 2011, 6 bộ, ngành là Công an, Ngân hàng Nhà nước, Tư pháp, Quốc phòng, Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân mới ban hành Thông tư liên tịch số 09 hướng dẫn thực hiện điều luật về tội phạm rửa tiền quy định trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 7/2/2012. Những hạn chế về cơ sở pháp lý cũng là nguyên nhân khiến công tác phòng chống rửa tiền đạt kết quả khá khiêm tốn.

 
Vẫn thiếu hành lang pháp lý trong phòng chống rừa tiền - Ảnh 1

Do những hạn chế về hành lang pháp lý nên công tác phòng chống rửa tiền ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.Ảnh: Lã Anh
 

Đến nay đã có những vụ việc nào về rửa tiền được phát hiện, thưa ông?

- Theo như thông tin mà Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết, hiện đang xem xét để xử lý truy tố 2 cá nhân lên quan tới tội danh rửa tiền. Đó là vụ án Huỳnh Thị Huyền Như lạm dụng tín nhiệm để cho vay nặng lãi, tổ chức, sau đó có hành vi che giấu, chuyển tiền bất hợp pháp. Từ những tội danh này, chúng ta sẽ truy tố thêm tội danh rửa tiền. Theo báo cáo, số tiền liên quan tới tội danh rửa tiền đến nay vào khoảng 70 triệu đồng.

Như vậy mới ghi nhận có một vụ về tội phạm rửa tiền. Kết quả này liệu có sát với tình hình thực tế không, thưa ông?

- Vì chưa có báo cáo nào của cơ quan chức năng về tội phạm rửa tiền nên khó có thể đánh giá. Nhưng tội phạm rửa tiền là tội phạm phái sinh từ những tội phạm khác được quy định trong Bộ luật Hình sự. Trong khái niệm rửa tiền, đây được coi là tội phạm nguồn. Tội phạm tiền thân của tội phạm rửa tiền được quy định từ những hành vi mà tội phạm chính tạo ra những đồng tiền bất hợp pháp. Như vậy, tất cả mọi hành vi phạm tội trong Bộ luật Hình sự mà tạo ra số tiền bất hợp pháp đều có nguy cơ rửa tiền. Với con số một vụ án là quá ít và chưa nói lên điều gì.

Theo Nghị định về phòng chống rửa tiền, với những giao dịch tiền mặt thông thường trong một ngày có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên, các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ phải báo cáo với cơ quan thanh tra ngân hàng. Vậy, việc báo cáo này đã được thực hiện như thế nào?

- 100% các ngân hàng thương mại đã cài đặt hệ thống báo cáo tự động. Nhưng phải nhấn mạnh rằng, báo cáo giao dịch tiền mặt không phải là báo cáo giao dịch liên quan đến rửa tiền, mà chỉ là tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao, nên cơ quan chức năng thu thập để phân tích, trên cơ sở phân tích đó, để xem có trường hợp nào rửa tiền hay không.

Mới đây, dư luận rộ lên thông tin 4 ngân hàng thương mại liên quan đến việc rửa tiền của Liberty Reserve - một tổ chức rửa tiền lớn ở Mỹ. Điều này đã dấy lên lo ngại về việc, có khả năng Việt Nam đang là điểm đến của tội phạm rửa tiền. Làm thế nào để hạn chế được lo ngại này, thưa ông?

- Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó có đầu tư ra nước ngoài và nước ngoài vào Việt Nam. Đây là điều tất yếu thông thường, như quy định của Quỹ Tiền tệ quốc tế, các quốc gia không được sử dụng các biện pháp để ngăn chặn nguồn tiền vãng lai, như các nguồn vốn đầu tư. Bởi vậy, việc chuyển vốn là đương nhiên. Việc tội phạm rửa tiền có thể lạm dụng việc chuyển vốn để chuyển hoặc rửa những đồng tiền bất hợp pháp là có. Hiện tại, chưa có kết quả điều tra của cơ quan nào khẳng định, các ngân hàng Việt Nam liên quan đến việc rửa tiền của Liberty Reserve.

Xin cảm ơn ông!

 
Ngày 22/7, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chống rửa tiền của Thái Lan (AMLO) đã ký kết Biên bản ghi nhớ về trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền. Việc ký kết Biên bản ghi nhớ về trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền giữa Ngân hàng Nhà nước và ALMO sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên trong quá trình thu thập, phân tích, xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền; đồng thời góp phần vào việc củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.