Vẫn tồn tại gần 1.000 lò gạch thủ công

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đó là khẳng định của Sở Xây dựng Hà Nội trong cuộc họp đánh giá kết quả năm 2010 và triển khai công tác năm 2011 vừa diễn ra mới đây.

KTĐT - Đó là khẳng định của Sở Xây dựng Hà Nội trong cuộc họp đánh giá kết quả năm 2010 và triển khai công tác năm 2011 vừa diễn ra mới đây.

Theo đó, mặc dù Bộ Xây dựng, UBND TP đã có quyết định xóa toàn bộ lò gạch thủ công trên địa bàn TP trong năm 2010, nhưng thực tế lại chưa thể xóa vì nhiều nguyên nhân như: Thói quen, sự thiếu kiên quyết của chính quyền cơ sở... Việc mở rộng các nghĩa trang cũng sẽ được sở thực hiện kiên quyết trong năm 2011.

Vẫn gian nan việc xoá...lò gạch thủ công

Mặc dù theo Quyết định số 15/2000 của Bộ Xây dựng, chỉ thị số 15/2010 của UBND thành phố về tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn TP.Hà Nội và triển khai thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung của Chính phủ đã quy định khá rõ, chi tiết. Tuy nhiên, một cán bộ Sở Xây dựng thừa nhận, lộ trình xoá bỏ các lò gạch thủ công gặp khá nhiều khó khăn.

Đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, qua theo dõi, kiểm tra, rà soát và báo cáo của các quận, huyện, thị xã cho thấy, một số quận, huyện, thị xã đã nghiêm túc thực hiện lộ trình xoá bỏ sản xuất gạch thủ công tại địa phương, kiên quyết phá dỡ, giải toả các lò gạch thủ công trên địa bàn các huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Từ Liêm, Mê Linh và các quận. Cụ thể, qua kiểm tra tại các huyện Mê Linh, Thanh Trì, Thanh Oai, Từ Liêm và một số quận, huyện khác đã xoá bỏ hoàn toàn sản xuất gạch, ngói nung bằng lò thủ công, nhưng một số huyện chưa thực hiện tốt chủ trương như Sóc Sơn, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thạch Thất. Đến hết năm 2010, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tồn tại khoảng trên 900 lò gạch thủ công các loại đang hoạt động (trong tổng số khoảng 1.278 vỏ lò), chưa kể một số lò hoạt động theo mùa vụ.

Tồn tại tình trạng này, nguyên nhân là do việc quản lý sản xuất gạch bằng lò thủ công tại các địa phương còn nhiều vấn đề bất cập, hạn chế liên quan đến việc quản lý của chính quyền cơ sở. Một số địa phương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo kiên quyết việc thực hiện chỉ đạo của thành phố, chủ trương của Bộ Xây dựng về mục tiêu đến năm 2010 xoá bỏ sản xuất gạch thủ công, nên trong khoảng thời gian ngắn đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, một số địa phương còn buông lỏng quản lý, chưa thực hiện tốt, nên số lò gạch thủ công không giảm mà còn tăng.

Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết thêm, mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng nhưng chỉ đạo chưa quyết liệt, công tác phổ biến, tuyên truyền, vận động việc thực hiện các văn bản liên quan đến chủ trương xoá bỏ lò thủ công của Chính phủ, Bộ Xây dựng, thành phố và hướng dẫn của Sở Xây dựng chưa được sâu rộng, chưa được nhân dân và chính quyền các xã ủng hộ, thực hiện.

Tiếp tục mở rộng nghĩa trang

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đối vấn đề nghĩa trang hiện TP đang khá quan tâm, nên sở cũng đang tập trung triển khai nhiều kế hoạch. Trong đó, đã tham mưu trình UBND thành phố xem xét việc mở rộng nghĩa trang Vĩnh Hằng, huyện Ba Vì. Đến nay đã hoàn thành phần xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phục vụ chủ trương đóng cửa, ngừng hung táng tại nghĩa trang Văn Điển. Hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang Yên Kỳ, huyện Ba Vì tỉ lệ 1.2000 và hiện đang triển khai các bước tiếp theo của dự án. “Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và nhà đầu tư tổ chức tuyên truyền, vận động trong việc thực hiện Dự án nghĩa trang Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Chúng tôi khẳng định sẽ tiếp tục triển khai các dự án đầu tư nghĩa trang tập trung tại Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, mở rộng nghĩa trang Thanh Tước và một số nghĩa trang khác” - một cán bộ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần