“Vắng bóng” doanh nghiệp Hà Nội tại Vietnam Expo 2016

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vietnam Expo 2016, được Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức nhằm làm cầu nối thúc đẩy đầu tư giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp Hà Nội vẫn “vắng bóng”.

Doanh nghiệp “ngoại” chiếm ưu thế

Hội chợ Vietnam Expo 2016 thu hút trên 500 doanh nghiệp tham gia đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ tập trung vào 8 ngành hàng, đó là: Máy móc thiết bị; xây dựng và vật liệu xây dựng; điện, điện tử và công nghệ thông tin; nguyên phụ liệu; thực phẩm đồ uống; gia dụng; sản phẩm chăm sóc sức khỏe; dịch vụ.

Theo quan sát của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tại Hội chợ, phần lớn các gian hàng trưng bày sản phẩm là của nước ngoài. Những doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm và tìm đối tác, nhà phân phối tại đây chủ yếu  đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Belarus... Sản phẩm của doanh nghiệp đến từ châu Á thiên về thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, công nghệ chăm sóc sắc đẹp, điện, điện tử, thiết bị, cơ khí, kim khí, công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị…
Dãy các gian hàng hóa mỹ phẩm của các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc.
Dãy các gian hàng hóa mỹ phẩm của các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc.
Trong đó, điểm lại một số ngành nghề chính có nhiều doanh nghiệp tham dự tại Hội chợ ở các lĩnh vực đồ uống; hóa chất, phân bón; điện, điện tử, công nghệ thông tin, thiết bị an toàn-an ninh Hàn Quốc có 69 doanh nghiệp tham gia. Trung Quốc có 49 đơn vị tham gia. Belarus có 37 doanh nghiệp và Việt Nam chưa đầy 20 đơn vị tham gia.

Đặc biệt, lĩnh vực khoa học công nghệ, nghiên cứu, giáo dục đào tạo Việt Nam không có doanh nghiệp nào; ngược lại Belarus có đến 21 đơn vị. Trung Quốc, Hàn Quốc và Cu Ba đều có doanh nghiệp tham gia.

Như vậy, nhìn vào danh sách các doanh nghiệp tham gia tại Vietnam Expo 2016, Việt Nam luôn có số lượng doanh nghiệp đứng sau Hàn Quốc, Trung Quốc và Belarus. 

Doanh nghiệp Hà Nội ở đâu?

Điểm lại các doanh nghiệp Hà Nội trong tổng số 19 ngành nghề có mặt tại Vietnam Expo 2016 chỉ chưa đầy 10 đơn vị. Phần lớn trong số này lại hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, chủ yếu là giới thiệu, quảng bá sản phẩm bia, rượu, nước giải khát và làm thương mại. 

Các gian hàng của Việt Nam có một số tỉnh thành phố bố trí theo khu vực giới thiệu gian hàng của địa phương, với sản phẩm đặc trưng vùng miền, như: Du lịch, trà, bánh kẹo...

Riêng Hà Nội, ngoài  Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thường xuyên tham gia các hội chợ, còn có một số ít doanh nghiệp khác, như: Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú; Công ty HANAMA, chuyên sản xuất các sản phẩm da; Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Hòa và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phúc Hà đều chuyên sản xuất các loại van, thiết bị ngành nước; Công ty may Sài Đồng. Gian hàng của các doanh doanh nghiệp Hà Nội nằm rải rác xen kẽ, không được bố trí tập trung.
Ngoài Hapro Hà Nội chỉ có mọt số doanh nghiệp có quy mô nhỏ tham gia hội chọ.
Ngoài Hapro Hà Nội chỉ có mọt số doanh nghiệp có quy mô nhỏ tham gia hội chợ Vietnam Expo 2016.
Theo chia sẻ của đại diện doanh nghiệp HANAMA, sản phẩm sản xuất từ da của đơn vị không thua kém hàng nhập ngoại cả về chất lượng, mẫu mã. Đến với hội chợ lần này đơn vị tìm đối tác để nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh khi đất nước hội nhập.

Đây chỉ là một trong số ít những doanh nghiệp Hà Nội giới thiệu đúng sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất. Có khoảng ½ số doanh nghiệp tại đây lại làm dịch vụ thương mại nhập khẩu và cung cấp hàng hóa cho đối tác nước ngoài, như: Phân phối quạt điện, máy lau nhà, thực phẩm chức năng, đồ uống, …

Với chủ đề “tăng cường kết nối kinh tế khu vực và quốc tế”, Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam - Vietnam Expo 2016 tổ chức 2 buổi hội thảo, nội dung về “Diễn đàn Thương mại Việt Nam” và “Diễn đàn xúc tiến Xuất khẩu Việt Nam”.  Đây chính là cầu nối để các doanh nghiệp Việt  Nam tìm đối tác đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh và quảng bá sản phẩm, tìm thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Lợi thế là chủ nhà, song không hiểu sao các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp của Hà Nội nói riêng lại thờ ơ với “sân chơi” này. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài từ rất xa đã đến đây khá đông nhằm quảng bá sản phẩm, tìm nhà phân phối, đối tác đầu tư ngay tại “sân nhà”. 

Xúc tiến đầu tư và kết nối thương mại ngay tại địa phương các doanh nghiệp của Hà Nội còn không mấy mặn mà, vậy nên hoạt động xuất khẩu của Hà Nội những năm qua vẫn ì ạch. 

Theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, 2 tháng đầu nămnay, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt hơn 1,340 tỷ USD, tăng hơn 4% so với cùngkỳ năm trước.

Trong đó, giá trị xuất khẩu lớn nhất lại là mặt hàng xăng dầu tạm nhập, tái xuất với 269 triệu USD, sau đó là nhóm hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 245 triệu USD. 

Cũng theo Cục Thống kê, quý I giá trị xuất khẩu của Hà Nội chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ. Như vậy, xuất  khẩu trong tháng 3 đã giảm so với 2 tháng đầu năm.

Nhiều ngành hàng có mức xuất khẩu giảm như: Điện tử; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh…
Các gian hàng giới thiệu công nghệ thông tin và sản phẩm điện tử, điện thoại của Hàn Quốc luôn đông khách hàng tham gia mua sắm.
Các gian hàng giới thiệu công nghệ thông tin và sản phẩm điện tử, điện thoại của Hàn Quốc luôn đông khách hàng tham gia mua sắm.
Trong khuôn khổ Hội chợ, Ban tổ chức còn tổ chức khu gian hàng hỗ trợ thiết kế, phát triển sản phẩm Việt Nam - Hàn Quốc, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam được làm việc trực tiếp với các chuyên gia thiết kế, từ đó có được những chia sẻ, góp ý về ý tưởng cải tiến, đổi mối thiết kế nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần mở rộng và phát triển kinh doanh. 

Sự “vắng bóng” của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Hà Nội  tại Vietnam Expo 2016 cho thấy sự yếu thế của các doanh nghiệp Việt trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến, để đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, sức cạch tranh trong nền kinh tế thị trường hội nhập.

Đó là chưa kể, hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang mở cửa để hội nhập, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nắm lấy cơ hội quảng bá sản phẩm, mở rộng và củng cố thị trường nội địa mà vẫn thờ ơ đứng ngoài cuộc; và chạy theo lợi nhuận làm dịch vụ phân phối hàng hóa cho doanh nghiệp nước ngoài. Điều này không chỉ làm cho các doanh nghiệp không thể mở rộng được thị phần ở nước ngoài mà còn mất cả thị phần trong nước, đó là “đòn” giáng vào chính đơn vị và nền kinh tế cả nước./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần