Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vàng đang bớt lấp lánh trong mắt nhà đầu tư

Trâm Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng trong nước vừa trải qua một đợt biến động mạnh, cao chưa từng có rồi lại sụt giảm kỷ lục. Biên độ mua bán cũng tăng kỷ lục lên tới 5 - 6 triệu đồng và chênh lệnh với giá thế giới thất thường. Nguyên nhân do đâu và có ảnh hưởng tới nền kinh tế như thế nào, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia xung quanh vấn đề này.

 TS Cấn Văn Lực
Sau vài ngày điều chỉnh giảm, giá vàng ngày 18/8 quay đầu tăng trở lại, mức tăng có nơi lên tới 2 triệu đồng/lượng, bỏ xa vàng thế giới tới 2,5 triệu đồng mỗi lượng. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 56,8 triệu đồng/lượng, bán ra 58,48 triệu đồng/lượng, tăng 1,4 triệu đồng – 1,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) so với sáng 17/8. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC tiếp tục duy trì ở mức cao, 1,6 triệu đồng/lượng. Tại Phú Quý SJC, giá vàng niêm yết mua vào, bán ra ở mức 55,2 – 58,2 triệu đồng/lượng, đi ngang ở chiều mua vào và tăng 1,7 triệu đồng/lượng bán ra.
Theo ông Lực, hiện tượng trên xuất phát từ 3 nguyên nhân. Thứ nhất, mức độ thanh khoản thị trường vàng có những mức độ khác nhau, có thời điểm thấp hơn so với thế giới. Thứ hai, tâm lý e ngại của nhà đầu tư (NĐT) cũng ở mức cao hơn khiến cho chênh lệch đầu vào, đầu ra cao như vậy. Và mức cao này chủ yếu là do các công ty kinh doanh vàng bạc đẩy rủi ro đó về phía người tiêu dùng. Thứ ba là tâm lý bầy đàn của NĐT vẫn còn, dù tình trạng lướt sóng đã giảm đi khá nhiều.
Nhiều ý kiến cho rằng, với sự chênh lệch như vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nên cho nhập khẩu vàng trở lại hay không, thưa ông?
- Cái này phải cân nhắc vì trừ khi thị trường quá khan hiếm. Nếu cho nhập khẩu một lượng vàng lớn lúc này sẽ khiến đẩy nhanh hơn tiến trình vàng hóa nền kinh tế và như thế, tâm lý đầu cơ có thể lại diễn ra ở mức độ mạnh hơn. Như vậy sẽ đi ngược lại chủ trương hạn chế vàng hóa cho nền kinh tế. 
Theo ông, xu hướng sắp tới của giá vàng thế giới sẽ thế nào?
- Giá vàng bắt đầu quỹ đạo đi xuống gần một tuần nay sau khi có bước đại nhảy vọt. Điều dễ hiểu là các NĐT hiện đang chốt lời, thể hiện rõ ràng ở các quỹ đầu tư ETF vàng với dòng tiền ra vào liên tục. Tuy nhiên, đà phục hồi sẽ tiếp tục sau khi giá củng cố ở mức thấp hơn, dự báo đà phục hồi của kim loại quý sẽ tiếp tục sau khi một số hoạt động chốt lời đã diễn ra. Song giá vàng tiếp tục nhiều biến động vì tình hình thế giới còn nhiều rủi ro bất định; bối cảnh dịch bệnh và diễn biến địa chính trị, cạnh tranh thương mại, công nghệ và chính sách tiền tệ của nhiều nước diễn biến phức tạp. Như ngay khi có thông tin về vaccine, lập tức giá vàng xuống 4 - 5 triệu đồng/lượng, nên chuyện lên xuống biến động mạnh còn xảy ra trong thời gian tới.
Rõ ràng, giá vàng còn biến động khó lường vì nó phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh và sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, NĐT cũng phải hết sức thận trọng vì đầu tư vàng hiện nay tương đối rủi ro.
Giao dịch tại một cửa hàng vàng trên đường Trần Duy Hưng. Ảnh: Thanh Hải
Vàng biến động mạnh có ảnh hưởng đến nền kinh tế và chính sách tiền tệ của Việt Nam không, thưa ông?
- Thời gian trước, NHNN có huy động, cho vay, xuất nhập khẩu vàng, có sàn vàng, cho kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước và quốc tế. Nay không còn các hoạt động này. Đó là sự khác nhau vô cùng quan trọng. Đối với Việt Nam, vàng không có vai trò quá quan trọng trong các hoạt động của nền kinh tế. Do đó, sự ảnh hưởng tiêu cực được dự đoán là không nhiều, nhưng không loại trừ sẽ có tác động đến các kênh đầu tư. Cũng có một số hiện tượng dịch chuyển kênh đầu tư tiền gửi sang vàng hoặc từ chứng khoán sang vàng, nhưng không nhiều lắm vì NĐT thấy rằng đầu tư vàng rất rủi ro, phải bảo đảm nguyên tắc phân tán rủi ro, không bỏ trứng vào một giỏ.
Cùng với đó, khi vàng biến động mạnh sẽ tác động nhất định đến lạm phát. Trước đây nó diễn biến phức tạp nhưng gần đây, mối quan hệ giữa giá vàng và giá cả dịch vụ không còn chặt chẽ như trước. Tất nhiên, ta cũng phải để ý mỗi khi giá vàng có diễn biến bất thường NHNN cũng có những động thái lên tiếng sẵn sàng can thiệp để ổn định thị trường tốt hơn.
Là thành viên trong Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ, về lâu dài, công tác quản lý cần lưu ý gì không, thưa ông?
- Tiếp tục theo dõi diễn biến chặt chẽ và cũng có những đánh giá đầy đủ hơn với tác động dịch chuyển dòng vốn đầu tư, kênh đầu tư, tác động với lạm phát rồi với tỷ giá để chúng ta có phương án ứng phó kịp thời.
Ông có lời khuyên nào cho các NĐT?
- Sau khi đạt đỉnh lịch sử 2.075 USD/ounce ngày 7/8, tăng 42% so với đáy tháng 3/2020, giá vàng đã điều chỉnh về dưới 1.900 USD/ounce. Thị trường trong nước sau khi gần chạm mức đỉnh cao lịch sử 62,4 triệu đồng/lượng, giá vàng liên tục hạ, thậm chí có thời điểm giảm về 52 - 53 triệu đồng/lượng, tức giảm hơn 9 triệu đồng/lượng. Thực tế trên phần nào cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường vàng. Trong quá khứ, không ít NĐT đã phải trả giá đắt vì đầu tư lúc vàng lên cơn sốt.
Vàng hiện nay chỉ nên là một kênh đầu tư và NĐT phải hết sức thận trọng vì nó tương đối rủi ro. Đa dạng hóa các kênh đầu tư và cũng không nên dùng đòn bẩy cao quá để đầu tư vàng. Đòn bẩy ở đây là vay nợ để đầu tư quá nhiều vào vàng. Nếu giá vàng xuống mạnh quá sẽ lỗ cả hai nơi (một mặt vừa phải trả tiền lãi, mặt khác bị lỗ do giá vàng đi xuống bất ngờ và mạnh, chưa kể chênh lệch giá mua - bán cao, đồng thời giá vàng tại thị trường trong nước luôn chênh lệch so với giá vàng trên thị trường quốc tế cũng khiến cho NĐT rủi ro). Như vậy sẽ rất nguy hiểm.
Xin cảm ơn ông!