Vàng SJC bị làm giá?
Lúc gần 10 giờ trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 72,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 74,4 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều qua, giá vàng miếng SJC tại DN này tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở cả hai đầu giá. Trong khi đó, nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 56,05 triệu đồng/lượng và 57,2 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với cuối giờ chiều hôm qua.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10 giờ trưa nay theo giờ Việt Nam đứng ở 1.990,6 USD/ounce, giảm 9 USD/ounce so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương khoảng 55,1 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan. Chênh lệch giá vàng miếng với thế giới lên gần 20 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến vàng trong nước đắt hơn nhiều so với giá thế giới do nguồn cung hạn chế. Giá vàng miếng SJC đã tăng cao từ 10 năm nay chứ không riêng gì năm nay, vì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không sản xuất thêm vàng miếng để tăng cung cho thị trường. Theo quy định của Nghị định 24, các ngân hàng thương mại và DN hiện đều không được sản xuất vàng miếng. Trong khi đó, người dân đang có xu hướng tích trữ vàng miếng SJC hơn là vàng nhẫn, khiến nguồn cung không còn nhiều.
Các nước trên thế giới đều liên thông với giá vàng quốc tế, nên giá vàng của họ đều quy đổi ngang bằng. Chỉ có ở Việt Nam, giá vàng mới có hiện tượng cao hơn. Việc SJC cao hơn giá vàng thế giới là hiện tượng cực kỳ đặc biệt. Hiện nay, với cơ chế quản lý vàng vẫn không thay đổi, vì vậy khó nói trước giá vàng miếng SJC còn cao hơn thế giới và vàng nhẫn các loại tới đâu. Để giải quyết bài toán giá, Nhà nước nên thí điểm cho phép thêm doanh nghiệp đủ năng lực được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất nhằm cân bằng cung cầu, bình ổn thị trường.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh
Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch ngày càng lớn. Vào khoảng tháng 6 - 7/2020, giá vàng SJC chỉ cao hơn giá vàng thế giới từ 1 - 2,5 triệu đồng/lượng, sau đó lên 4 - 5 triệu, rồi 7 - 8 triệu, cuối năm 2021 là 12 triệu, còn đến nay đã lên tới gần 20 triệu đồng/lượng - một khoảng cách chênh lệch chưa từng có.
Một chuyên gia vàng cho rằng, giá vàng đang bị các công ty nắm thị phần lớn "bơm" lên nhanh hơn đà tăng của thế giới. Khi giá thế giới lập đỉnh lịch sử 2.063 USD/ounce vào tháng 8/2020, giá trong nước cũng lập đỉnh 62 triệu đồng. Đến lúc này, giá thế giới chạm ngưỡng 2.000 USD/ounce, thậm chí còn giảm nhẹ trong sáng 8/3, nhưng giá vàng SJC đã lên tới hơn 74 triệu đồng/lượng.
Từ cuối tuần trước tới nay, giá vàng miếng bán ra đã đội thêm khoảng 6 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng trong nước đang chứng kiến mức giá cao kỷ lục và những chênh lệch lớn chưa từng thấy. Ngoài ra, vàng miếng SJC cũng đắt hơn khoảng 17 triệu đồng/lượng so với các sản phẩm vàng “bốn số 9” khác.
Tất nhiên ở thời điểm hiện tại giá vàng tăng còn có yếu tố chiến tranh, lạm phát nhưng nguồn cung giới hạn, trong khi thị trường chỉ nhắm vào mỗi loại vàng này sẽ khiến giá bị đẩy lên cao vọt.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhu cầu vàng trong nước cao đẩy giá vàng lên do không có sự liên thông với thị trường thế giới, nhưng cũng không loại trừ hiện tượng đầu cơ vàng, tạo ra sự mất cân đối giữa thị trường vàng trong nước và thế giới. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chênh lệch giá vàng như hiện nay sẽ tạo ra rủi ro lớn cho các nhà đầu tư và người dân, chênh lệch càng cao thì rủi ro càng lớn.
Người dân chịu thiệt
Chị Ánh Ngọc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, cách đây 2 năm, vợ chồng chị vay 10 cây vàng của chú ruột để mua nhà. Khi đó, giá vàng chỉ ở mức 48 - 49 triệu đồng/lượng. Nay giá vàng đã lên 74 triệu đồng/lượng, như vậy là mất tới gần 300 triệu.
“Cứ mở mắt ra mỗi ngày lại lo. Tôi vay vàng thì không phải chịu lãi nhưng chú và tôi đã thỏa thuận trước là vay bằng gì thì trả bằng đó. Thế nên, có làm cách nào, chúng tôi cũng mua bằng được vàng trả chú” - chị Ngọc lo lắng.
Tương tự, vợ chồng chị Hồng Loan (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay phải mua 3 cây vàng trả người chị họ. Chị Loan cho biết, cuối năm 2020, khi vợ chồng chị vay vàng để mua xe, lúc đó giá vàng SJC là gần 54 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn Bảo Tín Minh Châu là 52 - 53 triệu đồng/lượng. Nay đến kỳ trả nợ chị rất lo.
“Nếu là vàng thương hiệu khác thì đỡ. Hiện vàng nhẫn trang sức niêm yết là 56 triệu đồng/lượng. Khổ nỗi lúc vay là vàng SJC, nay tôi phải bỏ ra những 222 triệu, bù lỗ 60 triệu cho 3 cây vàng SJC”- chị Loan sót ruột.
Tôi cho rằng khi trả lại thị trường vàng miếng một cách bình thường theo giá thế giới, người tiêu dùng sẽ có lợi do thị trường vàng có nhiều người tham gia thì chắc chắn hình thành mức giá hợp lý. Giá vàng trong nước sẽ bám sát giá vàng thế giới. Ngoài ra, khi thị trường vàng miếng vận hành một cách bình thường, chúng ta sẽ huy động được lượng vàng rất lớn trong dân (SJC đã phát hành trên 30 triệu lượng) vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó đem lại nhiều nguồn lợi cho xã hội, thay vì chỉ để yên trong két sắt nhà dân như hiện nay.
Chuyên gia vàng Trần Thanh Hải
Theo ghi nhận, đa số người dân, nếu được ai đó trả tiền mua nhà, mua xe bằng vàng miếng "phi SJC" cũng thường thoái thác. Vì vậy, giá vàng miếng "phi SJC" thường thấp hơn vàng SJC nhưng người dân cũng không chuộng. Tóm lại, vàng SJC được chọn để cất giữ, thanh toán, mua bán. Đây chính là "cơ chế" hình thành giá của chữ "SJC", là nguồn cơn của căn bệnh "giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới" kéo dài cho đến nay.
Lấy ngày 8/3 làm mốc giá vàng SJC qua các năm 2019, 2020, 2021, 2022 sẽ lần lượt là: 36,520 - 36,60 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); 46,80 - 47,32 (mua vào - bán ra); 55,10 - 55,60 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); 72,2 - 74,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy giả sử, những người vay vàng từ tháng 3/2020 để đầu tư thì đến nay đang lỗ nặng.
Chênh lệch mua - bán vàng cũng được các DN kéo rộng khoảng cách từ 500.000/lượng đến nay đã 2,4 triệu đồng/lượng. Và nếu mua vàng 74,4 triệu đồng/lượng như trong sáng nay 8/3/3022 (giá bán ra của nhà vàng) thì phải đợi giá thu mua vào của nhà vàng thêm tới ít nhất 2,4 - 3 triệu đồng nữa, lúc đó người mua bán ra mới bắt đầu có lãi .
Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ) Nguyễn Ngọc Trọng nhận định, việc giá vàng tăng "quá hỗn" như hiện nay đem đến rủi ro rất lớn nếu "đu đỉnh" mua vàng miếng SJC ở thời điểm này, vì tăng mạnh thì dễ gãy. Nếu tình hình Nga - Ukraine ổn hơn, trong nước xuất hiện lực bán vàng thì giá vàng sẽ... không đỡ được. Khi vàng đảo chiều, các doanh nghiệp kinh doanh sẽ dùng các biện pháp phòng hộ để bảo toàn lợi nhuận, đẩy rủi ro về phía khách hàng.
“Quy mô thị trường vàng hiện nay rất nhỏ nên việc làm giá rất dễ. Các doanh nghiệp vàng luôn đặt ngưỡng phòng thủ rất cao nên rủi ro cuối cùng rơi vào người mua bán vàng. Đã có rất nhiều người bị hội chứng đám đông đã "mua đỉnh bán đáy" và chịu thua lỗ" - ông Nguyễn Ngọc Trọng nói thêm.