Vàng tăng giá trong khi chứng khoán giảm ở châu Á

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chứng khoán châu Á mở cửa đi xuống trong phiên giao dịch ngày 7/11, khi các nhà đầu tư vẫn thận trọng dù việc thành lập Chính phủ liên hiệp của Hy Lạp sẽ giúp tránh một cuộc vỡ nợ đang đến gần.

Trong phiên giao dịch đầu tuần 7/11, giá vàng trên thị trường châu Á đã tăng giá, trong khi chứng khoán trên các thị trường ở châu lục này lại đi xuống.

Đảo ngược so với sự đi xuống trong phiên cuối tuần trước tại Mỹ, sáng 7/11 giá vàng trên thị trường châu Á quay đầu đi lên, sau khi các nhà chính trị của Hy Lạp đạt được thỏa thuận thành lập một chính phủ liên minh mới, để tránh nguy cơ vỡ nợ.

Vào lúc 0 giờ 18 phút giờ GMT (7 giờ 18 phút giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường Singapore tăng 0,3% lên 1.758,24 USD/ounce; giá vàng giao dịch kỳ hạn cũng tăng 0,3% lên 1.760,50 USD/ounce.

Ngày 6/11, Văn phòng Tổng thống Hy Lạp cho biết Thủ tướng nước này George Papandreou đã đồng ý từ chức và các nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau vào ngày 7/11 để thành lập một chính phủ liên minh mới, nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị tại "xứ sở các vị thần."

Thỏa thuận này đạt được sau cuộc gặp kéo dài gần 2 giờ giữa Thủ tướng Papandreou, thủ lĩnh đảng đối lập Antonis Samaras và Tổng thống Carolos Papoulias. Theo thông báo, Chính phủ mới của Hy Lạp sẽ tiến hành các cuộc bầu cử sau khi thông qua kế hoạch cứu trợ của Liên minh châu Âu. Người phát ngôn của chính phủ, Ilias Mossialos, cho biết theo kế hoạch, chính phủ liên minh mới sẽ nhậm chức và tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong vòng một tuần.

Quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, cho biết tính đến ngày 4/11, lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng 1,513 tấn lên 1.245,064 tấn, mức cao nhất trong hơn 1 tháng qua.

Chứng khoán châu Á mở cửa đi xuống trong phiên giao dịch ngày 7/11, khi các nhà đầu tư vẫn thận trọng dù việc thành lập Chính phủ liên hiệp của Hy Lạp sẽ giúp tránh một cuộc vỡ nợ đang đến gần. Sự chú ý lúc này cũng đang hướng tới một nước khác cũng đang ngập trong nợ nần là Italy, gây sức ép cho nước này trong việc nhanh chóng khôi phục sự tín nhiệm trên các thị trường. Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng thất vọng về kết quả của hội nghị thượng đỉnh G20, khi không có giải pháp cụ thể nào được đưa ra nhằm thúc đẩy kinh tế thế giới.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,1%. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 12,14 điểm, hay 0,48%, xuống 2.516,15 điểm. Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 29,58 điểm, hay 0,34%, xuống 8.771,82 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 5,18 điểm, hay 0,27%, xuống 1.923,23 điểm.Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 5,6 điểm, hay 0,13%, xuống 4.275,5 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong 15,99 điểm, hay 0,08%, xuống 19.826,8 điểm.