Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vàng trong nước ế ẩm nhưng vẫn cao hơn thế giới 8 - 9 triệu đồng/lượng, vì sao?

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá vàng trong nước hiện đang nới rộng mức chênh lệch với thị trường quốc tế lên mức 8 - 9 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia cho rằng, vàng trong nước không thể mãi một mình một chợ, chênh lệch giá vàng quá lớn ắt có rủi ro cho nhà đầu tư.

Ế ẩm nhưng vẫn cao hơn thế giới

Giá vàng thế giới trong các phiên đầu tuần tăng nhẹ, đứng ở mức 56,75 - 57,47 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Trong sáng 6/10, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng thị trường Hà Nội ở mức 56,7- 57,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch mua bán đã lên tới trên 700.000 đồng/lượng.

Trước đó, giá vàng tại sàn giao dịch hàng hóa New York giảm trong phiên 5/10 khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Hợp đồng vàng giao tháng 12/2021 được giao dịch nhiều nhất giảm 6,7 USD, hay 0,38%, xuống chốt phiên ở mức 1.760,9 USD/ounce.

Giá vàng trên thị trường thế giới gần đây chịu áp lực giảm từ tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, cộng thêm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đưa ra tuyên bố cắt giảm chương trình mua tài sản trong cuộc họp vào tháng 11. Nhưng mặt khác, giá kim loại quý này cũng được hỗ trợ bởi lực mua phòng ngừa lạm phát và nhu cầu phòng rủi ro như khủng hoảng trần nợ Mỹ và khủng hoảng nợ Evergrande.

 Ảnh minh hoạ

Cuối tuần này, Bộ Lao động Mỹ có thể công bố bảng lương phi nông nghiệp tháng 9, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp theo tuần. Đây cũng là những thông tin ảnh hưởng nhiều đến xu hướng của giá vàng, do đó nhà đầu tư nên theo dõi chặt chẽ để có quyết định đầu tư hay rút vốn khỏi kim loại quý.

Giữa bối cảnh giá vàng thế giới giảm nhẹ trong khi vàng trong nước tăng so với cuối tuần trước, chênh lệch giá bán giữa 2 thị trường này đã tăng lên mức 8 - 9 triệu đồng/lượng. So với đầu năm, mức chênh lệch này đã tăng gấp 3 lần, còn nếu so với 1 năm trước, chênh lệch giá giữa vàng thế giới và trong nước đã tăng gấp 9 lần.

Hiện giá vàng thế giới quy đổi ra tiền Việt chỉ vào khoảng 48,4 triệu đồng/lượng. Điều này đồng nghĩa với việc, người mua vàng trong nước vẫn đang phải trả mức giá đắt hơn gần 19% để sở hữu cùng một lượng vàng như thế giới. 

Giá vàng ngày càng đắt so với thế giới

Giá vàng trong nước lâu nay vẫn cao hơn so với thế giới, nhưng mức chênh này thường không quá 10% nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng. Như thời điểm cuối tháng 7/2020, khi giá thế giới biến động mạnh, mỗi lượng SJC cũng chỉ cao hơn giá quốc tế 1 - 2,5 triệu đồng/lượng. Đến tháng 8/2020, mức vênh giữa 2 thị trường lên 4 - 4,5 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến nay giá vàng trong nước thường cao hơn rất nhiều gấp 2 - 3 lần so với giá thế giới.

Lý giải về hiện tượng này, ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Singapore và Indonesia kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng (VGTA) chia sẻ, vàng là hàng hoá doanh nghiệp trong nước không tự sản xuất được nên phải nhập khẩu. Bởi vậy, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới do chịu thêm các chi phí khác như phí vận tải, bảo hiểm…

Tuy nhiên, mức chênh lệch ngày càng được nới rộng theo ông Khánh xuất phát từ việc nguồn cung chế tác vàng nữ trang hạn chế. “Khi nguồn cung khan, doanh nghiệp trong nước không dễ gì giảm theo đà của thế giới. Do đó, giá vàng thế giới đi xuống là thời điểm càng khiến chênh lệch giá trong và ngoài nước nới rộng”- ông Khánh phân tích.

Tổng Giám đốc Công ty AFA Capital Nguyễn Minh Tuấn cũng cho rằng, nguyên nhân đầu tiên khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới bị nới rộng chính là việc giá kim quý thế giới đã giảm sâu giai đoạn này.

“Tuy nhiên, không chỉ chênh lệch so với thế giới, giá vàng trong nước còn ghi nhận chênh lệch cao giữa giá mua và giá bán, hiện phổ biến ở mức 500.000 - 600.000 đồng/lượng với vàng miếng SJC và hơn 1 triệu/lượng với vàng nhẫn. Điều này không thể hiện giá vàng SJC đang tốt hơn vàng nhẫn. Theo thông tin tôi có được, toàn bộ giao dịch vàng miếng trên thị trường hiện nay đã không còn thanh khoản, chỉ còn giao dịch vàng nhẫn, dẫn đến chênh lệch giá mua - bán giai đoạn này lên mức rất cao” - ông Tuấn chia sẻ.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Công ty Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ Trần Thanh Hải cho biết, trong giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua, việc mua bán vàng vật chất gần như không diễn ra tại các doanh nghiệp, trong khi giao dịch vàng tại các ngân hàng cũng ở mức thấp vì thanh khoản kém.

Riêng mặt hàng vàng nhẫn vẫn được các công ty bán ra qua kênh online. Ông Hải cho rằng lý do khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao là vì vàng thế giới đang chịu tác động tiêu cực từ các chính sách tài khóa mới của Mỹ.

Ngược lại, giá vàng trong nước không giảm sâu do nguồn cung khan hiếm. Chưa kể rất dễ dẫn đến nguy cơ có sự thẩm thấu, buôn lậu vàng từ nước ngoài về Việt Nam để hưởng lợi, ảnh hưởng xấu đến việc quản lý ngoại tệ và tỷ giá…

Với người mua, theo ghi nhận, nhu cầu rất ít do giá vàng trong nước đang ở mức cao và số tiền tích lũy của nhiều người đã cạn sau 4 tháng giãn cách. Đây là điều trái ngược với mọi năm vì cuối năm nhu cầu mua vàng thường tăng do rơi vào mùa cưới, và cuối năm nhiều người thường gom góp tiền mua vài chỉ để dành phòng thân.

Dù vậy, các chuyên gia cũng lưu ý, nếu có ý định đầu tư vào kênh này cần hết sức thận trọng. Bởi lẽ, giá vàng trong ngắn hạn sẽ không thể duy trì ở mức cao, chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh giảm cho phù hợp với thị trường chung.

Không thể mãi “một mình một chợ”

Giá vàng thế giới trong năm nay khó tăng cao như năm ngoái. Một số tổ chức lớn như Morgan Stanley gần đây có dự báo giá vàng sẽ về dưới 1.800 USD/ounce vào cuối năm. Thậm chí nhiều chuyên gia thế giới còn nhận định có thể rớt mạnh xuống mốc 1.600 USD/ounce.

Dù thế nào, về lâu về dài cơ quan quản lý phải lưu ý để làm sao giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có sự cân bằng, có tính “lưu thông” với nhau. Nếu Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ sửa đổi Nghị định Nghị định 24/CP khắc phục tình trạng bất cập về cung - cầu, và cho phép thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia, vừa huy động vàng trong dân mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ có một sân chơi lớn.

Đối với người dân, quan điểm của tôi là nên thận trọng, bởi vàng là lĩnh vực nhạy cảm, lợi nhuận lớn nhưng rủi ro cũng cao. (Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng)