Vành đai 3 Hà Nội: Kết nối trên cao và dưới thấp bị lỗi?

Minh Tường/Giaothonghanoi.kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia cho rằng, tuyến Vành đai 3 của Hà Nội đang mắc lỗi thiết kế, gây khó khăn cho kết nối từ đường trên cao xuống dưới thấp, là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông.

Xung đột trầm trọng
Không phải đến bây giờ câu chuyện về tính kết nối giữa đường trên cao và dưới thấp của Vành đai 3 Hà Nội mới gây tranh cãi. Kể từ khi đưa vào khai thác đoạn tuyến trên cao Mai Dịch - cầu Thanh Trì năm 2012 đến nay, không ít chuyên gia đã cho rằng cần điều chỉnh thiết kế tuyến đường cho phù hợp.
Chuyên gia giao thông, thạc sỹ Đỗ Cao Phan nhận định, đường Vành đai 3 Hà Nội có đoạn tuyến đi xuyên tâm nội đô từ Mai Dịch đến cầu Thanh Trì, kết hợp cả đường trên cao lẫn dưới thấp. Đến nay về cơ bản đoạn tuyến đã được mở rộng, là mạch giao thông trọng yếu của Hà Nội, đáp ứng nhu cầu đi lại của cà nội vùng lẫn xe quá cảnh.
“Tuy nhiên cũng chính đoạn tuyến này đang cho thấy những bất cập không nhỏ” - ông Đỗ Cao Phan nói và phân tích. Do đây là một đoạn tuyến cao tốc đô thị, đi qua khu vực đông dân cư, nhiều nút giao lớn, kết nối với Quốc lộ 6, Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32, Quốc lộ 1 và cả cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ nên tính chuyển tiếp giữa đường trên cao và dưới thấp cực kỳ quan trọng.
Thực tế là Vành đai 3 thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông tại các nút giao: Đại lộ Thăng Long – Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển… Nguyên nhân chính là do các hướng lên xuống đường trên cao xung đột trực tiếp với những luồng lưu thông tại đường dưới thấp.
 Vành đai 3 hiện đã quá tải gấp hơn 8 lần thiết kế. Ảnh minh hoạ

Đơn cử như hướng từ Đại lộ Thăng Long lên Vành đai 3 trên cao, hầu hết là xe tải nặng, xe khách lưu thông. Nhưng do cắt qua dòng phương tiện hướng Phạm Hùng, Trần Duy Hưng đi Khuất Duy Tiến bằng đường dưới thấp, nên hầu như ùn tắc bất kể thời gian, hoàn cảnh, thời tiết. Hai dòng phương tiện này đan chéo qua nhau như chữ X, không chỉ gây ùn tắc mà còn xảy ra rất nhiều va chạm, tai nạn giao thông tại cửa khẩu đường lên Vành đai 3 trên cao.
Chỉ huy Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết, để duy trì trật tự, ATGT tại nút giao này rất phức tạp, vất vả. Nhiều thời điểm phải chặn hoàn toàn dòng xe tải nặng, xe khách từ Đại lộ Thăng Long lên Vành đai 3 trên cao để cho xe máy, ô tô nhỏ lưu thông về hướng Khuất Duy Tiến.
Còn tại nút giao Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển, hai nhánh lên xuống Vành đai 3 trên cao cũng gây khó khăn không kém cho giao thông. Hướng lên tương tự như nút giao Đại lộ Thăng Long, hai dòng phương tiện cắt chéo nhau, khiến nút giao cực kỳ dễ lâm vào ùn tắc. Hướng từ đường trên cao xuống tình trạng ùn tắc hạn chế hơn nhưng do đẩy dòng phương tiện trực tiếp vào nút giao, nên nhiều thời điểm cũng ùn dài vài trăm mét.
Cần nghiên cứu kỹ
Tiến sỹ giao thông đô thị Đặng Minh Tân chia sẻ: “Trong khi tính kết nối, tính chuyển tiếp giữa đường trên cao và dưới thấp tuyến Vành đai 3 còn chưa tối ưu, ý thức tham gia giao thông của bộ phận không nhỏ người dân lại còn kém, ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên tại các nút giao dọc tuyến chủ yếu là do hai nguyên nhân này”.
Ông Đặng Minh Tân còn nhận định, Vành đai 3 Hà Nội, đặc biệt là đoạn Mai Dịch - cầu Thanh Trì, theo thống kê đã quá tải gấp 8 lần thiết kế. “Việc tổ chức giao thông dọc tuyến Vành đai 3 đã được làm rất cặn kẽ, mọi biện pháp tạm thời đã thực thi. Chúng ta cần đánh giá lại, phải chăng sự kết nối giữa đường trên cao và dưới thấp Vành đai 3 có những bất cập không thể sửa chữa? Hoặc ít nhất là chưa thể bổ sung, điều chỉnh?”.
Thạc sỹ Đỗ Cao Phan cho rằng, nếu có thể xây dựng một nhánh đường kết nối trực tiếp từ đầu Đại lộ Thăng Long lên thẳng Vành đai 3 trên cao, thì ùn tắc tại nút giao này có thể tháo gỡ gần như triệt để. “Việc xây dựng thêm một nhánh đường lên là không đơn giản, do vướng quy hoạch, chi phí không nhỏ, thiết kế kỹ thuật cũng khá phức tạp. Nhưng nếu có thể thực hiện sẽ đem lại hiệu quả giao thông không chỉ một vị trí mà cho toàn tuyến Vành đai 3” – ông Đỗ Cao Phan nói.
Một ví dụ thực tế là nút giao Vành đai 3 - cao tốc Pháp Vân, do có nhánh xuống kết nối riêng, nên hướng đường trên cao đi Pháp Vân không khi nào xảy ra ùn tắc.
Tiến sỹ Đặng Minh Tân chia sẻ, về nguyên tắc, đường cao tốc nói chung và đi qua khu vực đô thị đông dân nói riêng không nên có nhiều nhánh lên xuống, để đảm bảo an toàn và giúp các phương tiện đạt tốc độ lưu thông tối đa. Với các nhánh lên xuống ví dụ như tại nút giao Nguyễn Trãi – Vành đai 3, nên kết nối trực tiếp, đi cao hẳn phía trên nút giao sẽ tối ưu hơn.
Vậy nên chăng TP Hà Nội, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, xem xét lại những bất cập nêu trên, có phương án điều chỉnh phù hợp để giải quyết dứt điểm những tồn tại. Hà Nội ngày càng thu hút đông dân cư, lượng phương tiện gia tăng chóng mặt. Ngay cả khi có các tuyến Vành đai bổ trợ, vẫn cần xử lý bất cập trên tuyến Vành đai 3 để đảm bảo đáp ứng nhu cầu, giảm thiểu ùn tắc giao thông trong nội đô TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần