Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Vành đai 4 - xương sống đưa Vùng Thủ đô cất cánh] Bài 2: Đại dự án mười năm ấp ủ

Ngọc Hải/Giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án đường Vành đai 4 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2011, là một trong những dự án lớn nhất, quan trọng nhất của Vùng Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, sau 10 năm chờ đợi, đến nay, dự án mới có những bước tiến rõ rệt.

Dài hơn và rẻ hơn
Theo quy hoạch ban đầu, dự kiến chiều dài toàn tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vào khoảng 98km, tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng. Vừa qua, dự án đã hoàn tất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, điều chỉnh độ dài lên 111,2km với tổng mức đầu tư chỉ còn 94.127 tỷ đồng.
Vành đai 4 sẽ đi qua 14 huyện của 3 tỉnh, TP: Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km) và Bắc Ninh (21,2km). Ngoài ra còn có 2 tỉnh khác có kết nối gần, trực tiếp hưởng lợi từ dự án là: Bắc Giang, Vĩnh Phúc.
Vào giữa tháng 8/2021 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có Tờ trình gửi Chính phủ về việc trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội theo phương thức PPP do Tập đoàn Vingroup là nhà đầu tư đề xuất dự án.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội theo phương thức PPP có điểm đầu tại Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội); điểm cuối trên đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Tổng chiều dài dự án đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là 111,2km, trong đó đoạn đi qua TP Hà Nội dài 58,2km (đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông).
 Hướng tuyến đường Vành đai 4 theo quy hoạch. 
Đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài 24,2km và tuyến nối dài 9km đi qua 3 huyện: Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP Bắc Ninh. Đoạn qua tỉnh Hưng Yên dài 20,3km, đi qua 4 huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; bắt đầu từ điểm giao QL5 tại Km17+900, và giao vượt qua đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, sau đó rẽ phải đi theo hướng Đông sang địa phận huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh Lê Ngọc Tuyển cho biết, Vành đai 4 kết nối các tuyến QL: 1A; 17; 18; 38 và nhiều tuyến tỉnh lộ khác của địa phương. “Mặc dù không qua các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, nhưng nó lại góp phần rất đắc lực, kết nối chuyển tiếp đến các tuyến giao thương với các tỉnh này cũng như toàn bộ khu vực” - ông Lê Ngọc Tuyển nói.
Tuyến đường được xây dựng theo quy mô 6 làn xe cao tốc, có đường song hành hai bên và các hành lang cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ mở rộng với mặt cắt ngang bình quân dao động từ 120 - 135m. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ thực hiện GPMB một lần theo quy mô quy hoạch và phân kỳ đầu tư tuyến cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m.
Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ dự án là 94.127 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách T.Ư 31.904 tỷ đồng (35% tổng mức đầu tư); ngân sách địa phương 33.538 tỷ đồng (37%); vốn nhà đầu tư 26.965 tỷ đồng; lãi vay 2.584 tỷ đồng.
Hai tỉnh không trực tiếp nhưng có kết nối gần nhất, thuận tiện nhất với Vành đai 4 là Bắc Giang (theo hướng cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn), và Vĩnh Phúc theo hướng cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, có thêm đường Vành đai 4, sẽ mở rộng kết nối địa phương với cả vùng Thủ đô, thuận tiện cho giao thương đến cả các tỉnh như: Hưng Yên, Vĩnh Phúc...

Cần kịch bản tốt nhất

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo chia sẻ, để thực hiện tốt dự án, điều kiện tiên quyết đầu tiên là Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phải được Quốc hội thông qua. Bên cạnh có để triển khai dự án được thuận lợi, công tác GPMB rất quan trọng.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án sẽ được chia làm 3 dự án thành phần, tổng diện tích đất là 1.466ha (Hà Nội: 904ha, Hưng Yên: 277ha, Bắc Ninh: 285ha). Dự án thành phần số 1 là GPMB, do các địa phương triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách T.Ư và địa phương; sơ bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vào khoảng 24.242 tỷ đồng. Dự án thành phần số 2 là xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành do các địa phương triển khai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, cần khoảng 9.399 tỷ đồng.

Dự án thành phần số 3, được xem là trọng tâm với việc đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9km đi trùng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long theo hình thức PPP. Suất đầu tư cho dự án thành phần số 3 (bao gồm lãi vay) dự kiến vào khoảng 60.486 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đối tác công tư – PPP, loại hợp đồng BOT. Trong đó, vốn nhà nước tham gia khoảng 31.486 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư huy động khoảng 26.056 tỷ đồng. UBND các tỉnh, TP: Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh sẽ là Chủ đầu tư thực hiện các dự án thành phần số 1, 2 bao gồm công tác GPMB và xây dựng đường đô thị song hành, kết nối với Vành đai 4. UBND TP Hà Nội là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết Hợp đồng đối với dự án thành phần số 3.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định: “Tổng mức đầu tư của dự án rất lớn nên sẽ vô cùng khó khăn cho việc huy động vốn để đảm bảo tính khả thi. Chính vì vậy, việc triển khai đầu tư dự án trong bối cảnh hiện nay, không thể trông chờ toàn bộ nguồn lực đầu tư công bằng vốn ngân sách nhà nước, cần huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư theo phương thức đầu tư PPP”.

Ông Trần Hữu Bảo thông tin thêm, hiện dự án đang ở bước triển khai thủ tục thông qua đề xuất Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà nội đã thông qua Nghị Quyết số 07-NQ/TU ngày 20/9/2021; HĐND TP khóa XVI, cũng đã thống nhất thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Sau khi UBND TP có Tờ trình, Chính phủ đã lập Hội đồng thẩm định Nhà nước sẽ tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Trên cơ sở hồ sơ đã hoàn thiện theo thông báo thẩm định của hội đồng thẩm định nhà nước, Chính phủ sẽ có Tờ trình gửi Quốc hội xem xét, nghị quyết thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào kỳ họp cuối năm 2021.

“Hiện còn nhiều bước và quy trình phải triển khai thực hiện, nhanh nhất thì cuối năm 2021 mới có thể phê duyệt được Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Nếu không có gì vướng mắc về quy trình thủ tục thì cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 mới có thể khởi công công trình” - ông Trần Hữu Bảo nói.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tuyến Vành đai 4 được thiết kế với cả đường trên cao và dưới thấp, trong đó bao gồm hai cây cầu vượt sông Hồng là: Hồng Hà và Mễ Sở. Do quy hoạch trước đây chỉ là đường đi thấp, nên Bộ GTVT cần phối hợp với các bộ, ngành T.Ư cũng như địa phương liên quan, gấp rút nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thiết kế kỹ thuật của dự án.


"Năm 2021, ngành GTVT sẽ triển khai hàng loạt dự án, công trình giao thông trọng điểm. Mỗi khu vực, chúng tôi chọn một số đột phá, trong đó, sẽ cố gắng tối đa cho đường Vành đai 4, không chỉ cho Hà Nội, mà còn kết nối các tỉnh xung quanh." - Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể