Chưa được sử dụng rộng rãi
Thời điểm mùa xây dựng cuối năm, nhiều công trình xây dựng dân dụng trên địa bàn TP đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thiện nhà để ở hoặc sử dụng khi Tết đang cận kề. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại nhiều công trình xây dựng, các kết cấu chính vẫn sử dụng loại gạch đất nung truyền thống, thay vì sử dụng vật liệu xanh như gạch không nung.
Theo quan điểm cá nhân của chị Thủy, chủ một căn nhà đang xây dựng ở Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) đa phần người dân sử dụng gạch không nung cho các công trình phụ như gian bếp, nhà ăn... Còn khi xây dựng vẫn dùng loại vật liệu truyền thống do tâm lý cho rằng việc bỏ ra số tiền lớn tích góp nhiều năm để xây dựng thì công trình phải bền, vững chắc. "Nhiều người vẫn chưa biết về ưu, nhược điểm của loại gạch không nung, hãng nào cung cấp mặt hàng này uy tín. Hơn nữa, giá thành gạch không nung vẫn cao hơn so với loại gạch truyền thống" - chị Thủy chia sẻ.
Ở góc độ DN xây dựng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hòa Thành Building Trần Văn Hòa chia sẻ, gạch không nung tuy đã phát triển, đa dạng về mẫu mã, sản phẩm nhưng đến nay vẫn chưa là lựa chọn ưu tiên của người dân khi thua thiệt về giá và một số yếu tố về chất lượng sử dụng. Gạch không nung có nhiều ưu điểm như tính chịu nhiệt cao; cách âm, chống cháy tốt... nhưng giá thành cao hơn nhiều lần với gạch đỏ nung. Bên cạnh đó, nguồn cung chưa đủ nhiều, phổ biến như sản phẩm truyền thống.
Vị giám đốc này cũng chia sẻ, người dân chưa hiểu hoàn toàn giá trị của gạch không nung khi loại vật liệu này mới chỉ sử dụng nhiều ở trong các công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, vốn Nhà nước ngoài ngân sách để xây dựng những công trình như trạm y tế, trường học...
"Với các công trình dân dụng hay những ngôi nhà 5 - 6 tầng, người dân rất thích sử dụng gạch nung - thậm chí là gạch đặc, do suy nghĩ nhà sẽ chắc và tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế dùng vật liệu truyền thống đôi khi phải làm dầm móng, nhiều công đoạn và thêm chi phí. Với gạch không nung thì khác, lúc tính toán phần kết cấu có thể giảm khối lượng sắt, dầm bé đi... tiết kiệm rất nhiều" - ông Trần Văn Hòa phân tích.
Người sử dụng có tâm lý e ngại và muốn được giảm giá khi dùng VLXD mới này trong khi nhà sản xuất thậm chí phải mất chi phí cao hơn để có thể sản xuất sản phẩm được công nhận là “xanh”. Chính vì vậy, ngoài sự hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước thì việc tuyên truyền, phổ biến các lợi ích về môi trường khi tích cực sử dụng vật liệu xanh cho người dân sẽ là chìa khóa tháo gỡ khó khăn cho DN.
Chuyên gia về VLXD, Thạc sĩ Phạm Ngọc Trung
Vẫn cần sự hỗ trợ
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, chất lượng và giá thành luôn đặt lên hàng đầu khi người dân lựa chọn vật liệu xây nhà. Với những công ty xây dựng, ngoài 2 tiêu chí trên còn đi kèm với điều kiện thi công thuận tiện, giảm thời gian xây dựng, thì hiện nay sản phẩm gạch không nung không có tính cạnh tranh kinh tế so với loại gạch đỏ truyền thống.
Tuy nhiên, trong các loại vật liệu xây dựng (VLXD) xanh không nung vẫn có sản phẩm đã và đang "phủ sóng" như tấm bê tông nhẹ trong việc dựng vách, vì lý do thi công rất nhanh, chi phí vừa phải mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Nhìn nhận vấn đề này, chuyên gia về VLXD, Thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho rằng, để phát triển VLXD xanh nói chung và gạch không nung nói riêng, phải đưa ra được các tiêu chí cụ thể cho từng loại sản phẩm. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật liên quan chưa hoàn chỉnh dẫn đến chất lượng gạch không đồng đều, chưa tạo sự thu hút cho người dân. Có thể hiểu ngắn gọn, để ứng dụng rộng rãi, công nghệ sản xuất VLXD phải ở cấp tiên tiến, tiêu tốn ít tài nguyên, năng lượng và không gây ô nhiễm; sản phẩm phải thân thiện với môi trường…
"Để đưa vật liệu xây không nung vào cuộc sống, người dân lựa chọn và giảm sử dụng gạch nung truyền thống cần cân nhắc bài toán định mức kinh tế. Khi giá thành thi công cho mét vuông tường xây bằng gạch không nung đang cao hơn 1,5 lần so với truyền thống sẽ rất khó để người tiêu dùng có thể "xuống tiền".
Bên cạnh đó, cần phân loại từng sản phẩm khi gạch không nung có tới tận 3 loại (xi măng cốt liệu, bê tông khí chưng áp, bê tông bọt) phù hợp với từng công trình, đối tượng dùng khác nhau" - Thạc sĩ Phạm Ngọc Trung nói và cho rằng, rất cần có sự chung tay của các bên, từ người dân, chủ đầu tư, DN xây dựng đến cơ quan quản lý. Làm được điều này chúng ta cũng góp phần thực hiện cam kết trung hòa phát thải khí carbon vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ.