Xoay quanh vấn để này, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Sơn Tùng (Công ty Luật Legal United Law), đồng thời là Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Sài Gòn (SCOA).
Giao dịch vay mượn ngoài hệ thống ngân hàng được ghi nhận phát triển “bùng nổ” trong những năm gần đây, luật sư nhận định vấn đề này thế nào?
- Thị trường tài chính luôn tồn tại song song giữa thị trường chính thống và phi chính thống. Trong đó, thị trường phi chính thống có thể hiểu là thị trường tài chính tồn tại, hoạt động và vận hành ngoài hệ thống ngân hàng. Thị trường này thực tế cũng hình thành đầy đủ các mối quan hệ, giao dịch về vay, mượn, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh… nói chung là nơi diễn ra các giao dịch về các tài sản, tiền, nguồn tài chính khác và thông thường là không tuân thủ một cách chặc chẽ và đầy đủ các quy định pháp luật.
Theo đó, các chủ thể tham gia thị trường thường “lách luật” hay thực hiện các giao dịch không đúng với bản chất, nội dung và hình thức của giao dịch. Đương nhiên, khi thực hiện các giao dịch trong thị trường này, chúng thường chứa rất nhiều rủi ro và quyền lợi của các chủ thể tham gia sẽ không được pháp luật thừa nhận hay bảo vệ.
Những năm gần đây, khi hệ thống ngân hàng suy yếu, tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay càng khó tiếp cận với nguồn và dòng tiền chính thức từ các ngân hàng, khi người có nhu cầu vay rơi vào điều kiện dưới chuẩn để xét cấp tín dụng và nhất là trong các giai đoạn, chu kỳ khủng hoảng kinh tế xảy ra, cũng là lúc thị trường vay mượn ngoài hệ thống ngân hàng có cơ hội hoạt động và phát triển mạnh.
Tham gia vào thị trường này, bên cho vay thường là các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính và được thành lập theo Luật Doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư ở các địa phương cấp phép đăng ký kinh doanh với chức năng và hoạt động của dịch vụ cầm đồ, cho vay ngang hàng, cho vay qua các app và các quỹ, hợp tác xã tín dụng đầu tư quy mô địa phương, mô hình hoạt động cho vay tiêu dùng… mà không tuân theo quy trình, thủ tục do Ngân hàng Nhà nước cấp phép và giám sát. Với cách quảng cáo về các điều kiện cho vay hấp dẫn, đơn giản về thủ tục và điều kiện vay khiến người vay tưởng nhầm là các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trong lĩnh vực hoạt động tín dụng về cho vay.
Với lãi suất vay ngoài hệ thống ngân hàng, những mức lãi suất nào được pháp luật thừa nhận và không thừa nhận, thưa luật sư?
- Mối quan hệ vay tài sản ngoài hệ thống ngân hàng, trong ấy có vay tiền được pháp luật dân sự điều chỉnh. Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có xác định các yếu tố chính về lãi suất. Cụ thể, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng có khống chế về mức trần lãi suất: không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay (hay không quá 1,666%/ tháng), các giao dịch với mức lãi suất này là giao dịch với lãi suất hợp pháp. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn, tức là lãi xuất ở mức 10%/năm tại thời điểm trả nợ vay. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá mức lãi suất là 20%/ năm thì mức lãi suất vượt quá này sẽ không có hiệu lực, nghĩa là không được pháp luật thừa nhận trong quan hệ vay, cho vay.
Ở đây, cần lưu ý thêm là pháp luật dân sự cũng có các quy định về vay không có lãi (lãi suất bằng 0). Bên cạnh ấy, với các giao dịch theo kiểu tập quán như họ, hụi, biêu, phường có lãi thì mức lãi suất của các giao dịch này cũng phải tuân theo quy định như cho vay có lãi vừa đề cập ở trên. Về lãi suất quá hạn, nếu các bên không có thỏa thuận về mức lãi suất nợ quá hạn thì mức lãi suất nợ quá hạn bằng 150% mức lãi suất trong hạn (Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC).
Vậy mức lãi suất bao nhiêu thì bị coi là cho vay nặng lãi và bị chế tài hình sự?
- Phải khẳng định rằng, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hình thức cho vay nặng lãi. Cho vay nặng lãi được hiểu là cho vay ở mức lãi suất cao hơn mức lãi suất giới hạn tối đa là 20% đã được pháp luật quy định. Trường hợp cho vay bằng tài sản khác mà không phải là tiền thì sẽ quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
Điều 201 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có xác định “người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự” (tức là ở mức lãi xuất 100%/ năm) kèm với một trong các dấu hiệu như thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, với các giao dịch cho vay có lãi suất từ trên mức 20%/năm đến dưới 100%/năm sẽ được xem là giao dịch có lãi suất bất hợp pháp nhưng chưa đến mức bị xử lý về mặt hình sự, những giao dịch trong khung này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trên thực tế, bên cho vay lãi nặng thường dùng các thủ đoạn để tăng lãi suất rất tinh vi, “núp” dưới nhiều vỏ bọc cùng các tên gọi khác nhau. Ngoại trừ phần lãi xuất, họ thường đưa vào các khoản thu khác ngoài lãi, ví như: phí môi giới từ 03% - 06%/lần cho vay, phí thẩm định khoản vay và tài sản trung bình là 1.5% - 03% số tiền cho vay, rồi phí quản lý khoản vay trung bình 02%/lần cho vay, thu thêm lãi suất phạt vi phạm tính trên nợ gốc và tính trên lãi chậm trả lên đến trên cả 100% tính cho năm đầu tiên, tính lãi nhập gốc… Ngoài ra, còn thu lãi trước nhiều tháng, có khi là thu lãi trước cả 3 hoặc 6 tháng và đồng thời giữ lại một phần tiền cho vay trong lần giải ngân đầu tiên. Không thiếu trường hợp, vào thời điểm thực nhận tiền vay, bên vay bị thu mất hơn 30% trên tổng số tiền vay.
Bên cho vay không bao giờ giải thích hết các khoản phải trả của bên vay hay số tiền thực nhận mà bên vay có thể nhận trong lần giải ngân đầu tiên. Sau khi đã lỡ ký hợp đồng và nhận tiền, đến lúc cộng dồn lại các khoản phải trả thì người vay mới “ngã ngửa” nhưng đã muộn.
Luật sư có lời khuyên gì dành cho bên cho vay, bên đi vay khi tham gia vào quan hệ cho vay ngoài hệ thống tín dụng ngân hàng?
- Pháp luật Việt Nam thừa nhận và cho phép diễn ra các mối quan hệ vay mượn ngoài hệ thống tín dụng ngân hàng. Nhưng khi tham gia vào mối quan hệ này, các bên cần phải có những hiểu biết nhất định để không vượt qua những lằn ranh mà pháp luật đã vạch ra và nghiêm cấm. Đặc biệt là các ranh giới khá mong manh về dân sự, hành chính hay hình sự.
Ngoại trừ các quy định về mức lãi suất, các bên cũng cần hết sức lưu ý về tư cách pháp lý của bên cho vay, cách thức xử lý và thu hồi nợ vay khi đã quá hạn trả gốc, lãi, việc sử dụng tiền vay và ý thức trả nợ của bên vay. Tất cả những việc này cần tuân thủ đúng pháp luật. Trong thực tế và trong một số trường hợp, có nhiều bên cho vay do chủ quan mà vô tình vướng vào việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự rất đáng tiếc khi không ý thức, không biết cách tính lãi suất quá hạn vì cứ tưởng đơn giản rằng khi áp dụng việc tính lãi suất quá hạn cao thì bên vay sẽ ngại mà lo trả tiền vay sớm.
Hiện nay, mô hình cho vay tiêu dùng thông qua các công ty tài chính chiếm một tỷ lệ lớn trong các giao dịch cho vay ngoài hệ thống tín dụng. Ví dụ như cho vay để mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; cho vay để chi phí vào việc học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao; cho vay để sửa chữa nhà hay cho vay có trả góp… Theo quy định tại Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 và Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 04/11/2019 của Ngân hàng Nhà nước thì hoạt động cho vay tài chính nói chung hiện đã có một khung pháp lý riêng, đã tạo ra được một môi trường phát triển riêng cho thị trường tài chính tiêu dùng nên việc xử lý mối quan hệ vay và cho vay, xử lý nợ vay đã có các quy định tương đối rõ ràng. Do đó, các bên cần đọc luật để biết cách tự bảo vệ quyền lợi của mình theo các hướng dẫn trong các thông tư này một khi có tranh chấp không mong muốn xảy ra.
-Xin cảm ơn luật sư về cuộc trò chuyện này!