VC5 mất giá vì Vinaconex thoái vốn, cổ phiếu dầu khí hồi phục

Chia sẻ Zalo

Cùng với sự hồi phục của cổ phiếu trong nhóm dầu khí, mã ASP là điểm sáng hơn cả khi có tỷ lệ tăng giá lên tới hơn 33% trong tuần giữa tháng Tư.

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 15/4 cho thấy, mã ASP của Công ty cổ phần Tập đoàn Dầu khí An Pha đứng đầu nhóm tăng giá.

ASP đã có một tuần trọn vẹn một tuần tăng kịch biên độ với tổng mức tăng là 1.300 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, cuối tháng Ba, ASP đã có văn bản giải trình với cơ quan chứ năng vì kết quả kinh doanh trước kiểm toán và sau kiểm toán chênh lệch khá lớn.

Cụ thể, sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của ASP chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng trong khi báo cáo trước đó của đơn vị này đưa ra con số lên tới trên 6,4 tỷ đồng.

Mức chênh lệch lên tới 21,8% trên theo đại diện ASP là do chi phí quản lý doanh nghiệp sau kiểm toán đã tăng so với trước đó. Điều này xuất phát từ việc công ty phải thực hiện trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Chiến/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Chiến/Vietnam+)
Mức lợi nhuận trên thực tế đã giảm mạnh so với năm 2014. Trước đó 1 năm, lợi nhuận của ASP được báo cáo ở mức hơn 13 tỷ đồng trong khi năm 2015 chỉ là hơn 5 tỷ đồng.

Giải trình thêm cho sự thay đổi này, lãnh đạo ASP cho rằng, điều này do trong năm qua, công ty đã có sự sụt giảm về khoản cổ tức được chia và hoàn nhập dự phòng từ đầu tư tài chính vào các công ty con so với năm 2015. Điều này đã khiến mức lợi nhuận đã giảm tới gần 63%.

Ở phía ngược lại, mất giá nhiều nhất sàn là mã LHG của Công ty cổ phần Long Hậu.

Chỉ có 1 phiên duy nhất tăng giá giữa tuần, LHG trượt dài trong 4 phiên còn lại trong đó 2 phiên thậm chí còn chấp nhận phải nện sàn. LHG qua đó đã rơi từ mức 25.800 đồng/cổ phiếu xuống 22.700 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ trên 12%.

Trước đó, vào cuối tháng Ba, LHG đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 và thông qua kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong năm nay.

Cụ thể, doanh thu dự kiến được phía LHG nhất trí trong năm 2016 tăng 32% so với 2015, đạt 404 tỷ đồng. Ngoài ra, lãi ròng theo kế hoạch có thể đạt 75 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 2015. Chi phí tài chính dự kiến sẽ giảm mạnh, từ 21,5 tỷ của 2015 xuống 12 tỷ đồng trong năm nay.

Cũng theo kế hoạch, LHG sẽ đẩy mạnh đầu tư dự kiến với số tiền lên tới 591,5 tỷ đồng.

Phía LHG cũng cho biết đã phê duyệt dự án Khu công nghiệp Long Hậu 3 có tổng số vốn đầu tư là 1.102 tỷ đồng. Dự án dự kiến thi công trong quý 3 năm nay và hoàn thành đưa vào khai thác từ quý 1 năm 2017 đến quý 1 năm 2019.

Bên sàn HNX, mã TPH của Công ty cổ phần In sách giáo khoa tại thành phố Hà Nội là cái tên đứng đầu nhóm tăng giá với tỷ lệ tăng giá gần 33%.

Với 5 phiên liên tiếp leo dốc tuần này, TPH đã tăng từ 8.300 đồng cổ phiếu cuối tuần trước lên 11.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên ngày 15/4.

Thực tế, TPH là cái tên khá quen mặt trong tháng trước của top tăng giá trên sàn HNX. Mã này đã góp mặt tới 2 tuần liên tiếp trong tháng Ba trong đó có 1 lần đứng ở vị trí quán quân.

Báo cáo tài chính công ty mẹ công bố trước đó của TPH cho thấy sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2015.

Doanh thu của TPH trong năm 2015 chỉ đạt gần 16,7 tỷ đồng trong khi 1 năm trước đó, con số này lên tới hơn trên 19 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của TPH qua đó được tính toán là gần 1,3 tỷ đồng, thấp hơn mức lãi năm 2014.

Với nhóm mất giá, mã VC5 của Công ty cổ phần Xây dựng số 5 là mã đứng đầu với tỷ lệ giảm gần 39%.

VC5 đã có một tuần tuột dốc không phanh với 5 phiên liên tiếp nện sàn. Mức giá hiện tại của VC5 chỉ là 2.700 đồng/cổ phiếu, giảm 1.700 đồng/cổ phiếu so với cuối tuần trước.

Trước đó, báo cáo kết quả kinh doanh của VC5 đã cho thấy những con số không mấy khả quan. Doanh thu của VC5 chỉ đạt hơn 174 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức hơn 293 tỷ đồng cách đó 1 năm.

Về lợi nhuận sau thuế, VC5 thậm chí còn đang phải phải gánh mức lỗ trên 54 tỷ đồng trong năm qua.

Theo lãnh đạo VC5, năm 2015, thị trường xây lắp tiếp tục khó khăn, công tác tìm kiếm việc làm gặp phải cạnh tranh khốc liệt khiến sản lượng thực hiện của công ty không như kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, đại diện VC5 cũng cho rằng, lộ trình thoái vốn của Tổng công ty cổ phần Vinaconex đối với VC5 kéo dài từ tháng 4/2015 tới đầu năm 2016 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả và kế hoạch kinh doanh của công ty năm qua.

Cũng theo ban lãnh đạo, một số dự án sử dụng vốn ngân sách, đơn vị thi công phải chờ nguồn vốn Nhà nước bổ sung đã ảnh hưởng tới hiệu quả dự án. Đặc biệt, nhiều dự án thi công xong và đã bàn giao cho chủ đầu tư nhưng chưa quyết toán ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ.