Kinhtedothi - Thông tư 20 không phù hợp với tinh thần của pháp luật cạnh tranh và sở hữu trí tuệ. Đây là khẳng định của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại văn bản số 1830/PTM-PC gửi Thủ tướng đề nghị bãi bỏ Thông tư 20/2011/TT-BCT đang làm khó nhiều DN nhập khẩu ô tô.
Phân biệt đối xử DN Đánh giá về sự phù hợp của Thông tư 20 với pháp luật cạnh tranh, đại diện VCCI cho rằng, Thông tư 20 đã phân biệt đối xử giữa các DN (có ủy quyền và không có ủy quyền), qua đó gián tiếp buộc người tiêu dùng chỉ được mua hàng hóa với một lượng DN nhất định, gây hạn chế cạnh tranh. Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước về cạnh tranh cần phải thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet. |
Thông tư 20 cũng không phù hợp với tinh thần của pháp luật sở hữu trí tuệ” - ông Lộc nhấn mạnh. Thông tư 20 đã trao quyền cho nhà sản xuất có thể ngăn cản người khác nhập khẩu sản phẩm của mình thông qua việc không cấp giấy ủy quyền cho thương nhân khác. Như vậy, Thông tư này đã giúp nhà sản xuất dễ dàng thực hiện một hành vi đi ngược lại với Điều 125.2 của Luật Sở hữu trí tuệ. Quy định Nhà nước nước nên hướng đến việc bảo đảm lợi ích đông đảo người tiêu dùng, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, cần phải hạn chế sự can thiệp của nhà sản xuất vào quá trình phân phối, giảm vai trò chi phối thị trường chứ không phải là luật hóa các quan hệ này.
Không hiệu quả trong kiểm soát nhập siêu Trước đó, Thông tư 20 đã được Bộ Công Thương ban hành với mục tiêu kiểm soát chất lượng (mức độ an toàn và bảo vệ môi trường) và kiểm soát thị trường nhập khẩu ô tô. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, về mặt pháp luật, Việt Nam đã có đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng ô tô sản xuất trong nước và nhập khẩu vào Việt Nam. Việc kiểm soát này không có sự khác biệt giữa xe ô tô nhập khẩu của thương nhân có ủy quyền hay thương nhân không có ủy quyền. “Do đó, không có cơ sở để khẳng định Thông tư 20 giúp làm tăng chất lượng xe ô tô nhập khẩu vào Việt Nam”. Vấn đề thu hồi xe (recall) cũng đã được quy định tại thông tư 19/2012/TT- BGTVT của Bộ GTVT. Thu hồi của xe lắp ráp liên doanh sản xuất trong nước hay xe nhập khẩu (trong đó nhập khẩu ủy quyền hay không ủy quyền) đều như nhau. Thông tư 20 của Bộ Công Thương không nên gánh thêm nhiệm vụ bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Có ý kiến cho rằng mỗi hãng sản xuất thường sản xuất xe phù hợp với từng điều kiện về khí hậu, đường xá của từng quốc gia và việc mang xe được sản xuất cho các quốc gia khác về lưu thông tại Việt Nam sẽ không an toàn bằng việc sử dụng xe được sản xuất riêng cho Việt Nam. VCCI cho rằng ý kiến này chưa thực sự thỏa đáng. Thứ nhất, dù xe được sản xuất cho quốc gia khác nhưng khi mang về Việt Nam vẫn được các cơ quan quản lý giao thông của Việt Nam kiểm tra về sự an toàn và bảo vệ môi trường để bảo đảm chất lượng xe. Như vậy, các xe này vẫn bảo đảm an toàn khi lưu thông tại Việt Nam. Thứ hai, kể cả trong trường hợp có sự khác biệt rõ ràng về chất lượng xe nhập khẩu được sản xuất riêng cho từng quốc gia thì cũng cần được quản lý thông qua các quy chuẩn kỹ thuật của xe nhập khẩu, chứ không nên quản lý dựa vào Giấy ủy quyền như Thông tư 20 đang làm. Ngoài ra, trong 2 yếu tố cấu thành thị trường ô tô trong nước (cung và cầu), quy định của Thông tư 20 chỉ tác động đến phần cung mà không ảnh hưởng đến cầu về ô tô của người tiêu dùng Việt Nam. Theo quy luật thị trường, khi cung giảm mà cầu giữ nguyên thì giá sẽ tăng và người tiêu dùng phải trả tiền cho sự tăng giá này. Nếu khoảng chênh lệch giá này được chuyển vào ngân sách nhà nước (dưới dạng thuế nhập khẩu, phí sử dụng xe…) thì vẫn đạt được mục tiêu kiểm soát lượng xe nhập khẩu mà lại có tác dụng tăng thu cho ngân sách nhà nước, có thêm tiền đầu tư cho hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, quy định của Thông tư 20 lại khiến cho các DN sản xuất ô tô trong nước và DN nhập khẩu ô tô có ủy quyền được hưởng khoản chênh lệch tăng giá này. Do đó, nếu khẳng định Thông tư 20 có tác dụng trong việc kiểm soát nguồn cung ô tô trong nước thì hệ quả của nó là các DN sản xuất và DN nhập khẩu ô tô có ủy quyền sẽ được hưởng lợi nhuận lớn hơn. Còn nếu cho rằng các DN sản xuất và nhập khẩu ô tô có ủy quyền không được hưởng lợi nhuận lớn hơn thì đồng nghĩa với việc Thông tư 20 không có tác dụng trong việc kiểm soát nguồn cung ô tô trong nước như mục tiêu đề ra. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau khi Thông tư 20 đi vào thực thi, số lượng xe ô tô nhập khẩu có giảm trong năm 2011 và năm 2012, nhưng các năm từ 2013 - 2015 thì tăng rất mạnh. Năm 2011 nhập 55 nghìn xe thì đến năm 2015 là 125.000 xe. Theo báo cáo, tình trạng chi tiêu ngoại tệ cho nhập khẩu xe dưới 9 chỗ năm 2011 là 1,02 tỷ USD, sang năm 2015 đạt 2,98 tỷ USD (giá trị chưa tính thuế). Tỷ trọng của ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ trong tổng kim ngạch nhập khẩu toàn quốc năm 2011 là 0,94%, nhưng đến năm 2015 là 1,81% (tăng gần gấp đôi). Như vậy, không có căn cứ cho thấy việc duy trì Thông tư 20 có tác dụng hạn chế nhập siêu. Cần bãi bỏ Thông tư 20 Chủ tịch VCCI cũng cho rằng các quy định tại Thông tư 20 có tính chất là một điều kiện kinh doanh vì đã trao quyền cho một số DN nhất định, đủ điều kiện thì được kinh doanh, còn các DN khác thì không. Khi các DN khác khó hoặc không thể gia nhập thị trường thì toàn bộ thị trường sẽ nằm trong tay một vài DN lớn. Trong môi trường như vậy rất dễ hình thành các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng. Người đứng đầu VCCI khẳng định thông tư trên đang cản trở việc gia nhập thị trường của các DN vừa và nhỏ nhất là trong bối cảnh hiện nay - khi Chính phủ đang soạn thảo, đưa vào luật một quy định về việc các cơ quan Nhà nước không được đặt ra điều kiện dưới hình nào đó mà hạn chế khả năng gia nhập thị trường, kinh doanh của DN nhỏ và vừa. Do vậy, VCCI đề nghị Thủ tướng bãi bỏ thông tư trên. Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 2/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đây là vấn đề được các cơ quan liên quan, DN đầu tư, sản xuất ô tô trong nước và DN kinh doanh nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống rất quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau đối với việc duy trì hay bãi bỏ quy định này tại Thông tư số 20. Cũng theo Bộ trưởng, do còn có nhiều ý kiến khác nhau đối với vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương đánh giá và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp. Hiện Bộ Công Thương đang tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo tổng hợp và đề xuất của Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan, hiệp hội, DN liên quan, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, có ý kiến chỉ đạo trên quan điểm bảo đảm cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và thực tế hoạt động kinh doanh nhập khẩu ô tô.