Danh thơm Bình Đà lưu giữ bảo vật quốc gia
Cụ Bùi Đăng Thịnh, nguyên thủ từ đền Nội - Bình Đà cho biết, đền Nội gắn liền với truyền thuyết mẹ Âu Cơ sinh 100 trứng, nở ra 100 người con, 50 người theo mẹ lên núi, 50 người xuống biển cùng cha. Đất Bình Đà bây giờ chính là nơi Lạc Long Quân lệnh cho các con dừng chân xây dựng cơ nghiệp. Khi Quốc Tổ về trời, ngài được các Vua Hùng và dân làng an táng tại gò Tam Thai (Ba Gò) thuộc đất Bảo Đà (Bình Đà ngày nay). Để tri ân công đức của Quốc Tổ Lạc Long Quân, dân làng Bảo Đà đã lập đền Nội cùng bức đại tự “Vi Bách Việt Tổ” (Tổ Dân Bách Việt).
Sử sách cũng ghi rõ, năm Nhâm Thân (1032), Vua Lý Thái Tông mở Lễ hội Tịch điền ở vùng Đỗ Động Giang thuộc đất Bảo Đà, nhà vua đã Hiến sắc suy tôn Lạc Long Quân là “Khai Quốc Thần”. Suốt 6 thế kỷ, 16 vị vua của các triều đại đều đích thân về Bình Đà dâng lễ Quốc Tổ và đã có 16 Hiến sắc, suy tôn Lạc Long Quân là “Khai Quốc Thần”. Các Hiến sắc này đều được lưu giữ tại đền Nội - Bình Đà và Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Năm 2010, nhân dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đền Nội được Nhà nước và TP Hà Nội đầu tư tu bổ, tôn tạo khang trang, bề thế trong khuôn viên 10.000m2, mang đậm bản sắc phương Đông. Đền được xây theo kiểu chữ Đinh, có tường gạch bao quanh, hậu cung đặt long ngai Lạc Long Quân. Trước tiền môn là sân ngoài kề bên ao sen rộng 500m2.
Cửa đền nhìn ra hướng Tây, nơi tương truyền là khu đất táng mộ Lạc Long Quân. Điều đáng quý là trong đền còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị. Nổi bật là bức phù điêu trên 1.000 năm tuổi, độc nhất vô nhị đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Bức phù điêu tạc hình Quốc Tổ Lạc Long Quân đội mũ bình thiên, mặc áo hoàng bào cùng các lạc hầu, lạc tướng của triều đình Lạc Việt dự hội đua thuyền trên dòng Đỗ Động Giang.
Cùng với đó, khu ao sen, cây quéo cổ thụ, giếng ngọc (có long mạch thông với thủy cung vươn xa về tận đất Thăng Long), nhà bia, miếu ông, trống đồng Đông Sơn Hê-gơ, gạch hoa văn xây mộ Quốc Tổ là các chứng tích cổ. Đền Nội lần lượt được công nhận là Di tích lịch sử, nghệ thuật cấp Quốc gia và Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia các năm 1985, 1990.
Giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”
Lễ hội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) là lễ hội đầu tiên trên địa bàn Hà Nội được ghi danh lễ hội văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh Phạm Đình Phùng cho biết, trước đây, lễ hội Quốc Tổ Lạc Long Quân ở Bình Đà diễn ra suốt 10 ngày, từ 27/2 - 6/3 âm lịch với rất nhiều hoạt động.
Những năm gần đây, lễ hội rút xuống còn 3 ngày, từ 4 - 6/3 âm lịch, nhưng vẫn đầy đủ nghi thức truyền thống như: Tế lễ, dâng hương, đọc chúc văn, rước và thả bánh vía… Đặc biệt, từ xưa đến nay, vào dịp lễ hội, đều có đoàn thủ từ của đền Hùng - Phú Thọ về dâng hương Quốc Tổ Lạc Long Quân và xin rước chân nhang ở hương án Đệ nhất của đền Nội về thờ với ý nghĩa cung kính đón Quốc Tổ về dự hội Đền Hùng vào ngày 10/3 âm lịch.
Lễ hội Bình Đà 2019 là một trong những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tiêu biểu nhằm tưởng nhớ bậc tiền nhân đã có công lao với đất nước. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà cho biết, lễ hội Bình Đà năm nay được tổ chức bài bản, trang trọng, an toàn và tiết kiệm, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Phần lễ trang trọng theo đúng nghi thức truyền thống, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức.
Đặc biệt là lễ hội dàn dựng màn trình diễn về truyền thuyết Âu Cơ, Lạc Long Quân đặc sắc, quy mô lớn. Bên cạnh đó, phần hội cũng được Ban tổ chức lên kế hoạch, sắp xếp hợp lý, thu hút sự tham gia của đông đảo Nhân dân trên địa bàn, du khách thập phương.
Phần hội năm nay bao gồm: Thi đấu cờ tướng, trò chơi dân gian bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đập niêu; thi đấu giao lưu giải cờ tướng, cầu lông, bóng bàn. Đáng chú ý, trong khuôn khổ lễ hội, huyện Thanh Oai còn trưng bày 22 gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề tiêu biểu của các xã, thị trấn trong và ngoài huyện.
|"Khu di tích Quốc gia Đền Nội Lạc Long Quân là nơi để con Lạc, cháu Hồng tỏ lòng thành kính trước tổ tiên, anh linh các vị anh hùng dân tộc. Đền Nội - Bình Đà thờ Đức Quốc Tổ kết bền chặt với đền thờ Đức Quốc mẫu Âu Cơ (tại xã Hiền Lương, huyện Hà Hòa, tỉnh Phú Thọ) và đền thờ Vua Hùng trên núi Hy Cương, thể hiện tam giác tâm linh gắn kết, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc to lớn và bền chặt. " - GS.TS Bùi Quang Thanh - Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam |