Văn minh, thuận tiện
Giống như nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng ở Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám thường đón nhiều du khách vào dịp học sinh, sinh viên nghỉ hè, ngày cuối tuần hay vào những thời điểm tại Thủ đô diễn ra các sự kiện lớn như SEA Games 31 vừa qua.
Trước đây, khi còn sử dụng vé giấy truyền thống, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân xếp hàng dài để mua vé, tốn nhiều thời gian trong việc mua bán và kiểm soát vé. Nhưng từ khi hệ thống vé điện tử chính thức đi vào vận hành (ngày 13/5), du khách đến tham quan có thể mua vé online, đặt trước và chỉ cần quét mã QR để đi qua cổng soát vé.
Đặc biệt với đoàn khách du lịch, cả đoàn chỉ cần mua 1 vé, quét mã QR cho cả đoàn đi vào thay vì mua mỗi người một vé như trước đây. Bên cạnh đó, hệ thống vé điện tử cũng cho phép du khách tra cứu lịch sử mua vé, lịch sử tham quan, tra cứu hoá đơn và lưu trữ vé dưới nhiều hình thức linh hoạt, tránh trường hợp mất vé.
Với việc áp dụng 1 vé dành cho cả khách đoàn, anh Trần Thái Bình - Hướng dẫn viên du lịch quốc tế sẻ: “Hệ thống vé điện tử đang được vận hành tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một công nghệ tiên tiến, cải tiến hệ thống dịch vụ du lịch để thu hút khách quốc tế nhiều hơn đến với Việt Nam sau khi mở lại các hoạt động du lịch. Mong rằng trong thời gian tới, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ áp dụng hệ thống bán vé online và quầy tự động bán vé. Điều này sẽ mang lại nhiều tiện ích hơn nữa cho du khách khi trải nghiệm”.
Chuyển đổi số được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch Việt Nam. Trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm mới phục vụ khách du lịch là một định hướng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh du lịch “không chạm” ngày càng phổ biến. Với những sản phẩm công nghệ mới, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý cũng như hoạt động đón và phục vụ khách du lịch đến tham quan tìm hiểu một địa chỉ văn hóa, lịch sử tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc
Đáng chú ý, ngoài việc sử dụng vé giấy có in mã QR để vào tham quan, du khách cũng có thể sử dụng Thẻ du lịch thông minh (được phát hành dưới dạng thẻ cứng hoặc tích hợp trên “Ứng dụng Du lịch Việt Nam”). Hệ thống cũng cho phép xuất hóa đơn điện tử đối với những đơn vị có nhu cầu xuất hóa đơn mua vé tham quan.
Bà Anders Pohl Nielsen - khách quốc tế đến từ Đan Mạch đánh giá rất cao hệ thống vé điện tử tại Văn Miếu. “Hệ thống vé điện tử rất hiện đại, đã giải quyết được sự ùn tắc trong khâu soát vé. Đặc biệt là việc sử dụng vé điện tử sẽ góp phần bảo vệ môi trường khi nhiều người vào cũng chỉ cần in 1 vé có mã QR. Tôi mong muốn trong thời gian tới di tích Văn Miếu sẽ áp dụng hình thức bán vé online, qua đó giảm bớt thời gian xếp hàng mua vé cho du khách” - bà Nielsen chia sẻ.
Tiếp tục điều chỉnh
Số hóa vé tham quan là một phần của du lịch thông minh, tuy nhiên có thể thấy giải pháp này mới chỉ xuất hiện đơn lẻ ở một vài điểm đến du lịch trên cả nước. Thách thức lớn nhất chính là việc phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu. Đơn cử là trường hợp Ban Quản lý vịnh Hạ Long triển khai việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử từ ngày 1/4/2022. Đã có những ý kiến phàn nàn rằng, từ khi áp dụng bán vé điện tử thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc, khiến du khách phải chờ lâu do sự thiếu đồng bộ hệ thống. Chưa kể, nếu mạng Internet chập chờn hoặc mất tín hiệu thì nhân viên sẽ phải thao tác rất lâu mới có thể xuất vé cho khách.
Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong quá trình thực tế triển khai, hệ thống vé điện tử cũng phát sinh một số bất cập. Trao đổi với phóng viên KT&ĐT, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Khó khăn xuất hiện với hệ thống mới là với đoàn đông người, việc xếp hàng chưa thực sự tốt nên khi qua hệ thống soát vé tự động dễ gây hiện tượng tắc cục bộ. Điều này cần có thêm thời gian để dần hình thành nề nếp xếp hàng, trật tự, văn minh khi qua cổng vào tham quan di tích”. Vì vậy, theo các nhà quản lý di tích, danh thắng, công nghệ sau khi triển khai cần điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của điểm đến, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh để hệ thống vận hành trơn tru, không gây nên những xung đột không cần thiết tại khu vực bán vé, soát vé.
Mặt khác, việc triển khai hệ thống bán vé còn đơn lẻ, chưa đồng bộ trên địa bàn một tỉnh, TP không chỉ do yếu tố về kinh phí mà vấn đề đầu tiên là nhận thức. Bởi ứng dụng công nghệ có nhiều ưu điểm như không đòi hỏi - giảm vị trí việc làm, giúp thay đổi phương thức phục vụ theo hướng văn minh, công khai, minh bạch, tạo sự hài lòng cho khách tham quan. Đồng thời, công nghệ hỗ trợ cho kiểm soát vé chính xác, tiện lợi cho cả đơn vị quản lý và khách tham quan.
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ tiếp tục hoàn thiện những bất cập nảy sinh trong quá trình vận hành hệ thống vé điện tử. Chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị đưa vào sử dụng việc bán vé tự động và bán vé từ xa (online) trên website, qua đó giúp du khách chủ động, tiết kiệm thời gian đến với Văn Miếu.
Bên cạnh đó, di tích Văn Miếu sẽ áp dụng “Thẻ du lịch thông minh” tích hợp liên thông với “Ứng dụng du lịch Việt Nam an toàn” gồm nhiều dịch vụ như qua cổng, và sử dụng nhiều dịch vụ khác tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tất cả nhằm mang đến nhiều tiện ích nhất dành cho khách tham quan.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu.