Về một câu chuyện không mới

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối năm 2019, những thông tin đáng phấn khởi về những thành tựu kinh tế - xã hội của Hà Nội cũng như cả nước làm không khí đón năm mới 2020 thêm vui tươi, hào hứng. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui vẫn có một vài điều khiến chúng ta phải băn khoăn, suy nghĩ.

Chương trình “Chào buổi sáng” của Đài Truyền hình Việt Nam ngày 24/12 đưa tin: Hà Nội hiện có hơn 380 điểm giao cắt có nguy cơ ùn tắc vào giờ cao điểm; trong đó có những điểm ùn tắc “kinh niên” như ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương - Tố Hữu.
Có thể nói đó là câu chuyện không mới. Không mới nhưng vẫn phải nhắc lại, bởi theo quy luật, những ngày sát năm mới Dương lịch cũng như áp Tết Nguyên đán cổ truyền mật độ giao thông trong TP càng gia tăng, cùng với đó là tình trạng ùn tắc giao thông càng nghiêm trọng.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, từ 2016 - 2019, TP đã sửa chữa 36 tuyến đường, lắp đặt 112 nút đèn tín hiệu giao thông, cải tạo 17 nút giao thông, chỉnh trang 6 tuyến đường, hoàn thành 7 công trình với tổng kinh phí hơn 231 tỷ đồng, mở thêm 33 tuyến xe buyt. Nhờ những giải pháp trên, số điểm ùn tắc giao thông thường xuyên của Hà Nội đã giảm từ 44 điểm xuống còn 27 điểm. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, TP đã xử lý được 6 điểm.
Cũng theo UBND TP Hà Nội nguyên nhân khiến các điểm ùn tắc vẫn tồn tại là do lưu lượng giao thông tăng nhanh, số điểm ùn tắc mới phát sinh nhiều, cần tiếp tục xử lý. Tuy nhiên, có một nguyên nhân đã được nhận diện từ lâu, mà muốn giảm trừ, thanh toán, chỉ riêng chính quyền TP cùng các cơ quan chức năng không thể làm được. Đó là những biểu hiện thiếu chuẩn mực trong nhận thức, cách hành xử khi tham gia giao thông của nhiều người dân TP. Nói vậy, bởi việc này không chỉ phụ thuộc vào ý chí, hành động của chính quyền, các cơ quan chức năng, mà nó còn phụ thuộc vào nhận thức, hành vi của mỗi người dân. Nó cũng không hề đơn giản như việc xén một dải phân cách trên đường Nguyễn Chí Thanh hay lắp thêm đèn tín hiệu ở các điểm giao cắt, thậm chí là mở thêm những con đường…
Có một thực tế là việc ùn tắc xảy ra, nhiều khi nguyên nhân ban đầu rất đơn giản. Ví dụ như một chiếc ô tô đỗ choán lòng đường trong giờ cao điểm, mặc dù ở đó không có biển cấm đỗ, nhưng người lái hoàn toàn có thể ý thức được hậu quả do mình gây ra. Đơn giản hơn, nhiều khi chỉ là một vài người đi xe máy cố tình đi ngược chiều rồi xảy ra va chạm. Hậu quả là chỉ một hoặc một số người muốn thuận lợi cho mình mà làm rất nhiều người khác bị ảnh hưởng, sự ảnh hưởng ai cũng thấy rõ. Trong khi đó thì chỉ cần có ý thức một chút là tránh được hậu quả nói trên.
Vấn đề ở đây là một khi ùn tắc giao thông đã xảy ra, lực lượng chức năng không đủ thời gian để truy cứu về những nguyên nhân ban đầu ấy, mà chỉ tập trung vào phân luồng, khắc phục. Trong khi đó, rất nhiều người tham gia giao thông lại cố gắng thoát khỏi điểm ùn tắc theo kiểu chỗ nào đi được là đi, như lời một chuyên gia đánh giá. Và cách ứng xử đó đa phần lại làm rối thêm mớ bòng bong được gọi là ùn tắc giao thông kể trên.
Nhắc lại một câu chuyện không mới nhưng vẫn mang tính thời sự vào thời điểm sắp tới năm mới này để một lần nữa nêu một đề xuất cũng không mới. Đó là rất cần tuyên truyền giáo dục, nhắc nhở, xử lý… để nâng cao ý thức tuân thủ luật lệ giao thông, hình thành và lan tỏa cách ứng xử mang tính văn hóa, thậm chí là ý thức nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông của người dân TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần