Về "một nhà", Uber và Grab gặp khó

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiến trình sáp nhập của Uber và Grab có thể bị trì hoãn sau khi một loạt nhà chức trách các quốc gia Đông Nam Á xem xét thỏa thuận này vì nguy cơ gây tình trạng độc quyền.

Grab cho biết đã mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á từ hôm 26/3. Theo thỏa thuận thâu tóm, Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab, đồng thời CEO của Uber, ông Dara Khosrowshahi, sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab. Trước đó, năm 2017, Grab tuyên bố có được 95% thị phần trong dịch vụ chia sẻ xe và 71% trong dịch vụ gọi xe riêng.
 
Trong một động thái mới nhất, các cơ quan chống độc quyền Philippines đang xem xét nguy cơ gây độc quyền từ thương vụ này, sau khi Singapore có động thái tương tự. Ủy ban Cạnh tranh Philippines khẳng định sẽ tiến hành một đợt rà soát toàn diện. Trước mắt, cơ quan này sẽ xác định xem thương vụ có đạt mốc 2 tỷ Peso (tương đương 38,3 triệu USD) cùng các điều kiện khác để chính thức rà soát.
Theo đó, Ủy ban này sẽ phân tích liệu thỏa thuận sẽ gây ra các hiện tượng như tăng giá, giảm chất lượng dịch vụ, giảm thiểu các lựa chọn cho hành khách hay nguy cơ những “đối thủ” khác của Grab sẽ không có quyền cạnh tranh công bằng. Cơ quan chống độc quyền của các nước khu vực Đông Nam Á cũng đang theo dõi chặt chẽ vụ thâu tóm này. 
Trước đó, CNBC đưa tin, cơ quan chức năng Singapore cho hay có đủ cơ sở để nghi ngờ rằng có thể thương vụ Grab thâu tóm mảng hoạt động tại Đông Nam Á của Uber đã vi phạm các nguyên tắc về cạnh tranh. Trong khi đó, tại Indonesia, cơ quan chống độc quyền nước này cho biết họ sẽ có 30 ngày để đánh giá sau khi việc mua bán hoàn tất. Hiện Singapore là quốc gia có lập trường cứng rắn nhất về vụ sáp nhập này. Giới chức Singapore cho rằng, thương vụ này có thể làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường, vi phạm Điều khoản 54, Luật Cạnh tranh Singapore. 

Động thái từ các nhà chính sách được cho là sẽ gây phức tạp cho kế hoạch sáp nhập hoạt động của Uber và Grab cho tới ngày 8/4 tới. Đây là thương vụ sáp nhập lớn đầu tiên trong lĩnh vực ứng dụng gọi xe tại Đông Nam Á. Dự kiến sau thương vụ, Uber sẽ có nguồn lực để tập trung vào các thị trường khác như Ấn Độ, Nhật Bản và chuẩn bị cho đợt lên sàn vào năm 2019. Uber ghi nhận mức lỗ 4,5 tỷ USD trong năm 2017 do sức cạnh tranh gay gắt ngay tại Mỹ và châu Á, cũng như vấp phải các vấn đề pháp lý tại châu Âu. Hãng đã đầu tư khoảng 700 triệu USD vào thị trường Đông Nam Á.
Grab hiện cung cấp dịch vụ tại hơn 160 TP tại các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Myanmar và Campuchia. Trong khi đó, Uber chỉ hoạt động trong khoảng 60 TP trong khu vực.
Trước khi rút lui khỏi Đông Nam Á, Uber từng tháo chạy khỏi Trung Quốc, bán lại các hoạt động kinh doanh cho đối thủ Didi Chuxing. Sau thương vụ với Uber, ngoài tiếp quản các hoạt động tại 8 nước Đông Nam Á, Grab cũng sẽ mở rộng dịch vụ giao đồ ăn.
Dự kiến, Grab có thể sẽ không thống trị thị trường quá lâu, bởi ứng dụng Go-Jek của Indonesia khả năng sẽ khai trương dịch vụ tại Singapore, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.