Vệ sinh trường học: Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước câu hỏi về vệ sinh trường học khi năm học mới 2016 - 2017 sắp bắt đầu, khá nhiều người cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về người quản lý trường học, sau đó là giáo viên để thay đổi nhận thức của học sinh (HS).

Chưa đáp ứng tiêu chí

Theo tiêu chuẩn quốc gia về trường học mà Bộ KH&CN công bố từ năm 2011, các tiêu chí về phòng học, phòng chức năng và khu vệ sinh đều được quy định rõ. Trong đó, khu vệ sinh cần có phòng đệm và được thiết kế với diện tích tối thiểu 0,06m2/HS, cùng 1 tiểu nam, 1 xí và 1 chậu rửa cho từ 20 - 30 HS nam và tối đa 20 HS nữ/chậu xí. Chiều cao lắp đặt thiết bị vệ sinh phải phù hợp nhu cầu sử dụng và lứa tuổi HS. Phòng vệ sinh nam, nữ thiết kế riêng biệt, lối vào không được đối diện trực tiếp phòng học, phòng bộ môn... Vậy là chỉ tính riêng tiêu chí về diện tích và số thiết bị tối thiểu/HS thì cả trường học ở TP lẫn nông thôn đều khó đáp ứng, nhất là với các trường được xây cách đây hàng chục năm.
Học sinh trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng trong giờ học. Ảnh: Quý Trung
Học sinh trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng trong giờ học.            Ảnh: Quý Trung
Đơn cử như trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) – một trong những trường “hot” ở Hà Nội đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa khu vệ sinh. Trao đổi về yêu cầu đối với công trình này, bà Nguyễn Thị Xuân Mai – Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận, sĩ số cả 5 khối lớp tới hơn 3.250 HS thì vấn đề bảo đảm vệ sinh không phải là chuyện nhỏ. Trường rất chú trọng vấn đề này, đã hợp đồng với một công ty vệ sinh, hàng ngày lau chùi, tẩy rửa. Bên cạnh đó cũng quan tâm giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh cho HS, nhất là với khối lớp 1 mới bỡ ngỡ vào trường. Thậm chí giáo viên còn có nhiệm vụ hướng dẫn HS tỉ mỉ cách đi vệ sinh, rửa tay... trong giờ sinh hoạt lớp. Tuy nhiên, bà Mai khẳng định, không chỉ Tiểu học Kim Liên mà hầu hết các trường đều chưa đáp ứng được tiêu chí. Ngay cả những trường đã đầu tư, xây mới và sửa chữa khu vệ sinh cũ, thì thực tế vẫn kém xa so với tiêu chí đặt ra.

Để khu vệ sinh không còn là ám ảnh

Đem câu hỏi về vệ sinh trường học tới nhà quản lý khi năm học mới cận kề, ông Nguyễn Thế Sơn - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GD&ĐT lý giải: Từ giai đoạn 2008 - 2010, Hà Nội đã triển khai chương trình vệ sinh nước sạch trong trường học, dẫu vậy vẫn còn những nơi khu vệ sinh xuống cấp nghiêm trọng. Điều này cho thấy rõ là việc hỗ trợ, đầu tư của TP mới chỉ giải quyết một phần, còn lại các quận, huyện, nhất là ở mỗi nhà trường phải quản lý sâu sát, giữ gìn tài sản công.

Theo chủ trương của TP về việc cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh trong trường học năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT Hà Nội thống kê từ 30 quận, huyện thấy có hơn 2.600 nhà vệ sinh cần sửa chữa, dự tính trung bình mỗi nhà vệ sinh cần đầu tư khoảng 100 triệu đồng. Sở GD&ĐT đã báo cáo UBND TP dự trù kinh phí khoảng 400 tỷ đồng để triển khai trong giai đoạn từ năm 2016 - 2018. Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định: “TP có đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho khu vệ sinh trường học chỉ khắc phục tình trạng xuống cấp, hỏng hóc, nhưng sẽ không thể duy trì lâu dài nếu nhà trường không đề cao vai trò quản lý, không có biện pháp giáo dục HS gìn giữ sử dụng thiết bị trường học”.

Ở góc độ của người trực tiếp quản lý trường, TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cũng thừa nhận: Nhà vệ sinh trong trường học không thể coi là “công trình phụ”, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sống của HS. Do đó, các nhà trường cần chú trọng hơn đến việc giáo dục ý thức sử dụng công trình công cộng của trường học cho HS. Bên cạnh đó, việc bố trí cho HS lao động, dọn dẹp trường lớp, khu vệ sinh theo lịch hoặc áp dụng hình thức phạt lao động với HS vi phạm kỷ luật nhiều lần cũng nên làm nhằm giáo dục ý thức kỷ luật và vệ sinh cho HS.

Rõ ràng, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của TP thì trách nhiệm của quản lý nhà trường và việc tăng cường giáo dục kỹ năng, ý thức cho HS là vô cùng quan trọng trong việc xóa nỗi ám ảnh về nhà vệ sinh trong HS và phụ huynh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần