Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Về thủ phủ rau gia vị lớn nhất huyện Mê Linh

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng chục năm qua, trồng rau gia vị đã trở thành một nghề gắn bó mật thiết, mang lại thu nhập cho đại bộ phận người dân thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh).

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh là một trong những nông hộ trồng nhiều rau gia vị nhất ở thôn Bạch Trữ. Hiện, gia đình chị canh tác 4 sào các loại rau gia vị, chủ yếu là tía tô, kinh giới, mùi tầu, húng chó, húng đỏ… Đây là những diện tích canh tác lúa trước đây được chị Thanh chuyển đổi để nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp.

“Mỗi năm chúng tôi có thể thu hoạch được từ 6 - 10 lứa rau gia vị. Doanh thu còn phụ thuộc giá cả thị trường, nhưng giá trị mang lại cao gấp 5 - 6 lần so với canh tác lúa truyền thống…” - chị Thanh cho hay.

Canh tác rau gia vị mang lại thu nhập khá cho người dân thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh). Ảnh: Lâm Nguyễn.
Canh tác rau gia vị mang lại thu nhập khá cho người dân thôn Bạch Trữ (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh). Ảnh: Lâm Nguyễn.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ Nguyễn Công Đinh cho biết, toàn xã hiện có khoảng 75ha đất nông nghiệp trồng rau gia vị. Đáng chú ý khi nghề trồng rau gia vị nơi đây đang thu hút sự tham gia của đại bộ phận hộ dân trong thôn (khoảng 1.300 hộ), với các quy mô khác nhau.

Theo ông Đinh, bà con nông dân ở thôn Bạch Trữ hiện vẫn tiêu thụ rau gia vị thông qua các thương lái. Giá cả có biến động nhưng rau gia vị nhìn chung có nhiều thời điểm giá rất cao. Nhất là vào tháng 6, 7 - thời điểm trái vụ - giá rau gia vị có thể lên tới ngưỡng 50.000 - 60.000 đồng/kg.

“Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ rất quan tâm đến việc sử dụng phân bón hữu cơ thay thế các hoạt chất có nguồn gốc hoá học trong sản xuất. Bảo đảm thời gian cách ly an toàn với các yếu tố đầu vào hoá học đến khi thu hoạch không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…” - ông Đinh cho hay.

Hiện nay, nghề trồng rau gia vị đã được mở rộng ra địa bàn các thôn lân cận trên địa bàn xã Tiến Thắng. Chị Nguyễn Thị Hoa, một nông dân thôn Kim Giao, cho biết 2 năm qua gia đình dành 1 sào đất lúa để trồng rau gia vị. Việc chăm sóc rau gia vị không quá khó, và dù vẫn phải tự mang ra chợ bán nhưng đây vẫn là nguồn thu ổn định cho gia đình chị.

Để đưa rau gia vị tiến tới trở thành một đặc sản, UBND huyện Mê Linh đã hướng dẫn bà con nông dân xã Tiến Thắng chuẩn hoá sản xuất theo hướng an toàn. Đồng thời, hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ thực hiện đóng bao gói, hoàn thiện bao bì, nhãn mác các sản phẩm rau gia vị để đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện tích…

Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, vừa qua, một số sản phẩm rau gia vị của xã Tiến Thắng đã được Hội đồng TP Hà Nội đánh giá, phân hạng, cấp 3 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là tiền đề quan trọng để rau gia vị của bà con nông dân địa phương tiếp cận sâu rộng hệ thống phân phối, bán lẻ và đến được với đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và cả nước.