Hát đúm Thủy Nguyên tập trung chủ yếu tại tổng Phục Lễ cũ, nay là các xã Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, Tam Hưng. Loại hình này ra đời từ quá trình lao động, sản xuất, thể hiện bản sắc văn hóa địa phương, gắn bó với đời sống tinh thần của cư dân vùng đất này qua nhiều thế hệ.
Hát đúm hình thành từ môi trường lao động và dần trở thành dân ca trong lễ hội. Ở vùng tổng Phục, hát Đúm gắn với những sắc thái văn hóa độc đáo của cư dân ven biển. Trong xã hội xưa, tục lệ bịt khăn che mặt của phụ nữ là một nét đặc trưng gắn liền với hát Đúm. Ở tổng Phục, đặc biệt tại các xã Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, các cô gái thường đội khăn mỏ quạ và che mặt.
Hàng năm, phụ nữ ở đây chỉ tháo khăn che mặt một lần trong ngày hội hát Đúm đầu xuân, diễn ra vào mùng 5 tháng Giêng. Khi bắt đầu hát, họ vẫn giữ khăn che mặt, thường đi theo nhóm 5-6 người. Trong các cuộc hát đối đáp với bên nam, nếu cô gái nào phải lòng chàng trai, cô ấy sẽ mở khăn che mặt. Điều này tạo nên sức hút đặc biệt, làm hội xuân thêm phần hấp dẫn.
Trong xã hội xưa, nếu hát đúm hấp dẫn và lôi cuốn mọi người bởi những câu hát tình tứ, thơ mộng thì tục bịt khăn che mặt của phụ nữ lại tạo ra sự tò mò, cuốn hút khách thập phương. Khi các cô gái mở mặt để hát đối đáp với các chàng trai, mọi người không khỏi trầm trồ, thán phục trước vẻ đẹp của họ.
Ngày nay, hội hát đúm ở Thủy Nguyên vẫn được duy trì với niềm đam mê không chỉ của các nghệ nhân mà còn cả ở những thế hệ kế cận. Các xã còn thành lập CLB hát đúm để giao lưu và thi hát đúm toàn huyện. Hát đúm không cầu kỳ về hình thức, phục trang… mà dễ đi vào lòng người từ hình thức hát đối đáp. Tuy nhiên đây là một hình thức diễn xướng dân gian gắn liền với lễ hội cho nên vẫn phải tuân thủ các quy tắc, thể lệ từ xưa truyền lại.
Tại Thuỷ Nguyên, hát đúm vẫn được duy trì vào thứ 6 hàng tuần, các nghệ nhân sẽ hát phục vụ người dân. Hiện, hát đúm ở Thủy Nguyên đã có đôi nét thay đổi so với thời xưa. Trong công tác bảo tồn gặp không ít khó khăn, nhất là công tác truyền dạy cho các lớp kế cận. Không gian nghệ thuật hát đúm cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi xu hướng và thị hiếu của người nghe, người xem. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của địa phương, hội hát đúm vẫn được duy trì tổ chức, thể hiện sức sống bền lâu của loại hình di sản độc đáo này. Để tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị to lớn của hát đúm, cần đến sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt là cư dân vùng có di sản.
Hát đúm đã được cộng đồng sở tại thực hiện theo quy định, thể lệ chặt chẽ, cụ thể, như: nhóm hát phải đồng giới (nhóm nam hay nhóm nữ) và xấp xỉ cùng lứa tuổi; trai gái trong nhóm không cùng họ hàng, huyết thống; người đã lập gia đình sẽ hát với nhau, không được ghen tuông. Khi hát đúm ở hội chùa, người ta phải tạo ra các đúm tức là các đám người tham gia, bắt đầu từ hát mời nhau tham gia hát hội và tạo thành vòng tròn vây quanh.
Ca từ hát đúm Thuỷ Nguyên thường là thể thơ lục bát và song thất lục bát, được “xướng” lên chủ yếu theo lối ngắt nhịp đều (2/2) và thể song thất lục bát có lối ngắt nhịp không đều (1/2/2) từ đó hình thành hai dạng nhịp điệu âm nhạc cơ bản. Bên cạnh những lời ca cổ còn xuất hiện các lời các mới được ứng tác làm cho bài bản luôn mới mẻ, phản ánh đời sống đương đại.
Hát đúm Thủy Nguyên đáp ứng nhu cầu giải trí và cầu ước một cuộc sống no đủ, hạnh phúc; góp phần định hình bản sắc văn hoá cộng đồng, làm giàu thêm tình yêu quê hương, đất nước... giúp người nghe hiểu được về lịch sử vẻ vang của dân tộc, về nét đẹp văn hoá, phong tục tập quán vùng đất.
Dù thời gian có thay đổi, huyện Thuỷ Nguyên có lên thành phố trong thời gian tới thì những giá trị về văn hoá, nét đẹp truyền thống của hát đúm vẫn được duy trì và bảo tồn phát triển bền vững với con người nơi đây.
Với giá trị tiêu biểu, hát đúm Thủy Nguyên được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL ngày 4/9/2018.