Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

VEC phục vụ 46,3 triệu lượt phương tiện, thu 4 nghìn tỷ đồng trong năm 2019

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - VEC đánh giá, lượng phương tiện lưu thông qua các tuyến cao tốc liên tục tăng trưởng qua các năm.

 
Ngày 9/1/2020, Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) thông tin về công tác khai thác vận hành các tuyến đường cao tốc do đơn vị đầu tư, quản lý năm 2019.
Theo đó, trong năm qua đã có 46,3 triệu lượt phương tiện lưu thông qua 490km đường cao tốc VEC quản lý, tăng 13,5% về lượng và 14,8% về doanh thu so với năm 2018.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, sau khi thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến, đã có sự tăng trưởng rõ rệt về lượng phương tiện thông qua, thể hiện qua số liệu về lượng phương tiện sử dụng tuyến trong năm 2019 tăng gấp đôi so với năm 2018.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây luôn có mật độ phương tiện qua lại đông đúc nhất trong các tuyến giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. Nếu như năm 2015 (thời điểm tuyến mới đưa vào khai thác) tuyến chỉ phục vụ 10 triệu lượt phương tiện, thì năm 2019 lượng phương tiện đã tăng thêm 65%.
VEC đánh giá, lượng phương tiện lưu thông qua các tuyến cao tốc liên tục tăng trưởng qua các năm. Tuy nhiên, mật độ phương tiện trên tuyến phân bố không đồng đều mà tập trung chủ yếu trên các đoạn hướng tâm về thành phố. Như, đối với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, lượng phương tiện quy đổi trung bình 1 ngày đêm lưu thông trên đoạn từ Trạm thu phí Long Phước - QL51 và ngược lại là trên 52.000 CPU/ngày đêm; trong khi đó, tại đoạn QL51 - Dầu Giây, lượng phương tiện chỉ đạt 14.500 CPU/ngày đêm. Một chênh lệch trên dẫn đến thường xuyên xảy ra ùn ứ cục bộ tại 20km đầu tuyến cao tốc.
Hiện tượng chênh lệch về lưu lượng giữa các đoạn đầu tuyến cao tốc so với các đoạn cuối tuyến cũng xảy ra với tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (lượng phương tiện tập trung chủ yếu đoạn Đại Xuyên - Liêm Tuyền), Nội Bài - Lào Cai (lượng phương tiện tập trung chủ yếu đoạn Km6 - nút giao IC6) và Đà Nẵng - Quảng Ngãi (lượng phương tiện tập trung chủ yếu đoạn Túy Loan - Tam Kỳ). Điều này dẫn tới những khó khăn nhất định cho các đơn vị quản lý đường cao tốc.
 
Về công tác quản lý, vận hành khai thác, đã có trên 2 triệu lượt phương tiện được kiểm soát tải trọng trong năm 2019, qua đó phát hiện gần 62 nghìn lượt phương tiện quá tải. VEC từ chối phục vụ 58 nghìn phương tiện, tương đương cùng kỳ năm trước.
Đối với các vụ tai nạn, sự cố giao thông xảy ra trên đường cao tốc VEC quản lý trong năm 2019, đơn vị này nhận định, nguyên nhân chính thuộc về lỗi chủ quan của người tham gia giao thông (do lái xe buồn ngủ, không làm chủ được tốc độ; phương tiện mất lái, phương tiện bị nổ lốp dẫn đến lật xe; phương tiện khi lưu thông không giữ khoảng cách an toàn; người đi bộ băng qua đường cao tốc va phải phương tiện bị thiệt mạng...).
Tuy nhiên, tình trạng phương tiện dừng đỗ, đi ngược chiều trên đường cao tốc; phương tiện vượt trạm trốn phí, gây rối làm mất trật tự và ùn tắc tại trạm thu phí, hành hung nhân viên làm nhiệm vụ trên đường cao tốc… trong năm 2019 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Cụ thể, riêng trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong năm qua đã xảy ra gần 3.000 trường hợp phương tiện dừng đỗ trái phép và đón trả khách trên đường cao tốc, 360 trường hợp phương tiện vượt trạm trốn phí (đầu ra), 300 trường hợp phương tiện vượt trạm đầu vào, 1 vụ hành hung nhân viên thu phí. Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, số vụ vượt trạm trốn phí lên tới 740; 1 vụ hành hung nhân viên đường cao tốc và 1.470 trường hợp xe dừng đỗ đón trả khách và dừng đỗ sai quy định. Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng xảy ra 5 vụ vượt trạm trốn phí trong năm 2019.
Các hành vi vi phạm nêu trên trong năm 2019 tăng cao, VEC lý giải là do không được áp dụng quy định nội bộ (Quyết định 13/QĐ-VEC-HĐTV, ngày 10/01/2019) để xử lý các phương tiện vi phạm và đối tượng vi phạm. Trong khi đó, lực lượng chính quy trên tuyến của đơn vị quân số ít, không đủ lực lượng để giải quyết toàn bộ các phương tiện vi phạm, dẫn đến người vi phạm "nhờn" luật, tái phạm.