Vẹn nguyên ký ức người con Vĩnh Linh 3 lần vinh dự gặp Bác Hồ

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hai tay tôi đón lấy Bằng khen của Bác mà cả tôi và Oanh đều rưng rưng nước mắt. Rồi hai đứa hứa với nhau hãy mãi lưu giữ muôn đời cho con cháu về sau…” -ông Đinh Ngọc Thỉ nhớ lại.

Măng non Duy Viên và Bằng khen của Bác

Phóng viên gặp ông Đinh Ngọc Thỉ trong căn nhà yên bình ở TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị). Ở tuổi 77, ông vẫn minh mẫn và ký ức những lần gặp Bác còn vẹn nguyên như mới hôm qua. Ông xúc động kể về thành tích của thiếu niên Duy Viên những năm 1958 - 1966, và việc ông vinh dự được thay mặt cho các đội viên Hợp tác xã Măng non Duy Viên ra Hà Nội dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 (12/1966).

Những năm tháng đó, dù tuổi còn nhỏ nhưng gần 130 đội viên thiếu niên, nhi đồng làng Duy Viên (xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), với mô hình Hợp tác xã Măng non Duy Viên do ông làm Chủ nhiệm đã đóng góp công sức nhỏ bé của mình bằng những việc làm thiết thực.

Từ tích cực học tập, rèn theo theo 5 điều Bác Hồ dạy, tham gia sản xuất, giúp đỡ bộ đội, khai hoang trồng lúa, trồng khoai, chăm sóc trâu bò, thu nhặt, tiêu hủy truyền đơn của địch… Với mô hình đó, đã tạo nên những thành tích xuất sắc của thiếu nhi Duy Viên trong phong trào hoạt động Đội Thiếu niên Tiền phong miền Bắc 1959 - 1966.

“Ở tận Thủ đô nhưng Người vẫn luôn theo dõi sát sao tin tức về thành tích của quân và dân nơi “đất lửa” Vĩnh Linh. Ghi nhận những kết quả của thiếu nhi Duy Viên, ngày 10/5/1966, với bút tích “Bác Hồ”, Người đã gửi tặng Bằng khen cho Hợp tác xã Măng non Duy Viên. Nhận được tin này, cả làng từ trẻ đến già rộn rã vui mừng, tiếng trống kèn vang rền” - ông Thỉ vinh dự kể lại năm tháng đó.

Bằng khen của Bác Hồ tặng thiếu niên và nhi đồng thôn Duy Viên, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh vẫn được gìn giữ nguyên vẹn như tấm lòng của người dân nơi đây với Bác kính yêu.
Bằng khen của Bác Hồ tặng thiếu niên và nhi đồng thôn Duy Viên, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh vẫn được gìn giữ nguyên vẹn như tấm lòng của người dân nơi đây với Bác kính yêu.

Đến giờ, ông vẫn nhớ như in những lời Bác ghi đậm nét trên tấm Bằng khen: “Các cháu thiếu niên, nhi đồng thôn Duy Viên, xã Vĩnh Lâm đã có thành tích trong học tập, lao động, xây dựng Đội Thiếu niên Tiền Phong và Đội Nhi đồng Tháng Tám đã làm được nhiều việc thiết thực, đã cố gắng góp phần vào công việc sản xuất và chiến đấu. Bác khuyên các cháu cố gắng hơn nữa để đạt nhiều thành tích hơn nữa”.

Bằng khen của Bác được trân trọng trưng bày ở nhà truyền thống thôn Duy Viên, để mọi người được ngắm nhìn nét chữ thân thương của Người và trở thành động lực cho Nhân dân, thiếu nhi địa phương trong học tập, lao động và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Thỉ nhớ lại, khi đế quốc Mỹ ném bom, bắn phá dữ dội, Bằng khen của Bác được ông Lê Đức Oanh, lúc đó là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Măng non gìn giữ. Trước khi ông Oanh lên đường nhập ngũ đã giao lại cho bố của mình cất giữ. Cha của ông Oanh đã cẩn thận cuộn tròn tấm Bằng khen của Bác cất vào ống tre rồi bao bọc kỹ càng chôn dưới hầm. Nhờ đó, Bằng khen của Bác Hồ vẫn được gìn giữ nguyên vẹn đến ngày nay.

“Sau nhiều năm tháng, lúc gặp lại Oanh, Oanh lặng lẽ vào nhà lấy ra một ống tre. Bất ngờ bạn rút trong ống tre ra Bằng khen của Bác. Hai tay tôi đón lấy Bằng khen của Bác mà cả tôi và Oanh đều rưng rưng nước mắt. Rồi hai đứa hứa với nhau hãy mãi lưu giữ muôn đời cho con cháu về sau” - ông Thỉ bùi ngùi kể.

3 lần vinh dự gặp Bác Hồ

Đến tháng 12/1966, chàng thiếu niên Đinh Ngọc Thỉ vinh dự thay mặt cho các đội viên Măng non Duy Viên dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4. Trong những ngày đó, ký ức 3 lần được gặp Bác vẫn vẹn nguyên như mới hôm nào trong ông.

Ông kể lại, ngày đầu khai mạc, tiếng vỗ tay vang dội cả Hội trường Ba Đình khi Bác Hồ bước vào, Bác giơ tay chào mọi người, cất giọng ấm áp: “Bác chúc các cô, các chú, các cháu mạnh khỏe. Các cô, các chú, các cháu ngồi xuống nghe bác nói…”. Đến giờ giải lao, cả hội trường ùa ra tiền sảnh hội trường để được chụp ảnh với Bác. Ông cùng 5 bạn nhỏ thiếu niên khác được đứng trước cạnh Bác và tấm hình đó vẫn được ông treo trang trọng trong nhà, gìn giữ như một kỷ vật vô giá.

Tấm ảnh ông Đinh Ngọc Thỉ (ngoài cùng bên trái) và các thiếu niên chụp ảnh cùng Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Bao năm qua, ông gìn giữ bức ảnh quý giá này nơi trang trọng của gia đình.
Tấm ảnh ông Đinh Ngọc Thỉ (ngoài cùng bên trái) và các thiếu niên chụp ảnh cùng Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Bao năm qua, ông gìn giữ bức ảnh quý giá này nơi trang trọng của gia đình.

5 giờ chiều cùng ngày, ông cùng những bạn thiếu niên khác được Trung ương Đoàn cho xe đón về Phủ Chủ tịch gặp Bác. “Khi xe vừa dừng, Bác đã ra ôm chầm, hôn chúng tôi, rồi Bác giang rộng vòng tay ôm cả 5 chúng tôi vào lòng. Hơi ấm của Bác tỏa khắp người chúng tôi”, đôi mắt ông Thỉ rưng rưng hồi tưởng.

Khi Bác biết chàng thiếu niên ở “đất lửa” Vĩnh Linh ra dự Đại hội, Bác ân cần căn dặn: “Sống trong hầm hào chịu nhiều đau khổ với bom đạn giặc Mỹ, các cháu Vĩnh Linh phải cố gắng nhiều, học thật giỏi để mai sau thay các chú, các bác xây dựng lại quê hương to đẹp hơn, đàng hoàng hơn…”.

“Lời Bác như rót vào tim, tôi chỉ nói được một lời: “Dạ thưa Bác, cháu hứa ạ!”. Lên xe ra về, Bác còn tặng chúng tôi mỗi bạn mỗi gói quà, gồm: Khăn quàng đỏ và bánh kẹo. Bác dặn: Đây là quà Bác gửi về cho các cháu thiếu nhi ở nhà”. Riêng tôi, được Bác tặng một huy hiệu của Người” - ông Thỉ nói tiếp.

Lần thứ 3, ông cùng với đoàn Vĩnh Linh sau ngày thứ 2 Đại hội được đến thăm Bác và dùng bữa cơm đạm bạc cùng Người.

Sau Đại hội, trên đường trở về quê nhà, chàng thiếu niên Đinh Ngọc Thỉ vẫn ôm chặt gói quà khư khư trên tay. Khi trời tờ mờ sáng, nghe tin được nhận quà của Bác, mọi người đã đến đầy đủ. Mang chiếc khăn quàng đỏ Bác tặng trên vai, chàng thiếu niên Đinh Ngọc Thỉ đi một vòng tròn phát quà của Bác cho các bạn bè, các em thiếu nhi.

Cả hội trường kín người lúc đó ai cũng rưng rưng khi nghe ông kể lại lời Bác dặn: “Bác biết các cháu Vĩnh Linh khổ nhiều nên các cháu hãy cố gắng thực hiện lời khuyên của Bác mà Bác đã ghi trên tấm bằng của Bác chuyển đến các cháu. Bác chưa vào đến chỗ các cháu được, các cháu hãy coi những lời khuyên đó là lời nói trực tiếp của Bác với các cháu”.

Ông Đinh Ngọc Thỉ cùng vợ ôn lại kỷ niệm, ký ức về những lần được gặp Bác Hồ và đón nhận Bằng khen của Bác.
Ông Đinh Ngọc Thỉ cùng vợ ôn lại kỷ niệm, ký ức về những lần được gặp Bác Hồ và đón nhận Bằng khen của Bác.

“Khi tôi vừa dứt lời , tất cả anh chị phụ trách và các bạn đều đứng dậy vỗ tay và hô to: “Chúng cháu xin hứa, xin hứa, xin hứa! Và chúng tôi đã thực hiện lời dặn của Người cố gắng học tập, chiến đấu và bao thiếu niên Măng non Duy Viên đã trở về xây dựng lại quê hương từ những đống tro tàn, đổ nát sau những năm tháng chiến tranh”, ông Thỉ bồi hồi.

Trải qua nửa thế kỷ, chiếc khăn quàng đỏ ông luôn gìn giữ bên mình vẹn nguyên. Đến năm 2018, cùng với Bằng khen của Bác, chiếc khăn quàng đỏ đã được ông cùng các thiếu niên Măng non Duy Viên thuở nào trao tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Nhìn tấm ảnh của mình được chụp với Bác, ông Thỉ xúc động: “Những ký ức về Bác và cái ôm nồng ấm của Người vẫn vẹn nguyên với tôi như mới hôm qua. Giờ này, chúng tôi đã giữ được lời hứa gìn giữ những kỷ vật của Bác Hồ với quê hương chúng tôi ở một nơi trang trọng tại Bảo tàng để con cháu, thế hệ mai sau hiểu thêm những về cuộc đời của Bác và trân trọng hơn những giá trị nhân văn, cao đẹp mà Bác Hồ kính yêu đã để lại cho chúng ta ngày hôm nay”.