Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vì đâu nên nỗi?

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học mới cận kề cũng là lúc nhiều phụ huynh có con học đầu cấp tất tả để mua đủ một bộ sách giáo khoa (SGK) cho con. Dường như, chưa năm nào việc mua đủ SGK đầu cấp lại vất vả như vậy.

 Ảnh: Phạm Hùng.
Theo công bố của NXB Giáo dục Việt Nam, đơn vị này đã in, phát hành trên 100 triệu bản SGK, đạt 102% kế hoạch. Thế nhưng, từ các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến các địa phương đều xảy ra tình trạng thiếu SGK.
Khan hiếm SGK trước thềm năm học mới đã tạo điều kiện cho các “cò mồi” tung hoành “chặt chém”, còn các shop online lại in lậu bán ra thị trường với giá thành chỉ bằng một nửa so với sách chính thống. Thị trường SGK đầu cấp trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết. Trước tình trạng này, liên tục trong những ngày qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cùng Bộ GD&ĐT đã đăng đàn giải trình nguyên nhân cũng như khẳng định, sẽ khắc phục ngay lập tức. Nhưng thực tế, trong ngày hôm qua, tại hệ thống phát hành sách chính thống ở Hà Nội, sách đầu cấp lớp 1, lớp 6, lớp 10 vẫn khan hiếm. Nhiều phụ huynh không thể kiên nhẫn chờ đợi đã phải tặc lưỡi mua sách qua “cò”.

Dù đã được các cơ quan liên quan giải thích nguyên nhân, nhưng nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, dù thế nào thì việc để phụ huynh “bấn loạn” vì không mua đủ sách cho con là điều rất phản cảm và đáng lo ngại. Không thể đổ lỗi việc thiếu sách là do năm nay số lượng học sinh tăng đột biến. Công tác dự báo, thống kê, quản lý của ngành giáo dục, đặc biệt là phía Nhà xuất bản Giáo dục hoặc là có vấn đề, hoặc không quan tâm đến người học mà chỉ chú ý đến mục đích kinh doanh, chạy theo lợi nhuận. Thậm chí, có chuyên gia còn cho rằng, việc giải thích do sắp thay sách nên sợ tồn kho thể hiện việc tính toán thiệt hơn, trong khi nhiệm vụ chính cần coi trọng là đảm bảo đủ sách cho người học.

Qua câu chuyện thiếu SGK mấy ngày qua, nhiều ý kiến bày tỏ thất vọng trước việc tái sử dụng các SGK cũ chưa có kênh tiếp nhận một cách bài bản nên vẫn vô cùng lãng phí khi năm nào phụ huynh cũng phải mua SGK mới. Chưa kể, những quyển sách bài tập sau khi dùng chỉ có thể bỏ đi, học sinh lớp dưới không dùng lại được. Có ý kiến đề xuất, các địa phương nên có chương trình gây dựng phong trào tiết kiệm, nhà trường, giáo viên cần khuyến khích học sinh giữ gìn SGK khi học để có thể tái sử dụng.

Việc thiếu SGK thời gian qua càng khiến dư luận mong muốn sớm xóa bỏ thế độc quyền biên soạn và phát hành sách. Đây có lẽ là kế hoạch dài hơi mà ngành chức năng cần sớm nghiên cứu áp dụng để thị trường thiết bị giáo dục có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tác giả, các nhà xuất bản, vì sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.