70 năm giải phóng Thủ đô

Vì đâu phương Tây bị chê trách về tình hình Sudan?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quốc gia phương Tây đã tham gia rất nhiều vào quá trình cải cách ở Sudan. Trước tình hình bạo lực leo thang tại quốc gia châu Phi lúc này, một câu hỏi được đặt ra là liệu Mỹ và các đồng minh có phải đã phạm sai lầm?

Đặt niềm tin sai chỗ

Sudan hiện đang chứng kiến các cuộc giao tranh dữ dội và hàng trăm người chết, khiến hàng nghìn người đã phải tháo chạy khỏi đất nước. Bắt đầu từ hôm 15/4, đây là kết quả của cuộc đối đầu giữa hai lực lượng quân sự hùng mạnh nhất đất nước: tướng Abdel Fattah al-Burhan, là Tổng thống Sudan kể từ tháng 10/2021 và tướng Mohamed Hamdan Dagalo, hay thường được biết đến với cái tên Hemeti, hiện là Phó Tổng thống Sudan và chỉ huy của Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF).

Lính Pháp hỗ trợ sơ tán công dân khỏi Sudan. Ảnh: Bộ Quốc phòng Pháp
Lính Pháp hỗ trợ sơ tán công dân khỏi Sudan. Ảnh: Bộ Quốc phòng Pháp

Hai tướng lĩnh này đứng đầu các phe phái khác nhau trong lực lượng an ninh của Sudan sau khi Tổng thống lâu năm Omar al-Bashir bị lật đổ vào tháng 4/2019 và nhận được sự tài trợ từ các lực lượng đối địch bên ngoài.

Trong khi Al-Burhan có kết nối lợi ích với chính quyền Tổng thống Sisi của Ai Cập, Hemeti tỏ ra thân cận hơn với Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nhưng cả hai được cho đều có quan hệ chặt chẽ với Nga.

Sudan cũng đã phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ trong nhiều thập kỷ. Chính việc rút khoản tiền của Washington sau cuộc đảo chính quân sự vào năm 2021 đã dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế châu Phi này.

Marina Peter, người sáng lập - đứng đầu Diễn đàn Sudan và Nam Sudan thừa nhận, các quốc gia phương Tây dường như đã phạm sai lầm sau năm 2019, tức là năm nhà lãnh đạo al-Bashir bị phế truất.

Chuyên gia Sudan gốc Đức nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ DW: “Sai lầm nghiêm trọng nhất là việc không cho phép phần lớn người dân tham gia vào các cuộc thảo luận và đàm phán… Các nhà hoạt động Sudan và chuyên gia nước ngoài đã nhiều lần cảnh báo rằng quân đội, đặc biệt là tướng Hemetti, không thể tin tưởng được, việc dựa vào họ sẽ khiến cho một giải pháp lâu dài trở nên bất khả thi”.

Ahmed Esam, từ tổ chức Sudan Uprising Germany, cũng không muốn quy trách nhiệm hoàn toàn cho các quốc gia phương Tây về bất ổn ở Sudan nhưng nhà hoạt động ủng hộ dân chủ này tin rằng họ đã phạm những sai lầm nghiêm trọng: “Việc họ không thừa nhận hệ tư tưởng đằng sau cuộc biểu tình trên đường phố hoặc ủng hộ các yêu cầu cải cách trực tiếp là một vấn đề. Các ủy ban kháng chiến đã bị phớt lờ, thay vào đó, các quốc gia phía Tây đã dựa quá nhiều vào thế lực cũ”.

Nhà báo Abdel Aziz của tờ Middle East Eye thì cho rằng, các nước phương Tây có thể đã quá vội vàng khi tin tưởng cả hai người đàn ông quyền lực hiện đang chiến đấu để giành quyền kiểm soát Sudan.

Cây bút lập luận: “Cả hai đều cố gắng bảo đảm quyền lực bằng các tuyên bố, nhằm chứng tỏ họ đang hành động vì nền dân chủ và với ý định chuyển đổi sang một chính phủ dân sự hoàn toàn”.

Tuy nhiên, chính Abdel Fattah al-Burhan và Hemetti đã là những người lật đổ chính quyền dân sự vào năm 2021, khi họ thực hiện cuộc đảo chính chống lại cựu Thủ tướng Sudan Abdallah Hamdok.

Có thể hiểu là kể từ thời điểm đó, al-Burhan và Hemetti đã có những toan tính khác bên cạnh việc kết thúc quá trình cải cách đang có chiều hướng thuận lợi lúc bấy giờ. Adbel Aziz giải thích rằng cả hai tướng lĩnh đều có một ưu tiên là bảo đảm quyền lực cá nhân của họ. “Đó cũng là lý do tại sao cả hai đều đã vun đắp mối quan hệ chặt chẽ với Moscow” - cây bút của Middle East Eye viết.

Các chuyên gia hầu hết đồng tình rằng ảnh hưởng của Nga ở Sudan đã tăng lên rất nhiều và có thể sẽ còn tiếp tục nhưng lưu ý điều Moscow chủ yếu quan tâm là đạt được ảnh hưởng kinh tế, thay vì can thiệp vào một nền chính trị non trẻ.

Đây cũng là một lý do khác khiến các chính trị gia phương Tây được cho đã phải cẩn trọng cân nhắc việc gây áp lực chính trị lên quân đội Sudan, khi mà các đối thủ quốc tế khác đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với họ.

Thế tiến thoái lưỡng nan

Nhà hoạt động Hamid Khalafalla đăng tải trên Twitter cá nhân rằng, tiếng bom đạn vẫn rền vang ở Sudan, mặc cho đã có lệnh ngừng bắn trong 72 giờ mà Mỹ và Ả Rập Saudi môi giới, đồng thời bày tỏ nghi vấn: tại sao tin rằng các tướng lĩnh Sudan sẽ phải tuân thủ lệnh ngừng bắn, khi mà phương Tây đã “nhắm mắt cho qua” cuộc đảo chính quân sự 18 tháng trước?

Bà Marina từ Diễn đàn Sudan và Nam Sudan tin rằng, Mỹ và đồng minh châu Âu nên đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh đảo chính ở Sudan sớm hơn.

Các nước phương Tây đã tính đến việc gia tăng áp lực lên Sudan bằng cách đóng băng viện trợ phát triển cho nước này trong một thời gian dài “nhưng sau đó tiền lại chảy vào từ các quốc gia khác, vì vậy những nỗ lực đó đã không thành công” - Marina giải thích.

Tạp chí Foreign Policy cũng chỉ trích cách tiếp cận của phương Tây đối với Sudan trong những năm gần đây. Bài phân tích của tờ báo nổi tiếng này chỉ ra việc Mỹ khăng khăng gọi quá trình chuyển đổi ở Sudan là “do dân sự lãnh đạo”, cho rằng đó là một mô tả gây hiểu lầm vì quá trình chuyển đổi “không hề dân chủ”.

Ngoài ra, nhà hoạt động Ahmed Esam nói rằng các nước phương Tây vốn thích sự phân chia quyền lực giữa dân thường và quân đội ở Sudan. “Các nước phương Tây coi quân đội Sudan là một đơn vị riêng biệt chứ không phải là một tổ chức hợp pháp từ xã hội. Họ có xu hướng coi quân đội là một đảng chính trị và đó là một sai lầm” - ông nêu quan điểm.

Nhìn chung, các nhà hoạt động Sudan đã và đang kêu gọi con đường phát triển kinh tế hòa bình, xây dựng một khu vực công vững mạnh, phục vụ người dân. Nhưng một con đường như vậy thực tế gặp không ít rào cản, bao gồm cả các chính phủ và những bên có lợi ích trong thế giới DN cũng như tài chính.

Ủy ban Kháng chiến Sudan cho biết, đã có trong tay các video và tài liệu cho thấy Tập đoàn Wagner của Nga buôn lậu vàng ở Sudan, cũng như các cảnh quay về những chiếc xe tải của Ai Cập cũng vận chuyển vàng ra ngoài.

Cho đến lúc này, cuộc đấu tranh quyền lực ở Sudan sẽ diễn ra như thế nào vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Thực tế trong những ngày gần đây, nhiều chính phủ phương Tây đã phải đàm phán với các tướng lĩnh đối địch, bởi nếu không có sự chấp thuận của họ, các quốc gia sẽ không thể đưa công dân của mình rời khỏi Sudan.

Một đoàn xe ngoại giao của Mỹ được báo cáo đã bị kẹt trong cuộc đọ súng ở Thủ đô Khartoum, hay chính quyền Cairo được cho đang chịu áp lực phải gửi thêm quân vào nước này để giải cứu những người đã bị RSF bắt làm tù binh.

Để thấy, tất cả những sai lầm trước nay đã dẫn đến tình thế tiến thoái lưỡng nan lúc này: các nước phương Tây đã nhầm về một đồng minh quan trọng nhưng do tình hình nghiêm trọng và những lợi ích ràng buộc hiện nay, họ không thể bỏ mặc được nữa.

 

Về cốt lõi, xung đột lúc này ở Sudan vẫn là một cuộc mâu thuẫn nội bộ, thay vì chịu kích động từ bên ngoài. Tình hình này là kết quả của những vấn đề vẫn chưa được giải quyết trong nhiều thập kỷ qua ở Sudan, bao gồm cả những cuộc tranh giành tài nguyên, cũng như các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự khát quyền lực của đất nước.

Người sáng lập - đứng đầu Diễn đàn Sudan và Nam Sudan Marina Peter