Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Vi phạm an toàn cháy nổ: Quản chặt, xử nghiêm

Đạt Lê - Gia Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, các vụ cháy liên tiếp xảy ra, hàng trăm vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Xót xa hơn, có vụ cháy đã cướp đi những sinh mạng của người dân và mới đây 3 chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã hy sinh khi làm nhiệm vụ…

Điều đáng nói, trông công tác PCCC vẫn còn tồn tại nhiều “lỗ hổng”. Vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay, các cơ quan chức năng cần phải mạnh tay để siết chặt công tác đảm bảo an toàn cháy, nổ.

Hiện trường vụ cháy quán karaoke số 231 Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Lê Đạt  
Hiện trường vụ cháy quán karaoke số 231 Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Lê Đạt  

Báo động về cháy nổ

Ngày 1/8 vừa qua, xảy ra cháy quán karaoke số 231 Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), sau khi cứu thoát được 8 người ra ngoài an toàn, 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã hy sinh. Trước đó, tại Hà Nội từng xảy ra các vụ cháy khiến nhiều người thương vong. Điển hình, vụ cháy ngày 21/4/2022 xảy ra tại nhà dân trên phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) làm 5 người chết và 2 người bị thương; Vụ cháy nhà xưởng khiến 8 người chết xảy ra ngày 12/4/2019 ở Trung Văn (quận Nam Từ Liêm); Tháng 7/2017, xưởng sản xuất bánh kẹo nằm ở xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức) hỏa hoạn làm 8 người chết; Đầu tháng 11/2016, cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) khiến 13 người chết;…

Thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) - Công an TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm trên địa bàn Hà Nội xảy ra 206 vụ cháy, 12 người chết, 10 người bị thương. Thiệt hại tài sản ước tính 5,6 tỷ đồng. Loại hình xảy cháy là nhà dân đơn lẻ, nhà kho, xưởng sản xuất, hộ gia đình kết hợp kinh doanh...

 

Hiện nay chỉ có quy định, quy chuẩn về thoát nạn đối với các chung cư, trung tâm thương mại và công trình khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích trên 5.000m3, còn nhà ở đơn lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh vẫn chưa có quy định. Hầu hết công trình nhà ở riêng lẻ chỉ chú trọng tận dụng diện tích công năng sử dụng, chưa tính toán đến vấn đề thoát nạn khi sự cố xảy ra.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng

Về nguyên nhân chủ yếu do sự cố, hệ thống thiết bị điện 134 vụ (chiếm 64,56%); sơ xuất do sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 6 vụ; đốt 4 vụ.. đang điều tra làm rõ 60 vụ. Tình hình cứu hộ, cứu nạn (CNCH), lực lượng chức năng đã tiếp nhận 116 tin báo CNCH. Tham gia tổ chức CNCH 91 vụ và cứu được 44 người, tìm được 26 thi thể…

Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô nhu cầu về nhà ở cho thuê ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an toàn về PCCC cháy đối với loại hình trên lại không được chủ cơ sở và người dân thật sự quan tâm, coi trọng nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đa số nhà trọ, nhà cho thuê để ở nằm trong các ngõ sâu, nhỏ hẹp, cách xa nguồn nước, không bảo đảm các điều kiện về an toàn PCCC & CNCH. Từ lối ra thoát nạn, ngăn cháy lan, bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa đến trang bị phương tiện chữa cháy… đều chưa bảo đảm.

Cũng theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH TP Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có khoảng 70% nhà ở là dạng ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh (quán bar, karaoke, khách sạn…) chỉ có duy nhất một lối để thoát nạn là cửa ra vào… Thực tế, tại hiện trường các vụ cháy thời gian qua đều liên quan đến nhà ở dạng ống, nhỏ hẹp và tận dụng không gian nhà ở, sau đó cơi nới phục vụ sản xuất, kinh doanh và kho chứa.

Còn tại các cơ sở kinh doanh karaoke, bar đa số được chuyển đổi công năng từ nhà ở sang kinh doanh, thiết kế đặc trưng theo kiểu nhà hộp hay dạng nhà ống, không có ban công. Bề mặt tường là vật liệu xốp các cách âm. Bên ngoài thường được quây kín bằng các biển hiệu lớn nên khi xảy ra cháy nổ rất mất thời gian và khó khăn trong công tác CHCN…

Trong khi đó, lối thoát hiểm quan trọng nhất là cửa chính tại tầng 1 thường là nơi để ô tô, xe máy, chất hàng hóa. Tầng trên thường là nơi sinh hoạt, thậm chí nhiều nhà còn tận dụng tầng áp mái, tầng thượng để làm bếp nấu, kho chứa hàng hóa. Để chống trộm, nhiều hộ dân làm "chuồng cọp" hoặc bịt tôn kín mít toàn bộ…

Lực lượng Cảnh sát PCCC giải cứu 4 người trong đám cháy tại số nhà 378 Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tháng 7/2022.
Lực lượng Cảnh sát PCCC giải cứu 4 người trong đám cháy tại số nhà 378 Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tháng 7/2022.

Mạnh tay xử lý

Về công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Cần coi trọng công tác phòng hơn chống, chính vì thế công tác tăng cường kiểm tra, tập huấn cho lực lượng cơ sở được triển khai thường xuyên để phát huy tối đa phương châm 4 tại chỗ. Công an TP đã triển khai nhiều mô hình phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở, đạt hiệu quả tích cực. Trong đó điển hình là mô hình “Nhà tập thể an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”, vận động tháo dỡ lồng sắt kiên cố”...

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH TP chủ động đẩy mạnh triển khai biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện các đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh… để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm.

Vấn đề xử lý vi phạm về PCCC, luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Thông tư 147/2020/TT-BCA đã có quy định cụ thể các điều kiện an toàn về PCCC. Cùng đó, Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP cũng quy định cụ thể các điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở. Đối với cơ sở kinh doanh karaoke, các điều kiện PCCC trên phải được người đứng đầu cơ sở tổ chức thực hiện trước khi đưa vào hoạt động và được duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

Tuy nhiên, thực tế đã có nhiều vụ cháy nổ thương tâm xảy ra. Vì vậy cần xem xét lại sự việc và phát hiện cơ sở không đủ điều kiện về PCCC thì ngoài người đứng đầu cơ sở karaoke là người phải chịu trách nhiệm sẽ còn các cán bộ kiểm tra nếu có những hành vi sai trái.

“Cơ quan điều tra vào cuộc nếu có căn cứ xác định: Chủ cơ sở không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về PCCC để dẫn tới hậu quả làm nhiều người chết, thiệt hại về tài sản thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 313 Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm quy định về PCCC. Căn cứ theo điều luật này, chủ cơ sở có thể bị phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù lên đến 12 năm.

Trong trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân xảy ra vụ cháy là do quá trình thi công, sửa chữa, bộ phận thi công sẽ chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về PCCC”- luật sư Bùi Quang Thu cho biết, đồng thời nhấn mạnh, đối với loại hình hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, những đối tượng đủ điều kiện mới cho hoạt động, không đủ điều kiện cần khắc phục tồn tại thiếu sót. Cơ quan chức năng cần hướng dẫn cụ thể cách khắc phục, yêu cầu tạm thời ngừng hoạt động để sửa chữa, cải tạo, đạt yêu cầu mới tiếp tục cho hoạt động. Còn đối tượng không đủ điều kiện, không khắc phục thì báo cáo với lực lượng chức năng có thẩm quyền rút giấy kinh doanh.

 

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2389/UBND-NC về việc tăng cường công tác PCCC&CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP… Các đơn vị, địa phương để xảy ra cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, Công an TP Hà Nội cần phối hợp Văn phòng UBND TP xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, đề xuất hình thức xử lý trong trường hợp có dấu hiệu buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong quản lý về công tác PCCC&CNCH.

Trường hợp xác định có dấu hiệu của tội phạm thì phải điều tra, xử lý… TP cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu về kiểm tra, tuyên truyền, ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC, nhất là việc vận động để 100% các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn chưa có "lối thoát nạn thứ 2" phải mở "lối thoát nạn thứ 2".