Vi phạm hành chính về đất đai: Tăng chế tài để răn đe

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn. Mức phạt được áp dụng tối đa 500 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỷ đồng đối với tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý đất đai.

Nhiều vi phạm phức tạp
Theo Thông báo kết luận số 1183/2021/TB-TTCP của Thanh tra Chính phủ về một số dự án đầu tư, xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay, chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2003 - 2016, hàng loạt các dự án lớn đã bị công khai do trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tồn tại những thiếu sót, vi phạm như: Tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng sai mục đích...
Dự án chung cư & dịch vụ Star Tower số 283 Khương Trung (Thanh Xuân) là một trong số rất nhiều công trình vi phạm về việc tự ý chuyển đổi, sử dụng đất sai quy định trên địa bàn Hà Nội.
Đơn cử một số dự án, như: Tòa nhà hỗn hợp văn phòng, dịch vụ, thương mại, khách sạn, căn hộ thương mại số 44 Yên Phụ (Ba Đình) do Công ty CP Thoát nước làm chủ đầu tư; Tòa nhà chung cư & dịch vụ Star Tower số 283 Khương Trung (Thanh Xuân) do liên danh Công ty CP Thăng Long Talimex và Công ty CP Thiết kế & Xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư; Dự án nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại tại lô đất 2.6-NO đường Lê Văn Lương (Thanh Xuân), chủ đầu tư là Công ty CP xây dựng số 1 Hà Nội; Dự án chung cư cao tầng, trung tâm thương mại - văn phòng số 250 Minh Khai do Công ty CP May Thăng Long làm chủ đầu tư; hay Dự án trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ để bán, cho thuê số 302 Cầu Giấy, Công ty CP đầu tư thương mại - dịch vụ Cầu Giấy làm chủ đầu tư... cùng nhiều dự án khác.
Đáng chú ý, qua kiểm tra 38 dự án, tại thời điểm thanh tra có 8 dự án còn nợ đọng tiền sử dụng, tiền thuê đất và chậm nộp với tổng số trên 1.951.280 triệu đồng. Trong đó, tiền sử dụng, thuê đất 1.462.354 triệu đồng, còn lại là tiền chậm nộp.
Những hành vi vi phạm này đã gây thất thoát lượng lớn ngân sách Nhà nước, do hầu hết chủ đầu tư đều làm “chui” việc chuyển đổi, sử dụng đất sai mục đích. Đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, “cháy nhà ra mặt chuột” thì một số chủ đầu tư mới chịu hoàn trả tiền cho Nhà nước và bị phạt, nhưng vẫn còn nhiều dự án vẫn cố tình chây ì, bị liệt kê vào danh sách nợ xấu.
Cần phải xử phạt nặng
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn TP. Theo đó, TP Hà Nội sẽ áp dụng mức tiền phạt bằng 2 lần mức phạt căn cứ tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tối đa 500 triệu đồng đối với cá nhân, 1 tỷ đồng đối với tổ chức. Trong đó, hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với các hành vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết được thực hiện theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP.
“Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, đất đai ngày càng tăng giá, đây chính là lý do để người dân và các tổ chức, doanh nghiệp tìm mọi cách “lách luật” hoặc cố ý làm sai quy định về chuyển đổi, sử dụng đất sai quy định nhằm mang lại nhiều hơn lợi ích cá nhân. Việc tăng mức xử phạt hành chính như vậy thể hiện sự quyết liệt của chính quyền TP Hà Nội trong công tác quản lý, sử dụng đất đai ở giai đoạn “nóng” như hiện nay” - luật sư Hoàng Văn Đạo, Văn phòng luật 24/7 nhìn nhận.
Ở khía cạnh khác, KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, với mức xử phạt như vậy đối với hành vi vi phạm của tổ chức vẫn chưa thực sự có tính răn đe cao. Vì một dự án có lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng, việc bỏ ra 1 tỷ đồng tiền phạt là chuyện rất nhỏ và chủ đầu tư cũng sẵn sàng chấp nhận chịu phạt. Tuy nhiên, mức phạt được TP Hà Nội quy định đã cao gấp 2 lần so mức chung mà Nhà nước đưa ra, nên cũng rất khó để phá khung cao hơn nữa, nhưng TP có thể áp dụng những biện pháp tăng thêm khác.
“Đối với những dự án vi phạm, TP Hà Nội nên siết chặt hơn việc kiểm tra, xử lý như: Kiên quyết thu hồi phần tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc yêu cầu tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu nếu phần sai phạm đã xây dựng công trình. Ngoài ra, có thể thực hiện biện pháp cấm các chủ đầu tư vi phạm được triển khai những dự án khác trên địa bàn” - KTS Nguyễn Văn Thanh nói.